Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tết Trung thu tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-09-07

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Chuseok, hay còn được gọi là Gabae, Gawi, Hangawi hay Tết Trung thu, là một ngày lễ tết của dân tộc Hàn diễn ra vào ngày 15/8 âm lịch. Tết Trung thu trên bán đảo Hàn Quốc bắt nguồn từ đầu thế kỷ I thời đại Silla (57 trước Công nguyên - 935). Phong tục của ngày lễ truyền thống lâu đời này đã dần dần thay đổi sau khi hai miền Nam-Bắc bị chia cắt. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về Tết Trung thu tại miền Bắc cùng giáo sư Jeong Eun-chan đến từ Viện Giáo dục thống nhất quốc gia thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc.

 

Là một người đào tẩu Bắc Triều Tiên, bản thân giáo sư Jeong Eun-chan ban đầu cũng cảm thấy cảnh tượng Tết Trung thu tại Hàn Quốc rất mới lạ, đặc biệt là “cuộc đại di cư của dân tộc” khi người dân cùng nối đuôi nhau về quê. Ở Hàn Quốc, kỳ nghỉ Tết Trung thu thường kéo dài ba ngày, bao gồm ngày lễ chính, một ngày trước và sau đó. Tuy nhiên, người dân Bắc Triều Tiên chỉ được nghỉ duy nhất một ngày vào Tết Trung thu nên tại nước này sẽ không thể thấy được cảnh một “cuộc đại di cư của dân tộc” như ở Hàn Quốc.

 

Thứ nhất là vì cơ sở hạ tầng giao thông của Bắc Triều Tiên còn kém nên không thể phục vụ nhu cầu về quê của người dân trong kỳ nghỉ Tết Trung thu chỉ kéo dài một hai ngày. Cho dù tàu có xuất phát đúng giờ thì người dân miền Bắc vẫn phải mất tới 20 tiếng để đi tàu hỏa từ Bình Nhưỡng đến thành phố Chongjin, tỉnh Bắc Hamgyong. Thứ hai là vì người dân khó có thể xin được giấy thông hành, và kể cả có giấy thông hành thì họ cũng chỉ có thể đến thăm người thân ở các khu vực lân cận, như cùng huyện, thành phố, chứ không thể đến các vùng xa. Thứ ba là chi phí đi lại quá cao. Vào dịp Tết Trung thu, người dân Hàn Quốc hay đi chơi đâu đó và dành thời gian xum tụ bên gia đình, nhưng người dân miền Bắc thường chỉ tận hưởng kỳ nghỉ này với họ hàng, người thân ở gần nhà.

 

Tết Trung thu là một dịp lễ vào mùa thu, mùa sung túc nhất trong năm khi vụ mùa kết thúc và người nông dân bước vào thời kỳ thu hoạch. Hơn nữa, mùa thu cũng không nóng như mùa hè hay lạnh như mùa đông nên mới có câu nói “Không hơn không kém, chỉ cần như Tết Trung thu”. Cùng với Tết Nguyên đán, Tết Trung thu được coi là lễ tết lớn nhất của người dân Hàn Quốc. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên từng cấm người dân mừng Tết Trung thu vào năm 1967 vì cho rằng ngày lễ này đi ngược lại lối sống xã hội chủ nghĩa. Sau đó, miền Bắc bắt đầu cho phép viếng mộ tổ tiên vào Tết Trung thu từ năm 1972 và lại quy định đây là ngày lễ quốc gia vào năm 1988. Mặc dù vậy, nước này không sử dụng thuật ngữ “ngày tết lớn nhất của dân tộc” như Hàn Quốc. Giáo sư Jeong Eun-chan ban đầu cũng cảm thấy lạ lẫm với thuật ngữ này.

 

Tôi từng thấy khá lạ lẫm với việc Hàn Quốc gọi Tết Trung thu và Tết Nguyên đán là các ngày lễ vui lớn nhất của dân tộc. Bắc Triều Tiên có ba loại ngày lễ. Đầu tiên là các ngày lễ quốc gia xã hội chủ nghĩa, như Tết Thái Dương (sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành), “Tết Ngôi sao tỏa sáng” (Kwangmyongsong, sinh nhật cố Chủ tịch Kim Jong-il), hay sinh nhật cố phu nhân Kim Jong-suk. Ngoài ra còn có các ngày kỷ niệm thành lập Chính phủ và đảng Lao động, Ngày chiến thắng kỷ niệm ngày ký kết Hiệp định đình chiến chiến tranh Triều Tiên (27/7/1953). Thứ hai là các ngày lễ quốc tế, bao gồm Quốc tế Phụ nữ 8/3, Quốc tế Lao động 1/5 và Tết Thiếu nhi 1/6. Cuối cùng là các ngày lễ dân tộc như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu và Tết Đoan ngọ. Trong khi cụm từ “ngày lễ vui lớn nhất của dân tộc” được dùng cho Tết Nguyên đán và Tết Trung thu tại Hàn Quốc thì ở Bắc Triều Tiên, đây là thuật ngữ để chỉ ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.

 

Gần đây, người Hàn Quốc bắt đầu trở nên quen thuộc với thuật ngữ “hội chứng kỳ nghỉ lễ”, dùng để chỉ các triệu chứng xuất hiện do căng thẳng trong dịp lễ tết. Tết Trung thu đến gần cũng là lúc các bài báo về cách ngăn ngừa hoặc khắc phục các hội chứng căng thẳng vào kỳ nghỉ lễ xuất hiện. Nhưng Bắc Triều Tiên lại không hề có chuyện này.

 

Bên cạnh việc lo toan kinh tế gia đình, ngày lễ truyền thống cũng trở thành gánh nặng cho phụ nữ Bắc Triều Tiên, nhưng điều này chưa trở thành một vấn đề xã hội để có thuật ngữ riêng. Luật pháp miền Bắc quy định quyền bình đẳng giới nhưng trong gia đình, phụ nữ nước này vẫn chưa hoàn toàn được giải phóng, nên cũng gây ra căng thẳng. Tôi chưa từng nghĩ việc bố mẹ chuẩn bị cỗ bàn để dâng lên bàn thờ tổ tiên, làm lễ khi viếng mộ và đãi tiệc họ hàng vào ngày lễ tết là một điều gì nặng nhọc. Nhưng sau khi biết đến cụm từ “hội chứng kỳ nghỉ lễ” tại Hàn Quốc, tôi mới hiểu được sự vất vả của bố mẹ.

 

Vào dịp Tết Trung thu, truyền thông Bắc Triều Tiên cũng sẽ đăng tải các nội dung liên quan. Một bản tin của Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) ngày 12/8 vừa qua đưa tin nhiều người đã tưởng niệm và cầu nguyện cho các gia đình cách mạng Mangyongdae hy sinh vì sự nghiệp vĩ đại của tổ quốc và dân tộc.

 

Vào các ngày lễ như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu và ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, người dân Bắc Triều Tiên thường đến viếng tượng của các lãnh đạo tối cao, thi hài của hai cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il tại cung Thái Dương (Kumsusan) hoặc Lăng liệt sỹ cách mạng ở Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, chỉ có các đơn vị đoàn thể mới có nghĩa vụ thực hiện việc này, còn người dân bình thường thì được khuyến khích thực hiện để phát huy lòng trung thành, đặc biệt là những người dân ở gần, vì người dân ở địa phương xa khó có thể đến viếng Lăng liệt sỹ ở Bình Nhưỡng.

 

Khi nhắc đến Tết Trung thu trên bán đảo Hàn Quốc thì không thể không nhắc đến bánh songpyeon, với tên gọi được ghép từ chữ “song” chỉ cây thông, và chữ “pyeon” chỉ bánh gạo tteok. Đây là một loại bánh gạo hình bán nguyệt, bên trong có nhân là vừng hoặc đậu và được hấp trên một lớp lá thông. Đặc biệt, Bắc Triều Tiên còn có bánh songpyeon nhân rau củ, với nguyên liệu chính là các loại rau củ dễ kiếm như cải thảo, hành lá và hành tây. Cải thảo sẽ được chần qua nước sôi và cắt thành miếng lớn cùng các loại rau khác, sau đó xào thịt băm rồi cho rau, ớt bột, muối và tỏi băm vào, xào tiếp để thấm đều gia vị. Lấy một miếng bột nhỏ nặn thành hình tròn, tạo một lõm sâu và cho nhân vào rồi nặn thành hình bán nguyệt. Hấp bánh trong 30 phút và thế là đã hoàn thành món bánh songpyeon rau củ kiểu miền Bắc. Đây là loại bánh mọi gia đình Bắc Triều Tiên đều chuẩn bị cho dịp Tết Trung thu.

 

Bánh songpyeon của Bắc Triều Tiên lớn gấp đôi bánh songpyeon Hàn Quốc. Thậm chí, bánh ở một số nơi thuộc vùng Gaeseong còn lớn gấp ba. Nhân của bánh cũng khác nhau tùy theo từng địa phương. Chẳng hạn, người dân tỉnh Bắc Hamgyong thường trộn rau, thịt lợn và đậu phụ để làm nhân bánh. Nhân bánh còn có thể được làm từ kimchi hoặc đậu tây. Tương tự Hàn Quốc, người dân Bắc Triều Tiên cũng quan niệm rằng nắn bánh songpyeon đẹp thì sẽ đẻ được một cô con gái xinh xắn, với ý nghĩa cần phải làm món ăn với sự tận tâm. Tuy nhiên, khác với người Hàn, họ không đặt songpyeon lên mâm cúng tổ tiên.

 

Về phong tục ngày Tết Trung thu, hai miền Nam-Bắc không có nhiều điểm khác biệt. Người dân hai nước đều thức dậy vào sáng sớm để chuẩn bị cỗ bàn cúng tổ tiên, tiếp theo sẽ đi viếng mộ cùng các thành viên trong gia đình. Sau đó, mọi người trong làng cùng nhau chơi một số môn thể thao hoặc trò chơi dân gian, chẳng hạn như đánh đu và ssireum (đấu vật). Một người đào tẩu miền Bắc cho biết đài truyền hình nước này thậm chí còn truyền hình trực tiếp cảnh người dân ở Bình Nhưỡng và các địa phương tham gia các trò chơi dân gian.

 

Một thứ khác không thể bỏ qua khi nhắc đến Tết Trung thu tại bán đảo Hàn Quốc, đó chính là môn đấu vật. Giống như Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên cũng mở một hội thi đấu vật toàn quốc nhân dịp lễ này, và thậm chí còn có cả bài hát về môn thể thao này. “Hội thi đấu vật toàn quốc giải đại bò vàng” tổ chức tại đảo Rungra, Bình Nhưỡng vào ngày Tết Trung thu là một ngày hội nổi tiếng tại Bắc Triều Tiên. Người chiến thắng cuộc thi sẽ nhận được phần thưởng là một con bò vàng và một quả cầu bằng vàng, thu hút sự quan tâm lớn từ người dân. Chiến thắng cuộc thi này có thể giúp một người trở nên nổi tiếng toàn quốc. Một người đào tẩu Bắc Triều Tiên khi trả lời phỏng vấn đã giải thích rằng những người chiến thắng trở nên nổi tiếng là bởi lễ trao bò vàng đều được truyền hình trực tiếp.

 

Tuy có một số phong tục ngày Tết Trung thu khác nhau nhưng người dân hai miền Nam-Bắc đều coi đây là dịp lễ để gia đình quây quần bên mâm cơm và thể hiện tình cảm với nhau. Nhưng đây cũng là một ngày lễ cô đơn với một số người, cụ thể là những thành viên trong các gia đình bị ly tán bởi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), những người tha hương rời khỏi miền Bắc từ lâu và những người đào tẩu Bắc Triều Tiên. Thật không may, chương trình đoàn tụ gia đình ly tán liên Triều đã không được khởi động lại kể từ lần cuối cùng diễn ra vào tháng 8/2018.

 

Khoảng 133.000 người đã đăng ký tìm lại các thành viên gia đình bị ly tán, nhiều người trong số này đã qua đời. Độ tuổi trung bình của họ cũng ngoài 80 và hàng năm lại có thêm nhiều người ra đi. Hy vọng các cuộc đoàn tụ gia đình ly tán có thể nhanh chóng được nối lại để thế hệ đầu tiên của các gia đình phải chia cắt bởi chiến tranh có thể nhìn thấy quê hương và gặp lại người thân một lần trước khi từ giã cõi đời.

 

Tết Trung thu năm nay, thành viên các gia đình ly tán liên Triều như mọi năm lại một lần nữa tụ họp tại lầu gác Imjin (thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi) gần biên giới liên Triều để nhìn về quê hương và nhớ thương những người thân còn chưa rõ sống chết. Người thân của họ ở miền Bắc chắc hẳn cũng đang nhớ về họ. Tết Trung thu tới đây là một ngày lễ lớn của dân tộc Hàn, hy vọng người dân hai miền Nam-Bắc sẽ có một kỳ nghỉ lễ hạnh phúc. Vào đêm rằm Trung thu, hãy cùng nhau nhìn lên vầng trăng tròn sáng và cùng ước nguyện cho những gia đình ly tán có thể sớm được đoàn tụ.

Lựa chọn của ban biên tập