Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Phim hoạt hình của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-08-24

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ UMFF

“Vua sư tử” (Lion King) được đánh giá là phim hoạt hình hay nhất trong lịch sử hãng phim Disney (Mỹ). Hãng phim này còn sản xuất bộ phim hoạt hình “Pocahontas” lấy cảm hứng từ nhân vật có thật trong lịch sử. Nhưng mấy ai biết được rằng Bắc Triều Tiên đã tham gia vào quá trình sản xuất hai bộ phim hoạt hình này của Mỹ. Ngoài ra, miền Bắc còn tham gia sản xuất bộ phim hoạt hình “Chú chim cánh cụt Pororo” của Hàn Quốc. Ngoài Hàn Quốc, các xưởng sản xuất phim hoạt hình của Bắc Triều Tiên còn hợp tác với các nước châu Âu như Pháp và Ý, cho thấy công nghệ sản xuất phim hoạt hình của nước này đang được toàn thế giới công nhận. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về phim hoạt hình của miền Bắc cùng giáo sư Jeon Young-sun từ Nhóm nghiên cứu nhân văn học thống nhất thuộc Đại học Konkuk.

 

Năm ngoái, Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) đã phát sóng bộ phim hoạt hình 3D mang tên “Ok-soe chiến thắng ác ma”, kể về quá trình nhân vật Ok-soe đánh bại ác ma là cáo 9 đuôi. Xưởng phim hoạt hình 26/4 (SEK Studio) của Bắc Triều Tiên đã mất một năm ba tháng để sản xuất bộ phim hoạt hình về nhân vật chính Ok-soe đánh bại ác ma đe dọa ngôi làng. Khác với các phim hoạt hình trước đó của miền Bắc, tác phẩm này không chỉ sử dụng kỹ thuật ba chiều để tái hiện chuyển động của các nhân vật ở góc độ 360 độ mà còn có nhiều hiệu ứng đặc biệt đa dạng khác. Một nhân viên của đơn vị này cho biết đội ngũ sản xuất đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo tính chân thực trong làn da, mái tóc, trang phục và dụng cụ của các nhân vật. “Ok-soe chiến thắng ác ma” không chỉ được trẻ em mà đến cả người lớn cũng yêu thích và đứng đầu danh sách xem nhiều nhất trên ứng dụng xem video "Mokran" (Mộc Lan) của Bắc Triều Tiên. Một người dân Bình Nhưỡng bày tỏ sự yêu thích bộ phim bởi hình ảnh nhân vật chính sống động, lan tỏa tinh thần lạc quan cùng thông điệp cổ vũ người xem tin vào chính mình. Hãng tin AP của Mỹ cũng đánh giá bộ phim hoạt hình “Ok-soe chiến thắng ác ma” của miền Bắc là tác phẩm đồ họa 3D chất lượng cao về truyền thuyết cáo 9 đuôi hạ phàm xuống bán đảo Hàn Quốc.

 

“Ok-soe chiến thắng ác ma” là một bộ phim hoạt hình có mức độ tái hiện cao, với các động tác sống động, tự nhiên và bối cảnh đặc biệt. Bắc Triều Tiên đã phần nào bắt đầu kết hợp hoạt hình và kỹ thuật số, khởi điểm chính là việc dùng kỹ thuật số để vẽ nền. Gần đây, nước này sản xuất ra rất nhiều tác phẩm hoàn toàn sử dụng đồ họa 3D, cho thấy công nghệ sản xuất hoạt hình của miền Bắc đã đạt đến trình độ ngang ngửa của thế giới.

 

Xưởng phim hoạt hình 26/4 là đơn vị chuyên sản xuất phim hoạt hình của Bắc Triều Tiên. Được thành lập tháng 9/1957, nơi đây ban đầu là một viện nghiên cứu phim hoạt hình và cho đến nay đã có hơn 60 năm phụ trách sản xuất phim hoạt hình của miền Bắc.

 

Bắc Triều Tiên bắt đầu sản xuất các phim hoạt hình như "Chiếc rìu vàng, chiếc rìu bạc" và "Quả đào thần kỳ" từ những năm 1960. Đặc biệt, trong những năm 1980, nước này sản xuất tới hơn 20 phim hoạt hình một năm, cho thấy đây chính là thời kỳ hoàng kim của nền hoạt hình miền Bắc. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của Bắc Triều Tiên là bộ phim "Tướng soái thiếu niên" kể về quá trình cậu bé Soe-me sống dưới thời Goguryeo (thế kỷ thứ II trước Công nguyên – 668) trở thành một tướng soái chống lại các cuộc tấn công của người man di.

 

Về cơ bản, Bắc Triều Tiên công nhận nền lịch sử chính thống kéo dài từ thời Gojoseon (cuối thế kỷ II - đầu thế kỷ I trước Công Nguyên) đến thời Goguryeo, nhưng tập trung hơn cả vào thời Goguryeo. Xét trên phương diện này, bộ phim tái hiện câu chuyện về các thiếu niên thời Goguryeo cho thấy được định hướng chính sách văn hóa tại miền Bắc nghiêng về đâu. Việc các thiếu niên tuy trẻ tuổi nhưng lại có thể trung thành hoàn thành nghĩa vụ là một minh chứng để giáo dục người dân về tư tưởng yêu nước và tấm lòng cống hiến cho đất nước.

 

Bộ phim hoạt hình “Tướng soái thiếu niên” kết thúc ở tập 50 vào năm 1997, sau đó được bổ sung thêm 50 tập nữa dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un vào năm 2014, đến năm 2019 thì hoàn thành tập 100. Với 100 tập phát sóng trong hơn 30 năm, bộ phim đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân Bắc Triều Tiên đến mức không ai là chưa xem phim. Đặc biệt, miền Bắc đã phát sóng một đoạn giới thiệu đặc biệt trước khi tập 100 phát sóng, thu hút được sự kỳ vọng và quan tâm lớn. Trong sự chờ đợi của tất cả mọi người, “Tướng soái thiếu niên” đã kết thúc với chiến thắng của Soe-me trước quân địch. Nền sản xuất phim hoạt hình của Bắc Triều Tiên đang liên tục phát triển các kỹ thuật sản xuất như tuyến nhân vật và kỹ xảo. Trong đó, bộ phim "Tướng soái thiếu niên"  được đánh giá là một bộ phim dài hơi thể hiện được quá trình phát triển này.

 

Từ trước đến nay, Bắc Triều Tiên vẫn áp dụng chủ nghĩa hiện thực khi phân loại phim hoạt hình là phim thiếu nhi. Thế nhưng, từ việc cụm từ “phim hoạt hình” được sử dụng trong tên của “Xưởng phim hoạt hình 26/4”, có thể thấy bản chất của dòng phim này tại miền Bắc đã thay đổi. Bộ phim “Tướng soái thiếu niên” đã cho thấy điểm khác biệt của phim hoạt hình và phim thiếu nhi ở điểm nhân vật được tái hiện đúng với ngoài đời hay được cách điệu để nhấn mạnh vào đặc điểm riêng. Sự khác biệt này càng trở nên rõ nét khi phim hoạt hình ngày nay được sản xuất nhờ kỹ thuật số với màu sắc rõ ràng và hình ảnh, chuyển động của nhân vật mềm mại hơn.

 

Nếu đã nhắc đến “Thiếu niên tướng soái” thì không thể bỏ qua bộ phim “Chú gấu mèo thông minh” ra mắt vào năm 1987. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 10/8 vừa qua đưa tin cho biết nước này đã sản xuất thêm tập 70 và 71 của bộ phim. “Chú gấu mèo thông minh” có nhân vật chính là một chú gấu mèo có thể giải quyết những vấn đề khó khăn bằng kiến thức khoa học và trí tuệ. Đây là một bộ phim được cả người lớn ở Bắc Triều Tiên yêu mến.

 

Bắc Triều Tiên về cơ bản sử dụng hoạt hình như một phương tiện truyền tải kiến thức khoa học kỹ thuật và các bài học trong cuộc sống. “Chú gấu mèo thông minh” cũng không phải là ngoại lệ. Chẳng hạn như trong tập “Chuyện xảy ra tại núi băng”, các nhân vật leo lên đỉnh núi tuyết và thi xem ai là người có thể nhóm được lửa trước. Gấu cố gắng giải quyết mọi vấn đề bằng sức mạnh thì dùng cành cây chà sát vào nhau để tạo lửa bằng sức nóng ma sát, nhưng vì đỉnh núi có băng và bông tuyết nên cành cây không bắt lửa. Trong khi đó, gấu mèo thông minh cắt các miếng băng thành thấu kính lồi rồi vận dụng nguyên lý của thấu kính lồi để tập trung nhiệt vào một điểm và tạo ra lửa. Đây là một ví dụ cho thấy tính giáo dục của bộ phim.

 

Chủ tịch Kim Jong-un cũng thể hiện sự quan tâm lớn đến ngành công nghiệp hoạt hình kể từ khi lên nắm quyền. Ông Kim đã đến thăm Xưởng sản xuất phim hoạt hình 26/4 và chỉ thị sản xuất nhiều bộ phim hoạt hình đa dạng, thoát ra khỏi khuôn khổ hiện có. Kết quả là tác phẩm tiêu biểu dười thời ông Kim Jong-un mang tên "Go Ju-mong" ra đời vào năm 2017. "Go Ju-mong" có nội dung chủ yếu nói về sự ra đời của Ju-mong và quá trình ông thành lập vương triều Goguryeo. Tác phẩm này được đánh giá là đã tái hiện chính xác chuyển động và biểu cảm của nhân vật nhờ kỹ thuật 3D.

 

Đầu những năm 2000, phim hoạt hình còn đóng vai trò là cầu nối giữa hai miền Nam-Bắc. Vào thời điểm đó, doanh nghiệp Hàn Quốc đã đề xuất hợp tác với Bắc Triều Tiên. Năm 2002, Tổng công ty Samchunri của miền Bắc đã trúng thầu của công ty sản xuất bộ phim hoạt hình “Chú chim cánh cụt Pororo” của Hàn Quốc và tham gia vào một số công đoạn ban đầu để chế tác bộ phim này. Trong dự án này, phía Hàn Quốc sẽ gửi hình ảnh và kịch bản để doanh nghiệp Bắc Triều Tiên tái hiện thành video. Theo công ty sản xuất bộ phim “Chú chim cánh cụt Pororo”, phía miền Bắc đã tích cực đề xuất sản xuất một bộ phim ba chiều thay vì hai chiều như mong muốn của Hàn Quốc và cuối cùng đã tạo ra một sản phẩm khiến hai bên hài lòng.

 

Trình độ kỹ thuật của Bắc Triều Tiên và năng lực quảng bá cùng khả năng sáng tạo của Hàn Quốc đã kết hợp tốt với nhau để mang đến một dự án hợp tác thành công. Tại thời điểm đó, miền Bắc đã gây được sự chú ý nhờ các bộ phim hoạt hình sản xuất cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời việc sản xuất phim hoạt hình đã được chuyển từ 2D sang 3D trên khắp thế giới. Vì vậy, đề xuất sản xuất phim 3D của nước này có mục đích nhằm tăng cường khả năng vận dụng kỹ thuật và quảng bá các sản phẩm ra thế giới. Tuy vậy, hai miền Nam-Bắc cũng gặp phải những khó khăn không hề nhỏ. Mặc dù có thể giao tiếp với nhau hiệu quả, song việc kiểm tra tiến độ và gửi phản hồi về công việc không phải là chuyện dễ dàng. Ngoài ra, việc phải quá cảnh ở Trung Quốc để đến Bắc Triều Tiên kiểm tra tiến độ công việc và thảo luận về công việc mới đã gây ra nhiều bất tiện cho hai bên.

 

Bộ phim hoạt hình chiếu rạp năm 2005 mang tên “Hoàng hậu Shim Cheong” cũng là một dự án hợp tác liên Triều. Trong dự án này, Hàn Quốc phụ trách lập kế hoạch và hậu kỳ, còn việc vẽ và tô màu được Bắc Triều Tiên thực hiện. Có đánh giá cho rằng bộ phim đã đưa nhân vật chính Sim Cheong thoát khỏi dáng vẻ truyền thống và tạo thêm cảm giác hiện đại cho câu chuyện gốc bằng cách thêm các nhân vật như chó Sapsal, ngỗng và rùa.


Vào những năm 1990, Xưởng sản xuất phim hoạt hình 26/4 đã trở thành một đơn vị thu ngoại tệ hiệu quả của miền Bắc nhờ tham gia sản xuất các phim hoạt hình đẳng cấp thế giới như “Vua sư tử” và “Pocahontas”. Một người đào tẩu Bắc Triều Tiên từng làm việc tại xưởng phim này chia sẻ 80% phim hoạt hình sản xuất nơi đây là cho nước ngoài và thu về khoảng 8 triệu USD một năm. Tháng 12 năm 2021, Mỹ đã đưa Xưởng sản xuất phim hoạt hình 26/4 vào danh sách trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên vì bắt các nhà sản xuất phim hoạt hình phải làm việc bất hợp pháp tại Trung Quốc với đồng lương rẻ mạt. Nền hoạt hình miền Bắc được Nhà nước hỗ trợ và đào tạo để phát triển và từng được coi là hình mẫu của giao lưu liên Triều. Việc Mỹ đưa nơi chịu trách nhiệm sản xuất toàn bộ phim hoạt hình ở Bắc Triều Tiên vào danh sách cấm vận dự kiến sẽ gây ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp liên quan đến các dự án hoạt hình trong vào ngoài nước của miền Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập