Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bao bì bánh kẹo của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-04-20

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Bắc Triều Tiên thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng” và không giao thương hay trao đổi trực tiếp với Hàn Quốc. Vì thế, các chuyên gia Hàn Quốc thường phải suy luận về xã hội và cuộc sống của người dân miền Bắc qua nhiều phương tiện gián tiếp như ảnh vệ tinh hay bao bì sản phẩm. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng giáo sư Kang Dong-wan, giám đốc Trung tâm Busan Hana tại Đại học Dong-a, tìm hiểu về xã hội Bắc Triều Tiên qua bao bì sản phẩm của nước này. Giáo sư Kang bắt đầu quan tâm đến bao bì sản phẩm của miền Bắc khi thu thập và nghiên cứu dữ liệu liên quan đến nước này ở khu vực biên giới Trung-Triều, sau đó ông đã thu thập và phân tích các mẫu bao bì sản phẩm Bắc Triều Tiên dạt vào 5 hòn đảo gần với miền Bắc nằm ở vùng biển phía Tây Hàn Quốc.

 

Chúng tôi chỉ có thể quay hình ảnh của Bắc Triều Tiên bên kia bờ sông Amnok (Áp Lục) và sông Duman (Đồ Môn) tại biên giới Trung-Triều do không thể trực tiếp đến miền Bắc. Tuy nhiên, vì hiện tại không thể xuất ngoại do đại dịch COVID-19, chúng tôi đã đến đảo Baekryeong và đảo Yeonpyeong thuộc khu vực 5 hòn đảo trên biển phía Tây, nơi có thể quan sát được cận cảnh Bắc Triều Tiên nhất tại Hàn Quốc, và tình cờ tìm thấy rác của nước này trên bãi biển. Các loại giấy gói này cho thấy thực trạng của các sản phẩm được sản xuất tại miền Bắc, đặc biệt là các thiết kế, nhân vật, đặc điểm được nhấn mạnh, tên nhà máy trên bao bì. Ngoài ra, qua danh sách các thành phần chính của sản phẩm, có thể gián tiếp biết được hiện trạng nền kinh tế Bắc Triều Tiên. Điều này cho thấy bao bì sản phẩm cũng có thể trở thành tài liệu nghiên cứu rất quan trọng về miền Bắc.

 

Trong vòng một năm qua, giáo sư Kang Dong-wan đã thu thập được khoảng 2.000 mẫu bao bì sản phẩm của Bắc Triều Tiên, trong đó có 1.400 mẫu đã được phân loại và phân tích. Trong số mẫu rác dạt vào vùng 5 hòn đảo trên biển Tây, có rất nhiều giấy gói bánh kẹo có in tên các nhà máy khác nhau, như Nhà máy thực phẩm tổng hợp cho vận động viên Cúp vàng với phương châm: “Những sản phẩm mà các vận động viên và người dân yêu thích được sản xuất tuôn trào như thác nước mỗi ngày”. Ngoài ra, còn có nhiều nhà máy khác như Nhà máy thực phẩm dải ngân hà Gyeongheung, Nhà máy thực phẩm Eunha Daesung (Ngân hà đại tinh) và Nhà máy Goksan Bình Nhưỡng với các thương hiệu khác nhau.

 

Nhà máy Goksan Bình Nhưỡng là một trong những đơn vị sản xuất kẹo nổi tiếng nhất Bắc Triều Tiên và là nơi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đích thân đến chỉ đạo thực địa. Nhà máy này sử dụng thương hiệu “Dải ngân hà”. Ngoài tên gọi đa dạng, mỗi nhà máy tại miền Bắc còn có thương hiệu riêng cho từng sản phẩm, như nhãn hiệu kẹo “Cốc vàng” nổi tiếng của Nhà máy thực phẩm tổng hợp cho vận động viên Cốc vàng. Bên cạnh đó, Nhà máy 2/11 thuộc Quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên, đơn vị chuyên cung cấp nhu yếu phẩm cho quân đội, cũng có thương hiệu kẹo “Chiến thắng” để kỷ niệm Tết chiến thắng 27/7 chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Các thương hiệu này có tác dụng truyền tải tư tưởng chính trị hơn là giới thiệu sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn.

 

Bao bì bánh kẹo và bánh mì của Bắc Triều Tiên cơ bản đều in bảng thành phần chính và chất dinh dưỡng. Chẳng hạn, bao bì sản phẩm “Bánh kẹo trẻ em" thuộc nhãn hiệu "Ryomyong" của Nhà máy thực phẩm Seosan Ryomyong ghi rõ thành phần gồm 65,8g carbohydrate và 18,1g chất béo trong 100g sản phẩm, cùng các nguyên liệu chính là bột mì, bột đường, bột sữa, bột rong biển, bơ. Hay mẫu giấy gói bánh mỳ nhấn mạnh thành phần chính là tảo xoắn đã gây được nhiều sự chú ý. Miền Bắc coi tảo là “thực phẩm lý tưởng nhất của thế kỷ XXI" và sử dụng trong nhiều sản phẩm đa dạng.

 

Trên bao bì bánh kẹo Bắc Triều Tiên có nội dung khẳng định sản phẩm có thể cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ em. Nếu ở Hàn Quốc thì những nội dung này sẽ bị coi là quảng cáo phóng đại. Tuy nhiên, việc một loại tảo sinh trưởng tại bờ biển là tảo xoắn được sử dụng trong sản phẩm cho thấy miền Bắc đang sản xuất và phân phối bánh bẹo bằng những nguyên liệu tự nhiên để có thể cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ em và trẻ sơ sinh trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung cấp chất dinh dưỡng.

 

Cụ thể, hiệu quả của tảo xoắn được ghi rõ trên bao bì các sản phẩm. Ví dụ, mặt sau của gói "Bánh bột gạo ngọt kem tảo xoắn" của Nhà máy thực phẩm tổng hợp Songdowon có ghi: "Đây là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe với tác dụng giúp phát triển chiều cao, trí não và cơ bắp của trẻ em, đồng thời ngăn ngừa bệnh tiểu đường, tim mạch, xơ vữa động mạch và chống lão hóa ở người lớn". Ngoài ra, giấy gói các loại bánh kẹo khác của miền Bắc cũng nhấn mạnh các hiệu quả “tốt cho sức khỏe" của sản phẩm. Chẳng hạn, sản phẩm bánh bẹo của Nhà máy thực phẩm Seonheung có ghi "Chứa vitamin và các thành phần vô cơ cần thiết cho cơ thể người" và "Không gây rối loạn tiêu hóa và rất tiện lợi khi ăn." Bao bì sản phẩm của Nhà máy nước uống dinh dưỡng tổng hợp O-il còn quảng cáo sản phẩm như thuốc chữa bách bệnh, chẳng hạn gói "Collagen Eskimo" có ghi "Kích thích chiều cao của trẻ em, tăng độ sáng và đàn hồi cho da", trong khi bao bì sản phẩm "Eskimo có hương vị sữa chua trái cây" thì ghi "Giải quyết cơn khát, thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện vi khuẩn đường ruột". Điều đáng chú ý là hầu hết các bao bì đều có mã QR và mã vạch.

 

Một trong những phát hiện thú vị là hầu hết giấy gói sản phẩm của Bắc Triều Tiên đều có mã vạch và mã QR, qua đó có thể dùng điện thoại thông minh để xác nhận các thông tin cơ bản của sản phẩm, như tên, nơi sản xuất, thành phần chính. Ngoài ra, bao bì sản phẩm của miền Bắc cũng nhấn mạnh vào các tiêu chuẩn quốc tế, chẳng hạn như chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP).

 

Các nhân vật thường được sử dụng để mang lại hiệu quả quảng bá, tuyên truyền sản phẩm. Ở Bắc Triều Tiên, đây cũng không phải ngoại lệ. Đặc biệt, các bao bì đồ ăn vặt, bánh mì, kẹo tại nước này đều in hình các nhân vật hoạt hình mà trẻ em yêu thích, như nhân vật “Chú gấu mèo thông minh” từ bộ phim hoạt hình nổi tiếng cùng tên do "Xưởng phim hoạt hình Triều Tiên 26/4" sản xuất.

 

Bao bì bánh kẹo hay sản phẩm của Bắc Triều Tiên in rất nhiều nhân vật, như nhân vật mô phỏng chú mèo Hello Kitty. Tuy nhiên, có suy đoán Chủ tịch Kim Jong-un đã trực tiếp ra lệnh phải thay đổi, vì sau đó báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, đã chỉ trích các sản phẩm trong nước mô phỏng các nhân vật nước ngoài trong khi miền Bắc cũng có các nhân vật riêng. Vì vậy, nhân vật gấu trúc thông minh đã xuất hiện không chỉ trên các bao bì bánh kẹo mà còn cả giày dép nội địa, thể hiện chính sách chính trị yêu thương người dân qua các hình ảnh quen thuộc với trẻ em.

 

Ngoài mục đích phục vụ cho thiết kế, Bắc Triều Tiên phát hành và nhấn mạnh phông chữ riêng còn để tuyên truyền tư tưởng. Vì vậy, không chỉ biển hiệu, biển quảng cáo mà bao bì sản phẩm cũng có phông chữ mang ý nghĩa đặc biệt và hiếm khi trùng lặp.

 

Ngoài cách nói chuyện, Bắc Triều Tiên cũng cấm người dân sử dụng phông chữ của Hàn Quốc. Vì vậy, nước này đã thiết kế ra các phông chữ riêng mà nhìn vào cũng có thể nhận ra là phông chữ của miền Bắc. Chẳng hạn, ở mặt trước bao bì sản phẩm “Bánh bột gạo ngọt vị hồ đào” của nước này sử dụng tới 6 phông chữ khác nhau để biểu thị tên, giải thích về tác dụng "tốt cho dinh dưỡng buổi sáng" của quả hồ đào, tên nhà máy và nơi sản xuất, cho thấy sự chú trọng của Bắc Triều Tiên vào thiết kế, màu sắc và kiểu chữ trên bao bì sản phẩm.

 

Ở Bắc Triều Tiên, nước trái cây được gọi là nước ngọt, trong khi các loại soda hương trái cây được gọi là nước ngọt có ga với các vị đa dạng như đào, quýt, lê, táo. Tuy nhiên, sản phẩm "Soda táo" của Nhà máy thực phẩm Rakrang hay "Nước ngọt có ga hương đào" của Nhà máy thực phẩm Surim lại có một thành phần độc đáo gọi là “đường cỏ tháng 8” thay vì bột đường.

 

Bắc Triều Tiên gọi các loại thức uống là nước ngọt, còn Coca-cola hay soda là nước ngọt có ga, với thành phần chính là đường cỏ tháng 8, một loại đường được chiết xuất từ cỏ tháng 8. Thậm chí ở Bình Nhưỡng còn có nhà máy nổi tiếng chuyên gia công loại cỏ này. Miền Bắc vốn không cần phải chiết xuất đường từ cỏ tháng 8 nếu mở cửa nền kinh tế để nhập khẩu mía. Qua đây có thể thấy được chính sách nội địa hóa nguyên liệu của nước này.

 

Ngoài nước trái cây và đồ uống có ga, chúng tôi cũng phát hiện nhiều chai lọ đựng các loại đồ uống chức năng đa dạng như nước tăng lực, nước suối và nước hydrogen, với bao bì nhấn mạnh hiệu quả của sản phẩm. Chẳng hạn, bao bì sản phẩm “Nước suối Dongyang” của Nhà máy nước suối Goryeo Dongyang ghi rõ "Nước suối có độ kiềm thấp, thích hợp nhất để kéo dài tuổi thọ với hàng chục nguyên tố vi lượng cần thiết cho sức khỏe". Ngoài ra, trên bao bì sản phẩm nước hydrogen do Nhà máy nước uống dinh dưỡng tổng hợp O-il sản xuất còn khẳng định đây là “một loại nước dinh dưỡng thần kỳ của thế kỷ XXI với chất chống oxy hóa hiệu quả và lý tưởng nhất”. Ngoài câu chữ phóng đại, điều bất thường là hầu hết các bao bì đồ uống được tìm thấy trên bờ biển của 5 hòn đảo trên biển Tây đều là túi hoặc chai nhựa.

 

Hầu hết các bao bì đồ uống được tìm thấy có thể chia thành hai loại, nhiều nhất là chai nhựa (500ml – 1,5l), sau đó là túi nhựa (loại 100ml hoặc 200ml) với cách bóp để uống tương tự với các sản phẩm tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, không thể tìm thấy các loại lon hoặc chai thủy tinh, có thể đã bị vỡ ngoài biển hoặc vốn không bị vứt đi vì có thể được tái chế với giá thành cao tương tự như tại Hàn Quốc.

 

Bao bì hàng hóa của Bắc Triều Tiên là một trong những phương tiện quan trọng gián tiếp nói lên hiện trạng nền kinh tế nước này qua tình trạng sản xuất và trạng thái hàng hóa. Vừa rồi chúng ta đã cùng tìm hiểu về các thiết kế, nội dung và dung tích của bao bì bánh kẹo tại miền Bắc cùng giáo sư Kang Dong-wan thuộc Đại học Dong-a, người chuyên thu thập và nghiên cứu các mẫu rác trôi dạt từ Bắc Triều Tiên vào khu vực 5 hòn đảo trên vùng biển Tây của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập