Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chính sách lâm nghiệp của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-03-30

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Mỗi đất nước lại có một tên gọi và thời gian khác nhau cho Tết trồng cây. Hàn Quốc tổ chức lễ này vào ngày 5/4 hàng năm với tên gọi Sikmokil (Ngày thực mộc), còn Bắc Triều Tiên kỷ niệm vào ngày 2/3, gọi là Siksuchol (Tết thực thụ). Truyền thông miền Bắc cũng đăng hình Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un tham gia trồng cây, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trồng cây vào ngày Tết trồng cây vừa qua. Thời gian qua, Bắc Triều Tiên đã phải hứng chịu nhiều thiên tai do nạn khai hoang và khai thác gỗ bừa bãi. Trên thực tế tại nước này, rừng không được coi là một đối tượng cần được chăm sóc và bảo vệ để cải thiện môi trường, mà là một nguồn thu ngoại tệ qua các hoạt động khai thác, sử dụng hoặc xuất khẩu gỗ. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tiến sĩ Oh Sam-eon đến từ Viện Khoa học lâm nghiệp quốc gia Hàn Quốc tìm hiểu về chính sách lâm nghiệp của miền Bắc. Đầu tiên là phương hướng khôi phục rừng của Bắc Triều Tiên.

 

Đặc trưng của chính sách lâm nghiệp dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un là mục tiêu biến các vùng đất trống đồi trọc, được coi là hệ quả của thời kỳ khó khăn kinh tế mang tên “cuộc hành quân gian khổ” vào những năm 1990, thành núi vàng, núi kho báu thông qua việc phục hồi rừng. Cuộc chiến phục hồi rừng đã được gắn liền với mục tiêu chiến lược phát triển để đất nước trở thành một cường quốc xã hội chủ nghĩa. Không chỉ phục hồi rừng, đây còn là chiến lược phát triển kinh tế nhờ vào tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường sinh thái nhằm phòng tránh thiên tai.

 

Bắc Triều Tiên có tới 80% tổng diện tích được bao phủ bởi rừng. Tuy nhiên, khó có thể nắm bắt cụ thể tình trạng rừng của miền Bắc do chính sách “bế quan tỏa cảng” của nước này. Do đó, để chuẩn bị cho quá trình thống nhất hai miền, Viện Khoa học lâm nghiệp quốc gia Hàn Quốc đã khảo sát về tài nguyên rừng của Bắc Triều Tiên bằng cách thu thập dữ liệu và phân tích ảnh vệ tinh theo chu kỳ 10 năm một lần từ năm 1999 đối với toàn bộ khu vực rừng của nước này và hai năm một lần từ năm 2014 đối với 11 khu vực quan trọng.

 

Các khu vực rừng bị tàn phá tại Bắc Triều Tiên được chia thành các loại hình khác nhau, như đồi cỏ, đất khai hoang, nương rẫy, ruộng bậc thang. Đây cũng là một khía cạnh khó phân tích qua ảnh vệ tinh. Viện Khoa học lâm nghiệp quốc gia đang không ngừng xây dựng một thư viện dữ liệu về rừng của miền Bắc để tránh phân loại sai đất rừng và đất hoang. Năm 2008, Bắc Triều Tiên có 2,84 triệu hecta rừng bị tàn phá. Đến năm 2018, 220.000 hecta đã được phục hồi. Tuy nhiên, 2,62 triệu hecta rừng bị tàn phá vẫn là một con số cao, chiếm khoảng 28% tổng diện tích rừng của miền Bắc. Tỷ lệ phá rừng từ năm 1999 đến năm 2018 của nước này cho thấy tình trạng phá rừng diễn ra ở khu vực dân cư đông đúc ven biển phía Tây.

 

Rừng của hai miền Nam-Bắc đều bị tàn phá nghiêm trọng do chính sách tích trữ gỗ của thực dân Nhật Bản trong thời kỳ bán đảo Hàn Quốc bị chiếm đóng. So sánh năm 1945 ngay sau giải phóng và năm 2020, diện tích rừng của Hàn Quốc đã tăng 14 lần, còn Bắc Triều Tiên chỉ tăng 2,9 lần. Hàn Quốc đã thành công trong việc phục hồi rừng vào những năm 1970. Trong khi đó, rừng tại miền Bắc bị tàn phá nghiêm trọng hơn để sản xuất gỗ vào những năm 1980 và đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế khó khăn mang tên “cuộc hành quân gian khổ” những năm 1990.

 

Sau khi trồng rừng thành công vào những năm 1970, Hàn Quốc bước vào thời kỳ ổn định vào cuối những năm 1990. Trong khi đó, tình trạng phá rừng bắt đầu tại Bắc Triều Tiên do nước này tập trung vào việc sử dụng gỗ và tài nguyên rừng để phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa. Nạn phá rừng trở nên nghiêm trọng trong thời kỳ “cuộc hành quân gian khổ” những năm 1990 với ba nguyên nhân chính là khó khăn kinh tế dài hạn, thiếu năng lượng và khủng hoảng lương thực. Vào thời kỳ này, khai thác gỗ trở thành một phương pháp kiếm ngoại tệ trong tình hình kinh tế khó khăn, còn củi được sử dụng để đun nấu và sưởi ấm trong gia đình do thiếu năng lượng. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng lương thực dẫn đến các chính sách như "5 phương châm cải tạo tự nhiên" và "4 dự án cải tạo tự nhiên" được đưa ra cuối những năm 1990, thúc đẩy người dân khai hoang bừa bãi để làm ruộng bậc thang.

 

Theo Chỉ số phá rừng do công ty tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Maplecroft (Anh) công bố năm 2011, Bắc Triều Tiên là quốc gia có tỷ lệ phá rừng lớn thứ ba trong số 180 quốc gia được khảo sát, chỉ đứng sau Nigeria và Indonesia. Theo nền tảng giám sát rừng toàn cầu Global Forest Watch (GFW), hơn 200.000 hecta rừng, tương đương 330.000 sân bóng đá, đã biến mất từ năm 2001 đến 2019 tại miền Bắc, chủ yếu ở tỉnh Yanggang, tỉnh Jagang và tỉnh Nam Hamgyong. Tình trạng phá rừng nghiêm trọng đã tiếp tay và làm gia tăng thiệt hại mà những thảm họa thiên nhiên quy mô lớn, như lũ lụt, gây ra.

 

Rừng bị tàn phá sẽ mất đi chức năng điều tiết hạn hán và lũ lụt, làm tăng thiệt hại do lũ lụt gây ra bởi nước sông dâng cao và do hạn hán gây ra vì đất trống bị giảm khả năng trữ nước. Đây cũng là lý do mà thảm họa lũ lụt do mưa lớn vào năm 1995 tại Bắc Triều Tiên được ghi nhận là một trong 50 thảm họa thiên nhiên hàng đầu thế giới, thậm chí là thiệt hại do lũ lụt và hạn hán vẫn còn tiếp diễn tại nước này cho đến ngày nay. Theo Trung tâm nghiên cứu về dịch tễ học trong thiên tai (CRED), một cơ quan hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 538 người dân miền Bắc đã thiệt mạng trong trận lũ lụt năm 2016. Đây cũng là thảm họa thiên nhiên có số nạn nhân nhiều thứ ba thế giới trong năm đó, chỉ sau động đất tại Ecuador, và bão tại Haiti. Nạn phá rừng là một trong các nguyên nhân khiến Bắc Triều Tiên phải gánh chịu những thiệt hại nghiêm trọng do hàng loạt trận hạn hán và lũ lụt gây ra. Trong báo cáo đệ trình Liên hợp quốc năm 2021, miền Bắc đã tự coi mình là quốc gia thường xuyên bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu với nhiều hơn một thảm họa thiên nhiên xảy ra hàng năm trong vòng một thập kỷ qua, nói lên tình trạng nghiêm trọng của nước này.

 

Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của nạn phá rừng, Bắc Triều Tiên đang dồn sự chú ý đến việc phục hồi rừng. Kể từ năm 2003, khi cố Chủ tịch Kim Jong-il lên nắm quyền, một số vùng của đất nước đã bắt đầu thực hiện các chính sách phục hồi rừng, như trồng cây song song với trồng nông sản, hay thực hiện mô hình kinh doanh liên hợp lâm nông để tăng cường lợi ích kinh tế cho người dân. Mô hình kinh doanh này chính là một trong các chính sách phục hồi rừng tiêu biểu của miền Bắc.

 

Năm 2000, theo gợi ý của Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ (SDC), Bắc Triều Tiên bắt đầu áp dụng mô hình kinh doanh liên hợp lâm nông. Mô hình này khuyến khích người dân trồng song song nông sản và cây cối trên núi, đem lại hiệu quả “một mũi tên trúng hai đích”, vừa trồng trọt vừa khôi phục rừng. Đây là một ví dụ cho thấy nỗ lực của miền Bắc trong việc giải quyết nạn phá rừng và nạn thiếu lương thực dưới thời cố Chủ tịch Kim Jong-il.

 

Kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ khôi phục rừng. Vào tháng 2/2015, ông Kim đã có bài phát biểu với tiêu đề “Cùng bắt tay vào cuộc chiến phục hồi rừng và phủ lên núi đồi Tổ quốc những khu rừng xanh um tùm". Ngoài ra, Chủ tịch Kim cũng chỉ trích tình trạng chặt phá cây bừa bãi để giải quyết vấn đề lương thực, củi lửa từ thời kỳ “cuộc hành quân gian khổ”, làm suy giảm nguồn tài nguyên rừng quý giá, nhấn mạnh rằng không thể giao cho thế hệ mai sau chỉ toàn đất trống đồi trọc. Việc miền Bắc coi “phục hồi rừng” là “cuộc chiến” cũng là một điểm đặc biệt cần chú ý.

 

Tuy việc sử dụng thuật ngữ quân sự để đặt tên vẫn thường xuyên xảy ra tại Bắc Triều Tiên, việc Chủ tịch Kim Jong-un đặt tên dự án trồng rừng là “trận chiến” phục hồi rừng và xác định trồng rừng là cuộc chiến chống lại thảm họa thiên nhiên đã cho thấy tính cấp thiết ở cấp độ đảng ủy của chính sách này. Ngoài ra, động thái này cũng có ý nghĩa tổng động viên toàn đảng, toàn quân và toàn dân tích cực tham gia dự án để mang lại chiến thắng như đang ở trong một cuộc chiến thực sự. Tuy nhiên, trong văn bản tiếng Anh, miền Bắc lại sử dụng từ “chiến dịch” (campaign) thay cho “trận chiến” (battle) hay “chiến đấu” (fight) để tránh gây nhầm lẫn là nước này có ý định phá hủy thay vì phục hồi rừng. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng rất coi trọng hình ảnh của mình trong mắt cộng đồng quốc tế.

 

Trong một bài phát biểu, Chủ tịch Kim Jong-un từng khẳng định "Đảng có quyết tâm và ý chí kiên định để biến tất cả các ngọn núi thành núi kho báu, núi vàng được bao phủ bởi rừng xanh trong 10 năm tới”. Từ đó, thuật ngữ "núi vàng” thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Bắc Triều Tiên. Nhân dịp Tết trồng cây 2/3 năm ngoái, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, đã nhấn mạnh thuật ngữ này với câu nói “Phục hồi rừng là một dự án chính trị nhằm biến tất cả các ngọn núi thành núi vàng, núi kho báu, để sông núi Tổ quốc có thể trở thành thiên đường cho người dân”, cho thấy “núi vàng” đã trở thành từ khóa trọng tâm cho chính sách lâm nghiệp lần này.

 

Kể từ khi xuất hiện trong phát biểu về cuộc chiến khôi phục rừng của Chủ tịch Kim Jong-un năm 2015, hai cụm từ “núi vàng” và “núi kho báu” đã trở thành một phần không thể thiếu trong chính sách lâm nghiệp của Bắc Triều Tiên. “Núi vàng” mang ý nghĩa chiến lược, khẳng định phục hồi rừng là một chính sách đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân. Không chỉ đơn giản là khôi phục lại nguyên trạng rừng như ban đầu, chiến lược này khôi phục lại các ngọn núi có giá trị kinh tế để đẩy nhanh tiến độ xây dựng đất nước giàu mạnh. Nói cách khác, dự án không những khôi phục đất trống đồi trọc mà còn biến chúng thành núi vàng, để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường sinh thái và phục hồi rừng. Ngoài thuật ngữ “núi vàng” trong lâm nghiệp, miền Bắc còn nhấn mạnh đến việc nâng cao đời sống của người dân nhờ nông nghiệp và ngư nghiệp thông qua hình ảnh ẩn dụ về “ong vàng” và “biển vàng”.

 

Năm 2015, Bắc Triều Tiên lần đầu tiên lập ngân sách quốc gia riêng cho lĩnh vực lâm nghiệp, đồng thời thành lập Tổng cục lâm nghiệp để củng cố cơ cấu quản lý ngành lâm nghiệp và thúc đẩy dự án trồng rừng trên toàn quốc, như xây dựng vườn ươm giống cây theo vùng. Sau đó, nước này xây dựng Hệ thống tình nguyện theo dõi cháy rừng vào năm 2016 và thành lập trường Đại học khoa học lâm nghiệp thuộc Đại học tổng hợp Kim Nhật Thành năm 2017 nhằm tiếp cận lĩnh vực lâm nghiệp một cách khoa học hơn. Ngoài ra, chế độ phụ trách cạnh tranh cũng được áp dụng nhằm giao trách nhiệm xử lý các dự án phục hồi rừng cho các cơ quan, tổ chức cụ thể tại từng địa phương.

 

Chế độ phụ trách cạnh tranh đã có từ thời cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, nhưng được phân chia chặt chẽ hơn và triển khai như một chế độ cạnh tranh xã hội chủ nghĩa dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un. Chế độ này khơi gợi lòng yêu nước của người dân bằng cách giao rừng cho mỗi gia đình và cá nhân quản lý. Báo Lao động sẽ đưa tin về các tấm gương sáng, chẳng hạn như người quản lý của nhà máy sản xuất đồ nội thất đã trồng khoảng 250 mầm cây trong văn phòng, con trai của quản đốc lâm nghiệp tiếp bước cha mình, một người già gần 80 tuổi vẫn phụ trách quản lý đất rừng. Ngoài ra, báo này có thể thúc đẩy cạnh tranh bằng cách đưa tin về số lượng cây đã trồng được, đối tượng tham gia cạnh tranh và quy mô của các cơ quan cạnh tranh. Phong trào cạnh tranh xã hội chủ nghĩa đang được phát triển dưới nhiều tên gọi và cách thức khác nhau, như tuyên dương các tấm gương, khuyến khích dẫn đầu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.

 

Tại Hội nghị toàn thể lần ba Ủy ban trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên khóa VIII vào tháng 1/2021, Chủ tịch Kim Jong-un thừa nhận mục tiêu chiến lược 5 năm phát triển kinh tế quốc gia còn nhiều thiếu sót trong hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, ông Kim vẫn đặc biệt đề cập đến thành tựu của 12 lĩnh vực, trong đó có lâm nghiệp, và nhấn mạnh rằng trong cuộc chiến toàn quốc và toàn quân để nâng cao tài nguyên rừng của quốc gia, 1.000 cánh rừng mới đã được tạo ra. Đây cũng là lĩnh vực duy nhất Chủ tịch Kim đưa ra một con số cụ thể. Mặc dù kể từ sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, chưa thể xác định cụ thể kết quả phục hồi rừng của Bắc Triều Tiên, song theo công bố của miền Bắc, con số này có vẻ khá cao.

 

Theo số liệu mà Bắc Triều Tiên tiết lộ trong báo cáo gửi Liên hợp quốc, ước tính nước này đã trồng được khoảng 7,78 triệu hecta rừng, một con số khác xa số liệu được tiết lộ tại Hội nghị toàn thể lần ba Ủy ban trung ương đảng Lao động khóa VIII nhưng cũng rất cao. Điều quan trọng là miền Bắc đã đưa ra được thành tựu trong lĩnh vực lâm nghiệp với con số cụ thể. Động thái này nhấn mạnh việc miền Bắc đã công khai công bố cả trong và ngoài nước về các thành tựu kể từ năm 2015 khi nước này bắt đầu nghiêm túc đối phó với vấn đề tàn phá rừng. Tất nhiên, việc phục hồi rừng cũng gặp phải các hạn chế, như khủng hoảng kinh tế do các lệnh trừng phạt quốc tế và đại dịch COVID-19. Để phục hồi kinh tế, có khả năng Bắc Triều Tiên sẽ giảm bớt đầu tư vào phục hồi rừng để đầu tư vào nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Do miền Bắc đang tiến hành các dự án xây dựng quy mô lớn, như các dự án phát triển ở Bình Nhưỡng, có khả năng việc khai thác gỗ sẽ được chú trọng hơn là trồng và bảo vệ rừng. Ngoài ra, tài nguyên rừng có thể sẽ bị sử dụng bừa bãi, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Còn nếu giao cho các địa phương, hiệu quả khôi phục rừng sẽ khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế từng khu vực.

 

Để phục hồi rừng, ngoài trồng cây, Bắc Triều Tiên cần giải quyết tình trạng thiếu lương thực và năng lượng, cũng là nguyên nhân sâu xa gây ra nạn chặt phá rừng. Vì vậy, điều quan trọng là miền Bắc cần đẩy mạnh giao lưu liên Triều và hợp tác với cộng đồng quốc tế.

Lựa chọn của ban biên tập