Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hệ thống y tế tại Bắc Triều Tiên

2021-10-14

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Trình độ y tế là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định mức sống của người dân một nước. Bắc Triều Tiên luôn quảng bá nền y tế miễn phí, được thiết lập một cách có hệ thống thông qua luật pháp và chế độ. Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về hệ thống y tế của Bắc Triều Tiên cùng nhà nghiên cứu cấp cao Kim Young-hui đến từ Trung tâm kinh tế mới bán đảo Hàn Quốc thuộc Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB). Trước tiên là về chế độ điều trị y tế miễn phí.

 

Lịch sử nền y tế Bắc Triều Tiên

Điều trị y tế miễn phí là chế độ thu lại khoảng 1% tiền lương tháng của người dân dưới dạng bảo hiểm xã hội và quốc gia sẽ thanh toán toàn bộ chi phí khám, kê đơn, phẫu thuật và thuốc cho người dân. Chế độ này bắt đầu áp dụng vào đầu những năm 1950 và phổ biến trên toàn quốc từ những năm 1960. Vào thời kỳ kinh tế khó khăn giữa những năm 1990, các xí nghiệp nhà máy không có khả năng nộp thuế, dẫn đến tài chính quốc gia sụt giảm nghiêm trọng. Tình hình y tế cũng trở nên khó khăn đến mức bệnh viện gần như phải đóng cửa. Trong bối cảnh thiếu trang thiết bị và vật phẩm y tế, người dân chỉ được nhận thuốc kháng sinh và khám miễn phí, sau đó phải tự đến chợ mua thuốc theo đơn. Có thể nói hệ thống y tế miền Bắc đã gần như sụp đổ hoàn toàn khi không thể cung cấp được cả dược phẩm cơ bản nhất như thuốc kháng sinh, đường glucose và nước muối sinh lý. Vì vậy, năm 2002, Bắc Triều Tiên đã thực hiện các biện pháp cải thiện quản lý kinh tế, trong đó gồm áp dụng một số dịch vụ y tế trả phí mặc dù vẫn tuyên bố người dân được điều trị y tế miễn phí.

 

Y học cổ truyền tại Bắc Triều Tiên

Trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn trong việc nhập các trang thiết bị và vật phẩm y tế do cấm vận và kinh tế suy thoái, miền Bắc nhấn mạnh đến y học Koryo, hay còn gọi là y học cổ truyền, hình thức chữa bệnh dễ tiếp cận và sử dụng các loại thuốc từ thiên nhiên. Thậm chí các suối nước nóng cũng đang được tận dụng làm cơ sở bán y tế. Ngoài tác dụng thư giãn, suối nước nóng còn được người dân Bắc Triều Tiên sử dụng để chữa hiếm muộn, bệnh về da hoặc đau dạ dày.

 

Cách giải quyết trường hợp y tế khẩn cấp tại Bắc Triều Tiên

Khác với Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên không có hệ thống cấp cứu hay số điện thoại cứu thương 119. Trong trường hợp khẩn cấp, người dân miền Bắc phải tự đi xe ô tô, xe máy hoặc xe đạp có sẵn, hoặc nhờ hàng xóm đến trạm y tế cách nhà khoảng 10 phút đi bộ để gọi bác sỹ. Nếu bác sỹ phụ trách không thể chữa được tại nhà thì sẽ trở lại trạm y tế và gọi điện để di chuyển người bệnh. Đây là một quá trình rất mất thời gian. Tuy nhiên, tình hình đã được cải thiện vì gần đây mọi gia đình ở Bắc Triều Tiên đều có điện thoại bàn hoặc điện thoại di động. Mặc dù vậy, tình hình y tế ở các vùng nông thôn vẫn còn rất khó khăn.

 

Sự bất bình đẳng trong ngành y tế Bắc Triều Tiên

Bệnh viện Ponghwa (Ngọn đuốc), cơ quan y tế phục vụ cho Chủ tịch Kim jong-un, được trang bị cơ sở vật chất tiện nghi với phòng điều trị, phòng cấp cứu, phòng phẫu thuật và phòng thí nghiệm, có đội ngũ y bác sỹ tốt nghiệp các đại học danh giá như Đại học y Bình Nhưỡng, Đại học Kim Nhật Thành hoặc đi du học về. Tại đây, mỗi phòng bệnh đều được trang bị hệ thống sưởi, nước nóng và điều hòa. Ngoài ra, bệnh viện này còn có các thiết bị y tế tiên tiến, thuốc nhập khẩu, cung cấp thức ăn ngon cho người bệnh và có nguồn điện ổn định. Đa số các bệnh viện tốt đều tập trung ở Bình Nhưỡng, và người dân địa phương muốn đến thủ đô khám chữa bệnh thì phải rất khó khăn mới xin được giấy chứng nhận. Điều này cho thấy sự bất bình đẳng giữa người dân thủ đô và người dân tỉnh lẻ, giữa người có quyền và người không có quyền lực.

 

Dịch vụ y tế từ xa tại Bắc Triều Tiên

“Dịch vụ y tế đường dài” là hệ thống kết nối video giữa các bác sỹ giỏi tại Bình Nhưỡng với các bác sỹ ở vùng xa trong trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp, tương tự như dịch vụ hướng dẫn người bệnh qua số điện thoại khẩn cấp 119 tại Hàn Quốc. Thông qua video trực tuyến, các bác sĩ ở Bình Nhưỡng sẽ theo dõi và hướng dẫn các bác sĩ địa phương, giúp giảm thiểu sai sót và đảm bảo chăm sóc y tế tốt hơn. Việc kết nối từ xa với các bác sĩ giỏi ở tuyến trên không những có thể hỗ trợ người dân mà còn giúp các bác sỹ địa phương học hỏi nâng cao tiêu chuẩn y tế. Mặc dù vậy, hệ thống này vẫn chưa phải là giải pháp toàn diện để giải quyết khoảng cách trong chất lượng y tế tại miền Bắc.

Trong bối cảnh Bắc Triều Tiên thiếu hụt các thiết bị y tế và dược phẩm cơ bản do phong tỏa biên giới để đối phó với đại dịch COVID-19, chúng ta hãy cùng chờ xem liệu nước này có thể khôi phục hệ thống y tế bị sụp đổ nhờ các giải pháp thay thế như hệ thống kết nối y tế từ xa hay không.

Lựa chọn của ban biên tập