Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Các YouTuber của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-09-21

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Các bạn đang lắng nghe một em nhỏ dùng tiếng Anh trôi chảy để giới thiệu về Công viên nước Munsu nổi tiếng nhất ở Bắc Triều Tiên và tự hào đây là một hồ bơi đẹp như trong phim hoạt hình. Cô bé là Song-a, một YouTuber (người sáng tạo nội dung trên YouTube) đến từ miền Bắc. Gần đây, xuất hiện các Youtuber Bắc Triều Tiên đăng tải các nội dung về ăn uống (mukbang) và vlog. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tiến sĩ Lee Ji-soon đến từ Viện nghiên cứu thống nhất tìm hiểu về các YouTuber Bắc Triều Tiên đang hoạt động tích cực và cách nước này sử dụng YouTube cho mục đích riêng.

 

Đoạn trích từ video của Song-a mà các bạn vừa lắng nghe được đăng tải trên kênh YouTube vào tháng 4 năm nay. Cô bé giới thiệu bản thân hiện 11 tuổi, học lớp 5 trường tiểu học. Song-a đã trở thành tâm điểm bàn luận nhờ khả năng nói tiếng Anh trôi chảy như người Anh bản xứ.

 

Song-a là con gái của Lim Jun-hyuk, một nhà ngoại giao từng làm việc tại Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở thủ đô London (Anh). Cô bé là chắt gái của ông Ri Ul-sol, tướng lĩnh Quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên và cũng thuộc thế hệ lực lượng du kích kháng Nhật đầu tiên đồng hành cùng cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Khi ông Ri qua đời vào năm 2015, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã ra lệnh tổ chức tang lễ cấp cao nhất và đích thân trở thành Chủ tịch Ủy ban lễ tang. Theo đó, có thể thấy Song-a xuất thân từ tầng lớp lãnh đạo cao nhất của miền Bắc và đã quen với tiếng Anh sau khi sống tại London từ năm 2015 đến 2019 cùng cha là nhà ngoại giao.

 

Tháng 7 vừa qua, Song-a đã đăng tải một video với nội dung cùng bạn đến ăn Bingsu (đá bào) tại một cửa hàng trước cổng trường và mời người xem đến Bình Nhưỡng để thưởng thức món Bingsu ngon nhất Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, Song-a còn khoe rằng Bình Nhưỡng, nơi cô bé sinh sống, là một thành phố xinh đẹp với nhiều địa điểm vui chơi cho trẻ em như sở thú và sân trượt băng.

 

Cuộc sống hàng ngày mà Song-a thể hiện trong các video không phải là cuộc sống của một công dân bình thường mà là cuộc sống của giới thượng lưu ở Bình Nhưỡng. Những hình ảnh thường ngày và phúc lợi văn hóa tại Bình Nhưỡng mà Song-a khoe thật ra chính là hình ảnh một đất nước văn minh xã hội chủ nghĩa lý tưởng mà Bắc Triều Tiên muốn xây dựng.

 

Bên cạnh đó, Song-a cũng kể lại cảm giác lo lắng về tình trạng thiếu thuốc sau khi bản thân và mẹ bị nhiễm COVID-19 và sốt cao. Tuy nhiên, nhờ những người lính quân y như anh em trong nhà đến kiểm tra nhiệt độ và cho thuốc, cô bé và mẹ đã bình phục chỉ sau 3-4 ngày. Trong quá trình cách ly, những người bạn và hàng xóm cũng đem dâu tây và màn thầu đặt trước cửa, nhân viên cửa hàng rau trong khu phố cũng đến giao rau tươi 2-3 ngày/lần. Bên cạnh đó, Song-a cũng kể lại trải nghiệm đến Bệnh viện nhi Okryu vì bị chai chân. Cô bé tự hào nơi đây giống như một cung điện cho các bệnh nhân với các cơ sở vui chơi giải trí cho trẻ em và phòng học cho bệnh nhi ở lại lâu ngày. Tuy nhiên, khó có thể kết luận các nội dung mà Song-a đăng tải là do một đứa trẻ 11 tuổi thực hiện.

 

Tuy các video này bề ngoài trông có vẻ là do Song-a tự mình quay phim, chỉnh sửa và đưa lên YouTube, nhưng thực tế chuyện này là không thể. Tuy không có bằng chứng rõ ràng nhưng một cô bé không thể tự sản xuất vlog hay hình ảnh cuộc sống hàng ngày nếu không có sự tham gia của chính quyền. Ngoài những cảnh được thực hiện bằng gậy tự sướng, video cũng có những cảnh trông như được người quay phim quay lại. Bên cạnh đó, Song-a có thể đi vào mọi nơi mà không cần do dự và mọi người đều cười trước ống kính và rất tốt bụng với cô bé, cho thấy đây là một dự án được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Qua màn hình YouTube, Song-a đã cho thấy cuộc sống bình thường an toàn và lành mạnh của người dân miền Bắc, khác với hình ảnh của một quốc gia bị quốc tế coi là nguy hiểm vì thực hiện các vụ thử hạt nhân. Các video cho thấy Bắc Triều Tiên đã đạt được sự phát triển đáng kể bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế, đồng thời khoe khoang rằng người dân nước này vẫn an toàn ngay cả khi thế giới đang phải oằn mình chống chọi COVID-19. Miền Bắc muốn chứng mình rằng tuy được biết đến là một đất nước kỳ lạ và nguy hiểm, trên thực tế đây là một đất nước thú vị được trang bị tốt các cơ sở hạ tầng xã hội và có trình độ văn hóa cao.

 

Các chuyên gia cho biết người dân Bắc Triều Tiên không thể quản lý kênh YouTube riêng vì nước này hạn chế quyền truy cập internet cá nhân.

 

Cũng có người dân Bắc Triều Tiên thừa nhận đã từng xem YouTube, nhưng là ở nước ngoài chứ không phải ở miền Bắc. Vì không thể truy cập vào mạng internet nước ngoài nên người dân nước này không thể tạo tài khoản cá nhân. Tuy có thể đăng ký tài khoản để sử dụng mạng nội địa mang tên intranet, người dùng vẫn có thể bị giám sát bất kỳ lúc nào nên vẫn bị hạn chế đáng kể.

 

Vì vậy, nhiều ý kiến suy đoán rằng các trang mạng xã hội cá nhân như YouTube đã được chính quyền Bắc Triều Tiên sử dụng làm phương tiện tuyên truyền. Trong số đó, YouTuber tiêu biểu của miền Bắc mang tên “Un-a ở Bình Nhưỡng” đã đăng video lần đầu tiên vào năm 2019. Video có cảnh cô gái trẻ Un-a đang chọn chocolate ăn vặt và mỳ gói tại một trung tâm thương mại ở Bình Nhưỡng. Ngoài ra còn có hình ảnh Un-a đang tận hưởng cuộc sống hàng ngày khi chơi các trò chơi tại một công viên giải trí ở Bình Nhưỡng. Tuy có nhạc nền lớn đến mức không nghe rõ lời nói nhưng video vẫn cho thấy ý đồ khẳng định người dân Bắc Triều Tiên cũng được hưởng một cuộc sống nhàn nhã thông qua hình ảnh cuộc sống bình thường hàng ngày.

 

Đầu năm 2020, Un-a đã đăng tải cảnh bản thân đeo tai nghe và hát một bài hát mang tên "Cây liễu xanh" tại phòng thu âm. Bài hát này được nhiều người Hàn Quốc biết đến sau khi được ca sĩ Seo Hyun của miền Nam thể hiện tại buổi biểu diễn cầu nguyện cho sự hợp tác hòa bình liên Triều vào năm 2018. Bằng tiếng Anh trôi chảy, Un-a giải thích lý do cô hát ca khúc này là để kêu gọi hai miền Nam-Bắc ngừng chỉ trích và phê phán lẫn nhau và cùng nhau đối phó với đại dịch COVID-19 đang gây ra nhiều đau khổ cho mọi người.

 

YouTube là một nền tảng tuyên truyền quốc tế hấp dẫn kể cả với Bắc Triều Tiên. Thông qua hình ảnh cuộc sống thường ngày và trải nghiệm văn hóa của người dân, nước này đang quảng bá và khuyến khích du khách nước ngoài đến Bình Nhưỡng du lịch sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Vì đối tượng được nhắm tới là người dùng mạng xã hội ở nước ngoài, các video sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính vì đây là ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới. Ngoài tiếng Nga, các video của miền Bắc trên YouTube còn sử dụng tiếng Bắc Triều Tiên, sau đó là tiếng Trung và tiếng Anh để nhắm đến đối tượng khán giả là người nước ngoài chứ không phải người dân miền Bắc vì vốn công dân nước này không được xem YouTube.

 

Khó có thể tin được các video được “Un-a từ Bình Nhưỡng” đăng tải trên YouTube cho đến nay là của một người dân thường. Ví dụ, video được đăng vào tháng 2/2020 cho biết Bắc Triều Tiên không có người nhiễm COVID-19 nhờ các biện pháp hợp lý của chính quyền nước này. Và như thể ý thức được việc dư luận quốc tế không tin vào điều này, video còn cho biết thêm là giá cả hàng hóa và thực phẩm ở đây được duy trì ổn định.

 

Các vlog trên YouTube giúp cho người xem có thể trải nghiệm gián tiếp việc các chính sách quan trọng của Bắc Triều Tiên đã đóng góp vào công cuộc xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Giờ đây, các video này còn đóng vai trò cải thiện hình ảnh của một quốc gia nghèo đói kém phát triển theo chủ nghĩa quân sự và đem lại hình ảnh tích cực hơn về mặt đối ngoại cho miền Bắc. Hình ảnh quốc gia đóng vai trò là một biến số quan trọng trong việc xác định năng lực cạnh tranh của quốc gia thông qua các thông tin và hình ảnh về đất nước qua nhiều kênh khác nhau. Đặc biệt là gần đây, Bắc Triều Tiên gây ấn tượng xấu mang tính uy hiếp đối với giới trẻ, hay còn gọi là người bản địa kỹ thuật số, vốn đã quen với việc giao tiếp trực tuyến. Động thái của miền Bắc cho thấy ý đồ cải thiện các hình ảnh xấu của nước này.

 

Kênh YouTube của Un-a hiện đã bị khóa do vi phạm các điều khoản của dịch vụ. Tuy nhiên, phía YouTube sau đó đưa ra lập trường với một đài truyền hình của Hàn Quốc rằng tài khoản bị gỡ vì đây là sản phẩm của một tổ chức thuộc đối tượng chịu lệnh trừng phạt.

 

Trong các YouTuber của Bắc Triều Tiên, có một YouTuber thông thạo tiếng Nga mang tên Jin-hee. Trong một video giới thiệu ngày thành lập đảng Lao động Bắc Triều Tiên vào năm 2020, YouTuber này đã giới thiệu cuộc sống hàng ngày của người dân thay vì các cuộc diễu binh hay các sự kiện tập trung dân chúng. Cô Jin-hee giải thích rằng đây mới chính là hình ảnh chân thực của người dân miền Bắc nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập đảng. Ngoài ra, YouTuber này còn có một video nhấn mạnh một "Bình Nhưỡng hạnh phúc", ghi lại chuyến đi dạo đầy hạnh phúc của cô cùng các thành viên trong gia đình quanh các đường phố và công viên của Bình Nhưỡng. Thoạt nhìn, video này có vẻ chỉ là một đoạn phim về cuộc sống hàng ngày của một cô gái trẻ. Tuy nhiên, có phân tích cho rằng đây là một sản phẩm tuyên truyền đối ngoại vì đằng sau cô là những người lính trẻ dang mạnh tay hô to khẩu hiệu "Hướng tới Đại hội đảng Lao động lần thứ VIII!". Jin-hee cũng nói rằng thành phố đã giữ an toàn cho gia đình cô trước các thảm họa, càng khiến cho người xem không khỏi nghi ngờ.

 

Các video về cuộc sống thường nhật cũng là một biện pháp tuyên truyền của Bắc Triều Tiên. Trong các video này, xuất hiện một cách tự nhiên trên màn hình chính là các poster và khẩu hiệu tuyên truyền, nhà cao tầng và các thể loại cơ sở văn hóa, cũng là biểu tượng cho thấy miền Bắc là một quốc gia văn minh xã hội chủ nghĩa. Jin-hee không đơn giản chỉ là một nhà sáng tạo nội dung mà còn là một nhà tuyên truyền với các chiến lược để sản xuất ra các hình ảnh nhằm mục đích khoe khoang sự phát triển của đất nước. Đồng thời, người xem nước ngoài có thể sẽ cảm thấy thú vị hơn khi được chiêm ngưỡng thành phố với các tấm poster cỡ lớn chỉ có ở Bắc Triều Tiên.

 

Ngoài ra, Bắc Triều Tiên còn có nhiều YouTuber là phụ nữ và trẻ em. Chẳng hạn như YouTuber “Echo of Truth” (Tiếng vọng của sự thật), giới thiệu các nhà kính trồng rau hữu cơ và khuyến khích canh tác hữu cơ. Bên cạnh đó còn có các video trên YouTube được sản xuất dưới dạng nhật ký ghi lại quá trình trưởng thành của cô bé Ri Su-jin. Các video này đã hé lộ một cách tự nhiên về hệ thống giáo dục và y tế của miền Bắc với các cảnh cô bé nhận cặp sách và đồng phục mới trước khi nhập học tiểu học và được điều trị nha khoa tại Bệnh viện nhi Okryu.

 

Các YouTuber trẻ em và phụ nữ tạo ra một hình ảnh mềm mỏng hơn cho Bắc Triều Tiên, điều này làm lay động tâm trí người xem và thay đổi cách nhìn của họ về nước này, cuối cùng có tác dụng tạo ra hình ảnh một quốc gia tích cực, tươi sáng và hấp dẫn cho miền Bắc. Bắc Triều Tiên vốn dùng giọng điệu công kích để đối phó với cộng đồng quốc tế khi trở thành tiêu điểm tranh cãi vì các động thái khiêu khích quân sự và vấn đề nhân quyền quốc tế. Động thái này thậm chí còn làm hình ảnh của miền Bắc trở nên tệ hơn và cho thấy đây là một quốc gia bất thường và phi lý. Sau năm 2019, các kênh truyền thông mới của Bắc Triều Tiên, chẳng hạn như các mạng xã hội, bắt đầu thay đổi cách vận hành và chuyển sang sản xuất video. Chiến lược tuyên truyền thay đổi để phù hợp với thời đại tiêu thụ hình ảnh nhiều hơn chữ viết, và gần đây đã mang lại hiệu quả nhất định.

 

Mạng xã hội là một nền tảng hiệu quả để quản lý hình ảnh quốc gia và gia tăng giá trị thương hiệu với chi phí tương đối thấp. Do đó, có thể thấy Bắc Triều Tiên sẽ tích cực sử dụng các phương tiện truyền thông mới này để tuyên truyền cho thể chế trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập