Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ngành công nghiệp mỹ phẩm của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-08-31

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Gần đây, tờ Tân báo Triều Tiên (Chosun Shinbo) của Bắc Triều Tiên đưa tin về việc những cuốn sách mới giúp phụ nữ tô điểm vẻ đẹp đang rất được ưa chuộng tại các hiệu sách và nhà sách ở Bình Nhưỡng. Bộ sách mới này có 5 cuốn, trong đó có các cuốn "Hiểu về trang điểm" cung cấp kiến thức cơ bản để hiểu và sử dụng các loại mỹ phẩm, “Cách trang điểm 4 mùa” và "Các cách trang điểm khác nhau" để giúp người đọc hiểu về cách trang điểm đa dạng theo mùa và địa điểm. Bài báo cũng cho biết có độc giả đã mua trọn bộ 5 cuốn sách này, cho thấy người dân Bắc Triều Tiên đang ngày càng quan tâm đến mỹ phẩm và ngành công nghiệp mỹ phẩm. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng giáo sư Jeon Young-sun đến từ Nhóm nghiên cứu nhân văn học thống nhất thuộc Đại học Konkuk tìm hiểu về ngành công nghiệp mỹ phẩm của miền Bắc.

 

Một chương trình phát sóng của Bắc Triều Tiên giới thiệu về một nhà máy mỹ phẩm nội địa và tuyên truyền rằng việc tiêu thụ mỹ phẩm sẽ sớm trở thành "đỉnh cao của nền văn minh". Khái niệm về mỹ phẩm của miền Bắc cũng có sự khác biệt đáng kể so với Hàn Quốc. Một người đào tẩu Bắc Triều Tiên đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng phụ nữ miền Bắc vốn chỉ chăm sóc da đôi chút chứ không hề trang điểm. Sau khi cố Chủ tịch Kim Jong-il có phát ngôn cho rằng trang điểm là quan tâm đến người khác, phụ nữ nước này mới bắt đầu coi trang điểm là việc cần làm.

 

Khác với người Hàn Quốc coi trang điểm là vấn đề về cá tính của mỗi cá nhân, người dân Bắc Triều Tiên coi đây là một phép lịch sự cơ bản cần có của phụ nữ khi tham gia hoạt động xã hội. Tại miền Bắc, quần áo, kiểu tóc, lời nói, hành động, thái độ, phong tục trong cuộc sống đều phải phù hợp với chuẩn mực cái đẹp của chủ nghĩa xã hội. Lối trang điểm theo tông màu không tự nhiên sẽ được coi là không đúng với tư tưởng về cái đẹp của chủ nghĩa xã hội và bị coi là “biến thái”.

 

Sau những năm 2000 khi nhiều mỹ phẩm Trung Quốc được tuồn vào Bắc Triều Tiên qua chợ tư nhân, phụ nữ nước này bắt đầu ngày càng ưa chuộng lối trang điểm theo tông màu. Sự thay đổi này đã trở nên toàn diện sau khi làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu cũng du nhập vào miền Bắc. Có ý kiến cho rằng thời trang và cách trang điểm của người dân nước này đã có nhiều sự thay đổi dưới sự ảnh hưởng của bà Ri Sol-ju, phu nhân của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, và ban nhạc Moranbong. Một người đào tẩu Bắc Triều Tiên cho biết phụ nữ nước này quan tâm đến trang điểm nhờ xem phim Hàn Quốc, đồng thời thường học theo các cách trang điểm của phu nhân Ri Sol-ju, trong đó có cách kẻ lông mày dáng cong như chim mòng biển hay tô son đậm.

 

Vào những năm 1980, sẽ khó có thể bắt gặp người dân Bắc Triều Tiên ăn mặc theo phong cách lòe loẹt của những người nổi tiếng tại thời điểm đó, chẳng hạn như nhóm nhạc điện tử Pochonbo (Phổ Thiên Bảo). Trong khi đó, dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, một trong những vai trò của phu nhân Ri Sol-ju là đưa ra tiêu chuẩn về trang điểm và ăn mặc để người dân noi theo. Vậy nên trang điểm được coi là một quyền của người dân sống ở một đất nước văn minh theo chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, những thay đổi trong cách trang điểm của bà Ri Sol-ju, ca sĩ Hyon Song-wol, hay ban nhạc Moranbong cũng cho thấy tính cách cá nhân đã bắt đầu được nhấn mạnh hơn.

 

Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã nhấn mạnh đến ngành công nghiệp mỹ phẩm ngay từ những ngày đầu cầm quyền, cụ thể là ra lệnh xây dựng Nhà máy mỹ phẩm Sinuiju tại thành phố Sinuiju (tỉnh Bắc Pyongan) vào năm 1949. Có phân tích cho rằng việc Bắc Triều Tiên thành lập Nhà máy mỹ phẩm Bình Nhưỡng vào năm 1957, khi nước này đang ở trong thời kỳ khôi phục sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), cũng là để khuyến khích phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội. Cố Chủ tịch Kim Jong-il đã từng đến thị sát Nhà máy mỹ phẩm Sinuiju và chỉ đạo việc sản xuất tại đây. Chuyến đi này đã được ghi lại trong bộ phim tài liệu miền Bắc mang tên “Người yêu nước tuyệt thế, Tướng quân Kim Jong-il”, phát hành tháng 4/2013. Mỹ phẩm cũng được sử dụng làm quà để tôn vinh sự chịu thương chịu khó của phụ nữ vào dịp Ngày Phụ nữ tại Bắc Triều Tiên.

 

Bắc Triều Tiên vận hành nền kinh tế kế hoạch, bao cấp nhu yếu phẩm cho người dân. Vì vậy, Nhà nước tặng quà cho người dân trong những ngày lễ dành cho phụ nữ và còn có chế độ cung cấp đặc biệt cho các lễ cưới cá nhân và các nghi lễ tương tự thông qua các cửa hàng đồ cưới. Nhà nước thường tặng quà là mỹ phẩm cho phụ nữ vào ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 hàng năm, thể hiện tình cảm “thương dân như con” của nhà lãnh đạo tối cao.

 

Sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un cũng thể hiện sự quan tâm đến mỹ phẩm và đã vài lần đến chỉ đạo thực địa tại các nhà máy sản xuất mỹ phẩm. Khi đến thăm Nhà máy mỹ phẩm Bình Nhưỡng vào năm 2015, ông Kim đã chỉ trích chất lượng mỹ phẩm thấp kém khi cho rằng mascara nội địa của Bắc Triều Tiên làm cho mắt người dùng trông như mắt gấu mèo, đồng thời chỉ thị phải nâng tầm các mỹ phẩm trong nước lên tiêu chuẩn toàn cầu.

 

Như để phản ánh sự quan tâm của Chủ tịch Kim, miền Bắc cũng lần lượt phát sóng các chương trình truyền hình để tuyên truyền cho việc phát triển và sản xuất mỹ phẩm mới. Một chương trình còn cho rằng mỹ phẩm đã trở nên thân thuộc đến mức trở thành một thứ không thể thiếu của phụ nữ nước này. Những người phụ nữ trong các video từng phát sóng đều nói mỹ phẩm nội địa mà họ sử dụng đều có tính năng tốt, chẳng hạn như có thể làm mờ nếp nhăn hay làm trắng da.

 

“Hương mùa xuân” và “Unhasu” (Dải ngân hà) là hai nhãn hiệu mỹ phẩm tiêu biểu của Bắc Triều Tiên. Trong đó, nổi tiếng nhất là “Hương mùa xuân” của Nhà máy mỹ phẩm Sinuiju, cũng là nhãn hiệu mà miền Bắc đang đẩy mạnh tuyên truyền để xuất khẩu. Được đích thân cố Chủ tịch Kim Jong-il đặt tên, đây là thương hiệu mỹ phẩm lâu đời nhất và cũng có độ nhận diện cao nhất ở nước này.

 

Khu vực Sinuiju vốn chiếm tỷ lệ cao trong các ngành công nghiệp của Bắc Triều Tiên và có thể coi là thánh địa của các sản phẩm công nghiệp nhẹ tại miền Bắc. Vì nơi đây có biên giới giáp với thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) nên mỹ phẩm từ Nhà máy mỹ phẩm Sinuiju có thể xuất khẩu sang Trung Quốc, và ngược lại. Ngoài ra, thương hiệu truyền thống của Nhà máy mỹ phẩm Sinuiju là “Hương mùa xuân” với sức mạnh thương hiệu áp đảo đến mức còn được dùng để làm tư liệu sáng tác các tác phẩm văn hóa, trong đó có tiểu thuyết và bộ phim cùng tên. Vì vậy, khi nói đến mỹ phẩm người ta sẽ nghĩ đến “Hương mùa xuân”.

 

Tuy nhiên, thương hiệu “Dải ngân hà” đã trở thành một thách thức mới tại thị trường mỹ phẩm Bắc Triều Tiên đang bị thống trị bởi “Hương mùa xuân”. Đây là một thương hiệu của Nhà máy mỹ phẩm Bình Nhưỡng với hàng trăm sản phẩm đa dạng, trở thành đối thủ cạnh tranh với “Hương mùa xuân” của Nhà máy mỹ phẩm Sinuiju. Hai người dân miền Bắc là cô Kim Song-hui và cô Ri Sung-hui đã dành những lời khen có cánh khi trả lời phỏng vấn về sản phẩm của hai nhãn hiệu này.

 

Bắc Triều Tiên nhập khẩu hệ thống sản xuất mỹ phẩm tự động từ nước ngoài và sửa sang lại máy móc với mục đích nâng tầm Nhà máy mỹ phẩm Bình Nhưỡng. Theo đó, nước này khuyến khích những sản phẩm mới ứng dụng công nghệ cao bằng cách tạo ra cơ cấu cạnh tranh giữa hai sản phẩm. Dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, cơ cấu cạnh tranh xã hội chủ nghĩa này cho phép hai đơn vị vừa giúp đỡ vừa cạnh tranh với nhau để tạo ra những sản phẩm tốt hơn.

 

Ngoài “Hương mùa xuân” và “Dải ngân hà”, các thương hiệu mỹ phẩm mới như “Geumgangsan” (Núi Geumgang), “Mirae” (Tương lai), “Achimiseul” (Sương mai), và “Seonyeo” (Tiên nữ) cũng ra đời tại Bắc Triều Tiên. Trong đó, nhãn hiệu "Núi Geumgang" tập trung vào việc chống lão hóa và xóa nếp nhăn, còn mỹ phẩm "Tương lai" thì nhấn mạnh vào hình tượng đơn màu cao cấp chuyên dành cho thế hệ trẻ. Miền Bắc còn có cả các mỹ phẩm đắt tiền mệnh giá gần 100.000 won (74USD). Bên cạnh công dụng của sản phẩm, các thương hiệu mỹ phẩm Bắc Triều Tiên gần đây cũng đề cao thành phần chính chiết xuất từ tự nhiên.

 

Thực phẩm chức năng nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất ở Bắc Triều Tiên là Nhân sâm Koryo của thành phố Gaeseong. Đây cũng là nguyên liệu được sử dụng nhiều nhất trong các thương hiệu mỹ phẩm của nước này. Ngoài ra, bộ sản phẩm “Cỏ trường sinh” thuộc thương hiệu “Hương mùa xuân” cũng được quảng cáo là có khả năng ngăn ngừa lão hóa da vì chứa nhiều collagen. Gần đây, thành phần hoa hồng cũng thu hút được nhiều sự quan tâm, dẫn đến việc các nhà máy cho ra mắt nhiều sản phẩm chứa thành phần này. Miền Bắc sử dụng nhiều nguyên liệu tự nhiên để tận dụng các nguồn nguyên liệu có thể tự sản xuất trong bối cảnh nước này không thể nhập khẩu vì phải chịu cấm vận. Việc các nguyên liệu tự nhiên được sử dụng với tỷ trọng lớn trong sản xuất mỹ phẩm cũng phù hợp với chính sách “núi vàng, đồng vàng, sao vàng”, một chính sách thời ông Kim Jong-un nhằm khuyến khích người dân tạo ra thành quả kinh tế từ các tài nguyên trong nước.

 

Năm 2017, Hàn Quốc lần đầu tiên công bố kết quả cuộc khảo sát chuyên môn và phân tích về thành phần mỹ phẩm của Bắc Triều Tiên. Phòng nghiên cứu thuộc một hãng mỹ phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc đã phân tích tổng cộng 64 loại mỹ phẩm của miền Bắc, bao gồm các sản phẩm chăm sóc da cơ bản như nước cân bằng da và lotion, cũng như các sản phẩm chăm sóc da đặc hiệu và đồ trang điểm theo tông màu. Trong số đó, các sản phẩm cơ bản được đánh giá là có các chức năng cơ bản, như khả năng dưỡng ẩm, đạt đến một mức độ nhất định. Tuy nhiên, cũng có trường hợp các thành phần thực sự trong sản phẩm không giống với bảng thành phần trên bao bì, và cũng có những sản phẩm thiếu các thành phần quan trọng. Một người thuộc nhóm nghiên cứu khi trả lời phỏng vấn cho biết tiêu chuẩn sản phẩm dưỡng da của miền Bắc tương tự những năm 1990, còn đồ trang điểm thì tương tự những năm 1980 của Hàn Quốc. Đặc biệt có sản phẩm còn cho cả nhân sâm vào.

 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng đặc biệt nhấn mạnh đến chính sách tự lực tự cường trong bài phát biểu mừng năm mới 2017. Bên cạnh nông nghiệp và thủy sản, Chủ tịch Kim cũng đề cập tới sự cần thiết của việc phát triển công nghiệp nhẹ, trong đó có ngành công nghiệp mỹ phẩm, để cải thiện cuộc sống của người dân. Ông Kim yêu cầu phải đa dạng hóa các sản phẩm với trọng tâm là chính sách nội địa hóa để cải thiện ngành công nghiệp nhẹ. Có phân tích cho rằng Bắc Triều Tiên đang cố gắng giảm bớt khó khăn kinh tế do các lệnh trừng phạt quốc tế bằng cách phát triển các ngành công nghiệp nhẹ dựa trên nền tảng tự lực tự cường.

 

Vấn đề kinh tế của Bắc Triều Tiên là chưa phát triển được các ngành công nghiệp áp dụng kỹ thuật và không có nhiều lĩnh vực mà trong đó nước này có thể đạt được đột phá về kỹ thuật. Mặc dù vậy, mỹ phẩm vẫn là một ngành mà miền Bắc có khả năng cạnh tranh tương đối. Nếu có hiệu quả tốt so với giá thành thì sản phẩm vẫn có thể xuất khẩu được. Trên thực tế, Bắc Triều Tiên đã xuất khẩu mỹ phẩm tới khoảng 26 quốc gia, và đang tập trung chiến lược để phát triển lĩnh vực này, nhưng cũng gặp phải hạn chế. Tương tự như việc phim truyền hình đóng vai trò lớn trong sự phát triển và tăng trưởng của lĩnh vực làm đẹp ở Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên cần cải thiện nhiều thứ để nâng cao hình ảnh quốc gia. Mặc dù vậy, tôi nghĩ rằng mỹ phẩm miền Bắc sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các lĩnh vực khác trong tương lai.

 

Cách đây không lâu, truyền thông Bắc Triều Tiên đã đưa tin về một nhãn hiệu mỹ phẩm mới có tên là "Ngọc trai đen", với thành phần chính là lưu huỳnh có trong bùn tự nhiên ở hạ lưu sông Daedong (Đại Đồng), có tác dụng làm trắng da và chống lão hóa. Các chuyên gia cho rằng việc miền Bắc đưa ra một thương hiệu mỹ phẩm mới là nhằm giải quyết các vấn đề sinh kế của người dân bằng cách đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các nhu yếu phẩm hàng ngày trong bối cảnh nước này tiếp tục phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế. Chúng ta hãy cùng chờ xem ngành mỹ phẩm của Bắc Triều Tiên sẽ phát triển như thế nào trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập