Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Phong trào “cuộc chiến tốc độ” tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-08-17

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

“Phụ nữ trẻ tuấn mã” cũng là khẩu hiệu được dùng để kêu gọi nữ giới miền Bắc tham gia lao động. Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) còn tuyên truyền hình ảnh những phụ nữ có thể cùng lúc sử dụng nhiều máy móc và tạo ra sản lượng vượt chỉ tiêu chính là “Phụ nữ trẻ tuấn mã”. Một chương trình phát sóng của miền Bắc đã từng trích lời một công nhân dệt về thành tích hoàn thành chỉ tiêu nửa đầu năm chỉ trong 50 ngày của các “trinh nữ cưỡi tuấn mã” của nhà máy này. Điều này cho thấy các phương tiện truyền thông Bắc Triều Tiên đang khuyến khích người dân tham gia hưởng ứng phương thức sản xuất “cuộc chiến tốc độ”. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về phong trào “cuộc chiến tốc độ” tại Bắc Triều Tiên cùng tiến sĩ Jeong Eun-mi đến từ Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc.

 

“Cuộc chiến tốc độ” có nghĩa đen là tăng tốc sản xuất, chỉ một phương thức sản xuất kinh tế tập trung vào các dự án chiến lược quốc gia hoặc các dự án quan trọng để đạt được kết quả trong thời gian ngắn bằng cách huy động lực lượng lao động, kỹ thuật và nguyên vật liệu.

 

Kể từ khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền, đặc biệt là trong những năm gần đây, có thể thấy Bắc Triều Tiên đang dồn sức vào việc thực hiện “cuộc chiến tốc độ”.

 

Cần phải nắm rõ về bối cảnh chính trị của Bắc Triều Tiên thì mới hiểu được lý do nước này liên tục triển khai phong trào “cuộc chiến tốc độ”. Ví dụ, miền Bắc đã phát động “cuộc chiến tốc độ 200 ngày” vào năm 2020, trước khi Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 được tổ chức vào tháng 1 năm sau đó, để chỉ trong một thời gian ngắn có thể đưa ra một số thành tích quan trọng tại sự kiện này. Dưới thời ông Kim Jong-un, Bắc Triều Tiên tổ chức nhiều sự kiện chính trị quy mô lớn và mỗi lần như vậy thì cần có một thành quả nhất định. Có thể nói, nước này không có cách nào khác ngoài thực hiện các “cuộc chiến tốc độ” để phô trương với người dân trong và ngoài nước về khả năng lãnh đạo tài tình của ông Kim Jong-un.

 

Chính quyền Bắc Triều Tiên tuyên truyền với người dân nước này rằng nạn thiếu nhà ở trầm trọng những năm 1950 được giải quyết là nhờ thực hiện “cuộc chiến tốc độ”. Phong trào này khi đó được gọi là "Tốc độ Bình Nhưỡng", một khẩu hiệu tuyên truyền kinh tế được sử dụng nhằm kêu gọi nhanh chóng khôi phục lại thủ đô Bình Nhưỡng bị tàn phá sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). KCTV từng phát sóng một chương trình đặc biệt về “Tốc độ Bình Nhưỡng”, trong đó ca ngợi khả năng xây dựng một căn nhà trong vòng 14 phút của đội ngũ công nhân xây dựng nước này. Một người đào tẩu Bắc Triều Tiên đã kể về nội dung của khẩu hiệu kêu gọi nhanh chóng xây dựng lại Bình Nhưỡng sau khi thủ đô bị Mỹ phá hủy đến mức 100 năm sau cũng khó có thể phục hồi.

 

Cuối những năm 1950, tại Bắc Triều Tiên xuất hiện “Phong trào Chollima (Thiên lý mã)”. Bộ phim tài liệu “Cả cuộc đời trong nhân dân” của miền Bắc từng kêu gọi người dân hưởng ứng phong trào này để thúc đẩy sản xuất thép và đưa đất nước đi lên. Bắc Triều Tiên cũng có các bài hát cổ vũ người dân tham gia “Phong trào Thiên lý mã”. Trên thực tế, “cuộc chiến tốc độ” được đánh giá là đã giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển của lĩnh vực công nghiệp và gia tăng sản lượng lương thực của miền Bắc.

 

Trong bối cảnh chiến tranh Triều Tiên đã phá hủy hầu hết cơ sở hạ tầng và nhà máy của Bắc Triều Tiên, các dự án “cuộc chiến tốc độ” như “Phong trào Thiên lý mã” đã tạo ra những thành quả đáng kể. Đặc biệt phải cân nhắc đến việc khi đó là giai đoạn ngay sau chiến tranh. Nhà lãnh đạo tối cao và người dân đã cùng nhau chiến đấu, hình thành một cộng đồng chính trị và kinh tế trong quá trình khôi phục đất nước. Vì vậy, thay vì cảm thấy bất mãn, người dân lại có ký ức tích cực về các “cuộc chiến tốc độ” thời điểm đó vì cho rằng thành quả của chúng đã tạo ra sự thay đổi rất lớn trong cuộc đời họ.

 

Một trong những “cuộc chiến tốc độ” tiêu biểu nhất tại miền Bắc là “tốc độ Huichon”, được thực hiện trong quá trình xây dựng Nhà máy điện Huichon tại thành phố Huichon, tỉnh Chagang. Trong bài xã luận đầu năm mới 2011, Bắc Triều Tiên từng gọi việc xây dựng nhà máy này là một trong các dự án xây dựng quan trọng của đất nước cùng với dự án xây dựng 100.000 nhà ở. Nhà máy điện Huichon bắt đầu được xây dựng vào năm 2001 nhưng đã bị đình trệ ngay sau khi khởi công do tình hình kinh tế khó khăn. Sau đó, việc xây dựng nhà máy này được khởi động toàn diện vào tháng 3 năm 2009 khi cố Chủ tịch Kim Jong-il đến thăm công trường xây dựng và chỉ thị hoàn thành dự án này đến năm 2012, cũng là năm đầu tiên thực hiện chính sách xây dựng “đại quốc cường thịnh” (một chính sách của Chủ tịch Kim Jong-il nhằm xây dựng Bắc Triều Tiên thành một đất nước mạnh mẽ và thịnh vượng nhờ tập trung vào bốn lĩnh vực là tư tưởng, chính trị, quân sự và kinh tế). Để rút ngắn việc xây dựng đập và nhà máy điện vốn thường kéo dài tới 10 năm xuống còn ba năm theo chỉ thị của nhà lãnh đạo tối cao, miền Bắc bắt đầu tập trung mọi nguồn lực quốc gia vào dự án này.

 

KCTV từng gọi dự án xây dựng Nhà máy điện Huichon là “Tốc độ Huichon”, một dự án dẫn đầu thế giới và tạo ra cơn cuồng phong đưa một Bắc Triều Tiên anh hùng lại một lần nữa xưng bá cách mạng vạn phương. Trong quá trình thực hiện dự án này, các thuật ngữ "Tốc độ Huichon" và “Thời gian Huichon” còn được sử dụng trong các bài hát nhằm cổ động công nhân tại công trường xây dựng. Các cơ quan truyền thông Nhà nước của Bắc Triều Tiên gần như mỗi ngày đều đưa tin về tiến độ xây dựng Nhà máy điện Huichon. Cuối cùng thì nhà máy này cũng được hoàn công vào năm 2012 đúng như chỉ đạo của cố Chủ tịch Kim Jong-il.

 

Cùng với gạo, điện lực cũng được coi là biểu tượng cho chủ nghĩa xã hội và là một ngành công nghiệp chủ chốt quan trọng tại Bắc Triều Tiên, nơi vốn có rất ít nhà máy điện làm cản trở phát triển kinh tế do thiếu điện. Trong bối cảnh đó, một nhà máy điện quy mô lớn có khả năng sản xuất ra nhiều điện như Nhà máy điện Huichon đã được xây dựng nhờ huy động quân đội và thanh thiếu niên tham gia “cuộc chiến tốc độ”. Vì vậy, cụm từ "Tốc độ Huichon" ra đời để chỉ các mục tiêu kinh tế đạt được trong thời gian ngắn bất chấp tình thế khó khăn.

 

Hiện tại, con trai ông Kim Jong-il là Chủ tịch Kim Jong-un cũng đang tập trung vào các “cuộc chiến tốc độ”. Đặc biệt, sau khi ông Kim nhấn mạnh "tinh thần trong nhịp thở ngắn" trong bài phát biểu mừng năm mới 2013, thì cụm từ “trong nhịp thở ngắn" đã trở thành khẩu hiệu cho các “cuộc chiến tốc độ”. Và khúc hát “Trong nhịp thở ngắn” do ban nhạc Moranbong phối lại cũng đã gây tiếng vang khắp Bắc Triều Tiên ngay lập tức.

 

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động vào năm 2015, cơn sốt “cuộc chiến tốc độ” đã bắt đầu một cách toàn diện và lan rộng trên cả nước trước thềm Đại hội đảng Lao động Bắc Triều Tiên lần thứ 7 vào năm 2016. Các công trình quy mô lớn như Đường Nhà khoa học tương lai tại Bình Nhưỡng và Nhà máy điện Thanh niên anh hùng núi Baekdu (Bạch Đầu) cũng được xây dựng nhờ phương thức này. Bộ phim tài liệu “Dẫn dắt quân đội nhân dân thành những nhà sáng tạo hạnh phúc vì nhân dân” được phát sóng vào thời điểm đó đã cho thấy chính quyền miền Bắc tập trung nhiều như thế nào vào các công trình xây dựng “cuộc chiến tốc độ” trên toàn quốc.

 

Bộ phim này chiếu các cảnh nguy hiểm cho thấy những người lính Bắc Triều Tiên trong trang phục quân đội nhân dân đổ mồ hôi khi chất đá xây tường mà không có thiết bị bảo hộ, hay đặt các cây gỗ vào tường dưới dòng thác nước chảy và giữ đinh để đồng đội đóng xuống. Trong quá trình này, yếu tố được nhấn mạnh không ngừng chính là tốc độ.

 

Tại Đại hội đảng lần thứ 7 năm 2016, cụm từ “Tốc độ Mallima (Vạn lý mã)” đã xuất hiện để khuyến khích người dân tạo ra thành quả nhanh hơn gấp 10 lần so với phong trào “Tốc độ Chollima”. Ngay cả Chủ tịch Kim Jong-un cũng tuyên bố rằng kỷ nguyên “Vạn lý mã” đã mở ra và tự khẳng định cụm từ này chính là khẩu hiệu cho “cuộc chiến tốc độ” tiêu biểu dưới thời ông Kim. Biểu tượng tiêu biểu của phong trào “Tốc độ Vạn lý mã” là phố Ryomyong (Bình minh) tại Bình Nhưỡng, cũng là một khu phố Bắc Triều Tiên được nhiều người Hàn Quốc biết đến. Năm 2021, cụm từ “Tốc độ Bình Nhưỡng” từ hơn 70 năm trước đã được tái sử dụng tại công trường xây dựng 10.000 ngôi nhà ở Bình Nhưỡng.

 

Bắc Triều Tiên thành lập các đội quân xung kích để phục vụ các dự án xây dựng theo phong trào “cuộc chiến tốc độ”. Năm 1975, Chủ tịch Bắc Triều Tiên khi đó là ông Kim Jong-il đã thành lập một đội quân xung kích chính quy mang tên “Đội xung kích thanh niên cuộc chiến tốc độ” với thành phần chủ yếu là các thanh niên không học đại học hoặc nhập ngũ. Trong đó, những người có thành tích xuất sắc sẽ có cơ hội được kết nạp vào đảng Lao động. Được biết “Đội xung kích thanh niên cuộc chiến tốc độ” đã tham gia gần 350 dự án xây dựng, trong đó có phố Mansudae ở Bình Nhưỡng và khu du lịch ven biển Wonsan-Kalma tại thành phố Wonsan, tỉnh Gangwon, góp phần tạo nên một giai thoại đấu tranh anh hùng, thể hiện sự tôn nghiêm cùng danh dự của tầng lớp thanh niên miền Bắc.

 

Vấn đề đặt ra là các dự án xây dựng của Bắc Triều Tiên có thể đạt được hiệu quả tốt nếu huy động được những lao động lành nghề hoặc lực lượng lao động giỏi nhất tham gia vào đội xung kích, nhưng thực tế thì ngược lại. Đội xung kích cho “cuộc chiến tốc độ” thường huy động những người có vị trí hoặc chức vị thấp kém nhất trong xã hội và loại ra các kỹ sư và người lao động giỏi và có tay nghề cao. Vì vậy, khó có thể khẳng định rằng các “cuộc chiến tốc độ” đã thực sự phát huy hiệu suất để đạt được thành quả tối đa.

 

Bắc Triều Tiên ca ngợi các thanh niên đội xung kích là anh hùng xã hội chủ nghĩa, nhưng lại gặp phải chỉ trích từ bên ngoài về việc bóc lột sức lao động của họ.

 

Tham gia “cuộc chiến tốc độ” không phải là việc có thể đi về trong ngày một ngày hai mà phải ở lại công trường trong một thời gian dài cho đến khi dự án xây dựng hoàn thành. Vì vậy, những thanh niên này không thể kiếm sống giúp gia đình và phải dừng các hoạt động kinh tế, làm dấy lên cáo buộc bóc lột sức lao động. Đây cũng là hạn chế của việc Bắc Triều Tiên tiếp tục huy động lực lượng lao động. Giờ đây, nước này vẫn đang tiếp tục huy động thành viên cho đội xung kích, nhưng đồng thời đền bù cho họ như bao cấp, trả lương và cung cấp các điều kiện cần thiết cho cuộc sống.

 

Vào mỗi giai đoạn quyết định, chính quyền Bắc Triều Tiên lại thực hiện các “cuộc chiến tốc độ” và cũng đạt được nhiều thành quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và liên tiếp thực hiện “cuộc chiến tốc độ”, người dân miền Bắc không thể tránh khỏi sự mệt mỏi tích tụ. Thế nên, có thể thấy “cuộc chiến tốc độ” theo kiểu miền Bắc, được đảm bảo bằng việc huy động các nguồn lao động và sự hy sinh, khó có thể tiếp tục tạo ra được thành quả.

Lựa chọn của ban biên tập