Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Biểu tượng quốc gia của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-04-13

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Dựa trên lịch sử và văn hóa, mỗi nước trên thế giới sẽ quyết định các biểu tượng quốc gia như quốc kỳ, quốc ca hay quốc hoa nhằm thể hiện lòng yêu nước của người dân và khắc họa hình ảnh riêng của đất nước ra quốc tế. Biểu tượng quốc gia của Hàn Quốc là Taegukgi (cờ Thái Cực), quốc ca Aegukga (Ái quốc ca), quốc hoa là hoa Mugung (dâm bụt), quốc chương và quốc huy Hàn Quốc. Còn ở Bắc Triều Tiên, năm 2018, nước này xuất bản cuốn sách tiêu đề "Biểu tượng quốc gia Triều Tiên” giới thiệu các biểu tượng quốc gia như quốc hiệu, quốc huy, quốc kỳ, quốc ca, quốc ngữ, quốc hoa v.v... Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tiến sĩ Oh Sam-eon đến từ Viện Khoa học lâm nghiệp quốc gia Hàn Quốc tìm hiểu về các biểu tượng quốc gia của miền Bắc. Đầu tiên là những biểu tượng quốc gia được ban hành khi nước này thành lập chính quyền.


Bắc Triều Tiên có quốc hiệu là “Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên”, quốc kỳ mang tên “cờ xanh lam-đỏ của nước Cộng hòa”, và quốc ca với tên gọi là “Aegukga” (Ái quốc ca) như Hàn Quốc. Quốc huy miền Bắc có hình ảnh núi Baekdu (Bạch Đầu) ở giữa, trên cùng chính giữa là một ngôi sao màu đỏ, tượng trưng cho thánh địa và niềm vinh quang của cách mạng. Bên dưới là tháp cao thế bằng thép của nhà máy thủy điện và hình ảnh khung đỡ tương đồng với quốc huy của Liên Xô với hai bên là các cành lúa, tượng trưng cho nông nghiệp và công nghiệp. Trong khi đó, quốc huy Hàn Quốc có hình vòng tròn Thái Cực được bao quanh bởi 5 cánh hoa Mugung và dải ruy băng có dòng chữ "Đại Hàn Dân Quốc”. Đây là biểu tượng đại diện cho Hàn Quốc, được in trên hộ chiếu, các tài liệu quan trọng để gửi đến các cơ quan nước ngoài và trên các trụ sở của cơ quan ngoại giao Hàn Quốc ở nước sở tại. 


Sau khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền, Bắc Triều Tiên chọn chó Pungsan làm quốc khuyển vào năm 2014, lấy cây thông làm quốc thụ vào năm 2015, đồng thời chọn quốc điểu là chim ưng ngỗng và quốc hoa là hoa mộc lan. Miền Bắc bắt đầu nhấn mạnh biểu tượng quốc gia vào nửa cuối năm 2018. Cụ thể, bắt đầu từ tháng 11/2018, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đã lần lượt đăng về cây thông, chó Pungsan, chim ưng ngỗng và hoa mộc lan, nhấn mạnh biểu tượng quốc gia là “dự án giáo dục vì lòng tự hào, niềm kiêu hãnh và lòng yêu nước của dân tộc”. Năm 2019, báo này bổ sung thêm các biểu tượng khác như quốc hiệu, quốc huy, quốc ca và quốc ngữ. 


Trong bài phát biểu mừng năm mới 2019, Chủ tịch Kim Jong-un yêu cầu đề cao khẩu hiệu “chủ nghĩa quốc gia là trên hết” và nhấn mạnh các biểu tượng quốc gia. Ngày 01/01/2019, báo Lao động đăng bản nhạc bài hát "Quốc kỳ của chúng ta" cùng với chữ ký tay của ông Kim Jong-un. “Chủ nghĩa quốc gia là trên hết” là khái niệm thể hiện niềm kiêu hãnh và lòng tự hào về sự vĩ đại của tổ quốc xã hội chủ nghĩa, lần đầu tiên được sử dụng vào năm 2017, sau khi miền Bắc phóng thành công tên lửa đạn đạo Hwasong-15, nhằm khẳng định sự thay đổi về địa vị của nước này trên trường quốc tế. Có thể thấy biểu tượng quốc gia miền Bắc đi đôi với xu hướng tuyên truyền “chủ nghĩa quốc gia là trên hết”.


Điều đáng chú ý là sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, Bắc Triều Tiên chỉ định quốc khuyển và quốc thụ mới, đồng thời nhấn mạnh hơn vào quốc điểu là chim ưng ngỗng và quốc hoa là hoa mộc lan so với các chính quyền trước. 


Nếu quốc huy, quốc kỳ, quốc ca có kiểu dáng, màu sắc, ca từ tượng trưng cho Bắc Triều Tiên thì quốc thụ, quốc khuyển, quốc điểu, quốc hoa của miền Bắc lại là những động thực vật sống trên bán đảo Hàn Quốc. Vì vậy, các loài động thực vật này vừa mang ý nghĩa lịch sử, vừa thêm ý nghĩa chính trị, nâng cấp được địa vị, lại có thêm ý nghĩa mới là tình yêu dân tộc và lòng yêu nước. Ví dụ, biểu tượng cây thông đi đôi với việc trồng và bảo vệ rừng, chó Pungsan và chim ưng ngỗng tượng trưng cho việc bảo vệ động vật và môi trường sinh thái. Việc chỉ định các sinh vật này làm biểu tượng quốc gia có hiệu quả đoàn kết người dân trong nội bộ và bảo vệ môi trường. Có thể nói việc biểu tượng hóa các động thực vật, núi non, môi trường sinh thái là một khía cạnh đặc trưng của chính trị miền Bắc dưới thời ông Kim Jong-un.


Quốc khuyển Pungsan của Bắc Triều Tiên không phải là một loài vật xa lạ với người dân Hàn Quốc vì Chủ tịch Kim Jong-un đã từng tặng loại chó này cho Tổng thống Moon Jae-in trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2018. Ngoài ra, tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000, cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và cố Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-il cũng đã tặng cho nhau quốc khuyển của hai nước là chó Jindo và chó Pungsan. Vì vậy, chó Pungsan có thể được coi là biểu tượng của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, tượng trưng cho thống nhất và hòa bình. 


Bắc Triều Tiên công nhận loài chó Pungsan là di sản thiên nhiên số 368 vào năm 1956 và xã Gwangdeok, huyện Kimhyonggwon (tỉnh Ryanggang), quê hương của loài chó này, là khu vực bảo vệ di sản thiên nhiên vào năm 1968. Huyện này trước đây còn được gọi là huyện Pungsan, tên của loài chó cũng bắt nguồn từ tên địa danh này. Vì đây là một vùng núi xa xôi hẻo lánh nên chó Pungsan được cho là có dòng máu tương đối thuần chủng. Từ thời xưa, chó Pungsan đã được người dân yêu quý nhờ có dáng vẻ dũng cảm và khí chất của người con dân tộc Hàn, vừa hiền lành, thông minh nhưng cũng có tinh thần chiến đấu kiên cường và dũng mãnh. Trong dân gian còn lưu truyền những câu truyện truyền thuyết về việc chú chó Pungsan có thể quật một con hổ to bằng con bê, hay hy sinh để cứu người chủ ngủ say trong trận hỏa hoạn. Đây cũng chính là lý do miền Bắc chọn chó Pungsan là quốc khuyển.


Cây thông là một loại cây đại diện cho dân tộc Hàn, cũng là biểu tượng của tấm lòng nghĩa khí. Loại cây này xuất hiện trong lời bài hát quốc ca Hàn Quốc, được công nhận là di sản thiên nhiên ở Hàn Quốc và là loại cây mọc đơn lẻ có nhiều chủng loại nhất với hơn 40 loại. Trong nhiều cuộc khảo sát các loại cây yêu thích của người dân Hàn Quốc, cây thông thường xuyên đứng số một. Loài cây này cũng rất được người dân Bắc Triều Tiên ưa chuộng và xem là biểu tượng cho khí phách dân tộc bởi sức sống mạnh mẽ, tượng trưng cho khí khái và tinh thần bất khuất chiến đấu kiên cường trong mọi cuộc đấu tranh chống ngoại xâm trong lịch sử của dân tộc. Cây thông cũng được coi là đặc điểm điển hình của cảnh quan thiên nhiên và thường xuất hiện trong tranh phong cảnh thiên nhiên của miền Bắc. Thông còn thường được khắc họa với hình ảnh vượt qua bão tuyết sương lạnh trong các tác phẩm văn học. Ngoài ra, năm 1991, dưới thời cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, hoa mộc lan được chỉ định làm quốc hoa Bắc Triều Tiên. Hoa mộc lan có tên gọi khác là hoa Hambak hay mộc lan núi. Năm 1960, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành từng nói: “Có chút đáng tiếc khi một cây hoa tốt như vậy lại được gọi là hoa Hambak. Nên gọi nó là mộc lan, theo đúng nghĩa hoa thơm và đẹp". Từ đó, loại hoa này có tên là mộc lan. Trong khi đó, chim ưng ngỗng dược chỉ định làm quốc uyển miền Bắc vào năm 2008, dưới thời cố Chủ tịch Kim Jong-il. Việc máy bay riêng của Chủ tịch Kim Jong-un được đặt tên là “Chim ưng ngỗng số 1” đã cho thấy tầm quan trọng của loài quốc điểu này. 


Mộc lan được chỉ định làm quốc hoa Bắc Triều Tiên vào tháng 4/1991 nhờ có vẻ đẹp, vững chãi, đơn giản và sang trọng được người dân miền Bắc yêu thích. Gần đây, quốc hoa mộc lan cùng quốc thụ là cây thông được đặc biệt chú trọng sử dụng trong việc tạo hình cây xanh đường phố và công viên tại nước này. Chim ưng ngỗng trở thành quốc điểu Bắc Triều Tiên vào tháng 4/2008 nhờ mối liên kết chặt chẽ với văn hóa và phong tục tập quán của người dân. Dân tộc Hàn đã săn bắt chim ưng từ thời kỳ Gojoseon (cuối thế kỷ II - đầu thế kỷ I trước Công Nguyên) nên đã quen thuộc với chim ưng ngỗng và tự hào đã thuần hóa được loài chim ưng dũng mãnh. Người dân miền Bắc gọi chim ưng ngỗng bằng nhiều cái tên khác nhau, như Haedongcheong, Boramae và Songgolmae, và cho rằng loài chim này có ngoại hình thể hiện được khí chất của dân tộc Hàn. Cùng với quốc khuyển Pungsan, quốc điểu ưng ngỗng cũng được công nhận là di sản thiên nhiên của miền Bắc và đang được nước này chú trọng bảo tồn.


Sau khi Bắc Triều Tiên chỉ định và nhấn mạnh nhiều lần về các biểu tượng quốc gia như cây thông, hoa mộc lan, chó Pungsan và chim ưng ngỗng, các lĩnh vực xã hội tại nước này đã bắt đầu có sự thay đổi. Ví dụ, kể từ khi cây thông được coi là quốc thụ, việc trồng thông trong khuôn khổ cuộc chiến phục hồi rừng đã được thực hiện tích cực hơn. Năm 2019, báo Lao động đưa tin về việc nước này đang tích cực tiến hành các dự án trồng cây thông, và nhờ lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh của người dân mà thành tích trồng thông liên tục tăng. Đặc biệt, miền Bắc khuyến khích trồng loại thông đen Geumya, một loại cây phát triển nhanh và có khả năng kháng sâu bệnh. Nước này cũng chỉ định huyện Tongchon, tỉnh Gangwon là khu bảo tồn loại thông này. Trên thực tế, cây thông có nhiều giá trị về cảnh quan hơn kinh tế, nhưng vì là quốc thụ nên vẫn được ưu tiên hơn so với các loại cây có giá trị kinh tế như làm thức ăn hay làm thuốc. Nhờ đó, những cánh rừng thông đang được chú ý trở lại và trở thành danh lam thắng cảnh ở miền Bắc. Rừng thông Songdowon ở vùng biển phía Đông được cho là hình thành cách đây 700 năm, hay rừng thông Cheolsan Jangsong trải dài vài nghìn mét dọc theo bờ biển phía Tây, rừng thông Changteo trên núi Geumgang có mật độ khoảng 450 cây trên mỗi đinh bộ (9.917,4 m2), với cây lớn nhất cao đến 30m. 

Bên cạnh đó, năm 2018, trong một bài viết giới thiệu về việc giáo dục nghệ thuật tại các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, báo Lao động đã nhấn mạnh việc trước tiên phải phát triển năng lực sáng tác để tán dương các vĩ nhân và tô điểm các biểu tượng của đất nước như hoa Kim Nhật Thành, hoa Kim Jong-il, quốc ca, quốc huy, quốc thụ, quốc khuyển, quốc điểu và quốc hoa. Động thái này cho thấy Bắc Triều Tiên đang tiến hành đào tạo sáng tác nghệ thuật lấy cảm hứng từ các biểu tượng quốc gia. Theo đó, các tiêu chuẩn thẩm mỹ trong nghệ thuật tại nước này cũng đang thay đổi. 


Các yếu tố sinh thái được biểu tượng hóa không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà còn tác động đến nhiều lĩnh vực khác như du lịch, giáo dục, văn hóa nghệ thuật và kinh tế. Bắc Triều Tiên đang nhấn mạnh rằng các biểu tượng của đất nước như quốc thụ hay quốc hoa cần được phản ánh trong các loại hình nghệ thuật truyền thống, bao gồm cả tranh thời Joseon (thế kỷ XIV-XIX). Một triển lãm nghệ thuật lấy cây thông làm chủ đề đã được tổ chức vào năm 2019 với hơn 150 tác phẩm nghệ thuật đến từ các nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật trên khắp cả nước. Về cách thức sáng tác các tác phẩm nghệ thuật về các biểu tượng quốc gia, có tin các họa sĩ ở tỉnh Jagang đã leo lên núi Sasan phủ đầy tuyết để thực hành vẽ cây thông sao cho đẹp nhất, thi đấu xem ai là người có thể tái hiện tốt nhất các đặc trưng của cây thông thời Joseon. Có nguồn tin cho biết các tác phẩm về cây thông, hoa mộc lan hay chó Pungsan đã thu hút được nhiều sự chú ý tại Lễ hội điêu khắc thủ công mỹ nghệ toàn quốc tổ chức vào năm 2019.


Tháng 5/2021, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Bắc Triều Tiên đang tiến hành khảo sát toàn diện các khu bảo tồn động vật hoang dã trên khắp cả nước và đang thúc đẩy một dự án xây dựng các khu vực bảo tồn tốt hệ sinh thái thành các khu bảo tồn mới. Vai trò của chim ưng ngỗng, chó Pungsan và cây thông cũng được nhấn mạnh trong dự án này, cho thấy vị thế và vai trò của các động thực vật là biểu tượng quốc gia đã được chú trọng hơn, mang lại ảnh hưởng nhất định đến các chính sách liên quan đến môi trường sinh thái, chẳng hạn như các dự án bảo tồn. 


“Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện” (VNR) thuộc “Báo cáo thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)” được miền Bắc đệ trình lên Liên hợp quốc vào tháng 7/2021 đưa ra kế hoạch thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, kế hoạch kiến thiết lâm nghiệp và chiến lược đa dạng sinh học. Động thái này cho thấy Bắc Triều Tiên thể hiện sự quan tâm và đáp ứng hợp tác quốc tế về các vấn đề sinh thái và môi trường nhằm nắm bắt các xu hướng của cộng đồng quốc tế, tạo ra một môi trường ngoại giao thuận lợi cho phát triển kinh tế. Đây có thể được coi là một thành công của chính sách môi trường sinh thái và nền chính trị môi trường sinh thái của miền Bắc dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un. Khác với trước, Bình Nhưỡng đang chú trọng đến môi trường sinh thái với mục tiêu một mũi tên trúng hai đích là vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường. Không thể phủ nhận rằng việc coi trọng môi trường sinh thái đã làm thay đổi các tiêu chuẩn đánh giá và dấy lên cuộc tranh luận trong xã hội nước này. Vấn đề môi trường sinh thái ngày càng được chú trọng trên toàn thế giới và cũng là một lĩnh vực mà hai miền Nam-Bắc cần hợp lực giải quyết. Vì vậy, các chính sách chính trị về môi trường sinh thái của Bắc Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong-un có thể đóng góp và trở thành tín hiệu tích cực cho môi trường sinh thái của bán đảo Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập