Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Cuộc thi âm nhạc trên truyền hình của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-11-09

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Trong 10 năm trở lại đây, các cuộc thi âm nhạc đang trở nên nổi tiếng trên sóng truyền hình Hàn Quốc. Thể loại và cách thức tham gia các chương trình này đã trở nên chi tiết và chuyên môn hơn, bắt đầu từ các cuộc thi hát, sau đó mở rộng ra các cuộc thi rap, thi hát nhạc Trot, thậm chí là các cuộc thi tuyển chọn chỉ thực tập sinh idol mới có thể tham gia. Các chương trình này là sân chơi khiến cho không chỉ người tham gia mà cả người xem cũng hồi hộp theo dõi. Có thông tin cho biết các chương trình như vậy cũng có độ nổi tiếng không nhỏ tại Bắc Triều Tiên. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình của miền Bắc cùng giáo sư Kim Seung-gyeom, đến từ khoa Nội dung văn hóa Đại học Konkuk.

 

Bất chấp tình hình phòng dịch COVID-19, tháng 4 vừa qua, Bắc Triều Tiên đã tổ chức Cuộc thi nghệ thuật quần chúng nhân kỷ niệm sinh nhật của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đúng dịp Tết Thái Dương. Trước đó một tháng, vòng loại dành cho các thành viên tiểu ban nghệ thuật thuộc các xí nghiệp và hợp tác xã đã được tổ chức theo đơn vị tỉnh, thành phố, quận huyện. Ngoài cuộc thi này, Bắc Triều Tiên còn có nhiều chương trình tranh tài đa dạng khác.

 

Bên cạnh Cuộc thi nghệ thuật quần chúng, Bắc Triều Tiên còn có rất nhiều cuộc thi tương tự các cuộc thi thử giọng của Hàn Quốc, chẳng hạn như Cuộc thi nghệ thuật dành cho gia đình quân nhân, Cuộc thi âm nhạc dân tộc, Cuộc thi tiếng hát người lao động toàn quốc, Cuộc thi đội tuyên truyền nghệ thuật lưu động. Các chương trình này là một phần của dự án văn hóa quần chúng, được hiểu là các hoạt động văn hóa có quần chúng tham gia. Miền Bắc tổ chức nhiều cuộc thi khác nhau với mục đích giáo dục về mặt tư tưởng và truyền tải các chính sách và đường lối của đảng Lao động cho người dân. Các cuộc thi trên truyền hình cho thấy hiệu quả rất lớn về mặt đầu tư so với các hình thức dự án văn hóa khác. Mang ý nghĩa gián tiếp ám chỉ rằng bất cứ ai cũng có cơ hội thành công trong xã hội, các cuộc thi này đã trở thành công cụ chính trị mà Bắc Triều Tiên sử dụng để khuyến khích người dân tự nguyện thưởng thức và truyền bá văn hóa.

 

Một trong những cuộc thi âm nhạc nổi tiếng nhất ở Bắc Triều Tiên là “Hội thi tiếng hát người lao động toàn quốc”. Hội thi bắt đầu được tổ chức chính thức vào năm 1986 dưới sự chỉ đạo của cố Chủ tịch Kim Jong-il. Chương trình này là một trong những hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng mà ai cũng có thể tham gia nếu muốn, được tổ chức nhằm nâng cao tài năng nghệ thuật của người lao động thay vì các nghệ sĩ chuyên nghiệp.

 

Đây là một chương trình được Nhà nước tổ chức và phát sóng trên Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV). Chương trình này có đặc trưng là ai cũng có thể đăng ký tham gia nếu muốn. Chương trình sử dụng các nội dung biên tập được thu trực tiếp nhằm lấy được sự đồng cảm từ người xem. Các cuộc thi âm nhạc thường được phát sóng vào khung giờ vàng, cụ thể là trong khoảng 8-10 giờ tối. Theo lời làm chứng của những người đào tẩu từ miền Bắc, chương trình này có khá nhiều người đăng ký tham gia và cũng rất nổi tiếng tại nước này. Năm 2016, KCTV đã phát sóng một chương trình đặc biệt gồm ba phần để kỷ niệm 30 năm tổ chức cuộc thi.

 

“Hội thi tiếng hát người lao động toàn quốc” đã nhận được sự yêu thích từ người xem từ những ngày đầu phát sóng, đến nỗi ban giám khảo của năm đầu tiên cũng phải bất ngờ. Một thành viên của ban giám khảo chương trình “Hội thi tiếng hát người lao động toàn quốc lần thứ nhất” kể lại các thí sinh đã suýt phá vỡ cửa vào để đăng ký tham gia. Vào lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức năm 1986, có tổng cộng 560 thí sinh tham gia với khoảng 70 vòng loại, bán kết và chung kết. Tương tự, 500 người đã tham gia với 80 cuộc tranh tài tại lần thứ hai. Chương trình này tập trung vào hình thức thi đơn ca nam nữ ở lần đầu tiên, đến lần thi thứ hai được chia thành hát đơn ca, song ca nam, song ca nữ và song ca nam nữ. Từ lần thứ ba, ban tổ chức cuộc thi đã thay đổi cách thức tiến hành để thu hút nhiều người tham gia hơn.

 

“Hội thi tiếng hát người lao động toàn quốc lần thứ ba” đã mở rộng đối tượng tham gia, đa dạng hóa hình thức và phương pháp thi, chẳng hạn như đơn ca và song ca. Hiện nay, cuộc thi kéo dài trong hai năm, chia thí sinh làm 6 đối tượng bao gồm công nhân, nông dân, nhân viên văn phòng, nội trợ, sinh viên và học sinh; mỗi năm sẽ tổ chức cho từng nhóm ba đối tượng tham gia. Cuộc thi có ba vòng với các hạng mục khác nhau, gồm vòng loại sơ khảo tuyển chọn theo từng khu vực, rồi đến vòng bán kết và chung kết. Toàn bộ quá trình thi sẽ được ghi hình tại khu vực đó và KCTV sẽ phát sóng từ vòng bán kết. Chỉ tính riêng vòng sơ khảo cũng diễn ra khá lâu, khoảng 5 đến 6 tháng. Trong thời gian này, Bắc Triều Tiên khuyến khích người dân tự nguyện tham gia các lễ hội thi tài trên toàn quốc.

 

Những người tham gia cuộc thi làm việc trong các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như công nhân nhà máy khai thác than và thu ngân quán mỳ. Theo thứ tự, họ sẽ phải giới thiệu bản thân, phỏng vấn ngắn với người dẫn chương trình, sau đó mới bắt đầu cất tiếng hát. Ở vòng bán kết, các thí sinh có thể tự do chọn bài hát. Tuy nhiên, vào đến vòng chung kết, các thí sinh sẽ phải hát một bài hát tự chọn và một bài hát được chỉ định, thường là nhạc cách mạng, nhạc thời chiến hoặc ca kịch cách mạng.

 

Điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa các cuộc thi thử giọng tại Hàn Quốc và các cuộc thi hát tại Bắc Triều Tiên là việc hội thi miền Bắc lấy tư tưởng chứ không phải năng lực cá nhân làm tiêu chí cơ bản nhất để đánh giá thí sinh. Tuy là một cuộc thi quần chúng tiêu biểu với việc khuyến khích mọi tầng lớp tham gia, chương trình tranh tài tại Bắc Triều Tiên vẫn nhận về những lời chỉ trích khi có ý kiến cho rằng cuộc thi này được tổ chức để nhắm đến công chúng chứ không phải dành cho công chúng.

 

“Hội thi tiếng hát người lao động toàn quốc” có tổng cộng 5 giám khảo, chủ yếu là giáo sư các nhạc viện hoặc diễn viên. Năng khiếu ca hát không phải là tiêu chí chấm điểm duy nhất của các giám khảo này. Một giám khảo cho biết tiêu chí quan trọng nhất của cuộc thi chính là tính nghệ thuật tư tưởng trong bài hát của thí sinh.

 

Tiêu chí đánh giá của cuộc thi coi trọng phương thức thể hiện tính nghệ thuật tư tưởng, độ chính xác của ca từ và giai điệu hơn là kỹ năng hát. Vì vậy, thí sinh sẽ bị loại dù chỉ hát sai lời một chút và được cộng điểm nếu biết sử dụng nhạc cụ thuần thục để đệm cho phần hát. Thứ hạng các thí sinh có xu hướng được xác định bằng điểm số không có nhiều cách biệt để thúc đẩy tinh thần tranh tài của người tham gia theo chỉ thị của cố Chủ tịch Kim Jong-il. Do đó, điểm cộng thêm thường đóng một vai trò lớn trong việc quyết định thứ hạng.

 

Vì các cơ hội tham gia vào chương trình truyền hình tại Bắc Triều Tiên còn hạn chế, các thí sinh đều rất tự hào khi được xuất hiện trong “Hội thi tiếng hát người lao động toàn quốc”. Thậm chí có không ít thí sinh thi lại hai, ba lần để giành được hạng nhất. Chẳng hạn, một thí sinh tên Kwang-hyok đã tham gia ba lần, lần đầu vào bán kết, lần hai dừng chân ở vị trí thứ hai và cuối cùng đã giành Quán quân ở lần thi thứ ba. Các thí sinh đều cạnh tranh rất khốc liệt, đặc biệt là các sinh viên đại học tham gia vì danh dự của trường mình. Ví dụ, thí sinh Kim Chul-joo từ Đại học sư phạm Bắc Triều Tiên đã nhiều lần giành chiến thắng trong “Hội thi tiếng hát người lao động toàn quốc”. KCTV thậm chí còn sản xuất một chương trình đặc biệt về đội thi Đại học sư phạm của Kim Chul-joo. Các thí sinh cạnh tranh gay gắt đến như vậy là vì người chiến thắng của mỗi hạng mục sẽ được trao các cơ hội đặc biệt.

 

Nhiều trường hợp người đoạt giải nhất trong cuộc thi được chọn làm diễn viên cho các đoàn thể nghệ thuật chuyên nghiệp, được trao cơ hội làm việc tại đoàn nghệ thuật hoặc đội tuyên truyền nghệ thuật. Tại Bắc Triều Tiên, người dân không được tự do lựa chọn thay đổi công việc. Vì vậy, cuộc thi thu hút được nhiều sự quan tâm vì đây là cơ hội để thí sinh chuyển sang làm công việc trong lĩnh vực nghệ thuật, vốn có mức đãi ngộ tốt hơn nhiều so với những người lao động bình thường. Ngoài ra, sinh viên từ các nhạc viện tham gia thi vì danh dự của trường nên mang một lòng tự tôn mạnh mẽ. Ví dụ, sinh viên Đại học sư phạm Pyongsong đã liên tiếp đoạt giải trong cuộc thi này từ lần thứ ba đến lần thứ 15 hội thi được tổ chức. Ngoài ra, các nhạc viện còn tận dụng quá trình chuẩn bị cho cuộc thi để nâng cao trình độ kỹ năng thực hành của sinh viên chuyên ngành.

 

Tuy nhiên, chính quyền Bắc Triều Tiên sử dụng chương trình tranh tài với mục đích khác. Có thể nói mục đích của “Hội thi tiếng hát người lao động toàn quốc” là để tuyên truyền kích động.

 

Ở Bắc Triều Tiên, ca hát trở thành một trong những phương tiện để xoa dịu khó khăn. Vì vậy, chương trình thi hát cũng trở thành một phương tiện để chính quyền giáo dục và phổ biến các bài hát chứa đựng chính sách và tư tưởng của đảng thông qua sự tham gia tự nguyện của người dân. Trong bối cảnh đó, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, cũng gọi các cuộc thi hát, trong đó có hội thi dành cho người lao động, là một hình thức tuyệt vời và là một phương tiện mạnh mẽ để nhanh chóng phát triển văn hóa nghệ thuật quần chúng. Bằng cách này, Bắc Triều Tiên đã thiết lập một hệ thống sử dụng các bài hát như một công cụ chính trị một cách hiệu quả nhất thông qua chương trình “Hội thi tiếng hát người lao động toàn quốc”.

 

Năm 2003, “Cuộc thi hát toàn quốc – vòng thi tại Bình Nhưỡng” của đài KBS đã được tổ chức tại công viên Moranbong ở Bình Nhưỡng. “Cuộc thi hát toàn quốc” là chương trình thi ca múa hát dành cho những người đã vượt qua vòng sơ loại trên các tỉnh toàn quốc. Chương trình khi đó đã tổ chức ở Bình Nhưỡng, được phát sóng ở cả hai miền Nam-Bắc và nhận được phản ứng đáng kể từ người xem. Trong bối cảnh quan hệ liên Triều trở nên phức tạp đến mức gần như trở về con số không, hi vọng một cuộc thi tài mà người dân hai miền đều có thể tham gia sẽ một lần nữa được lên kế hoạch tổ chức và phát sóng giống như chương trình “Cuộc thi tiếng hát toàn quốc – vòng thi tại Bình Nhưỡng” của đài KBS.

Lựa chọn của ban biên tập