Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Nền bóng đá của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-12-21

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Ngày 18/12 vừa qua, Giải bóng đá vô địch thế giới World Cup 2022 diễn ra tại Qatar đã đi đến hồi kết với chức vô địch thuộc về đội tuyển bóng đá Argentina. Trước đó, Hàn Quốc đã tạo nên kỳ tích khi tiến vào vòng 16 đội với chiến thắng 2-1 trước Bồ Đào Nha trong trận đấu cuối cùng của vòng bảng, mặc dù trước đó cơ hội đi tiếp vào vòng 16 đội của Hàn Quốc được dự đoán là khá mong manh. Sáng sớm ngày 6/12 (giờ Hàn Quốc), khi trận đấu ở vòng 16 đội giữa Hàn Quốc với Brazil diễn ra, Quảng trường Gwanghwamun ở Seoul chật kín người dân đến cổ vũ cho đội tuyển bóng đá quốc gia bất chấp thời tiết lạnh giá. Mặc dù thua trận với tỷ số 4-1, người dân vẫn an ủi và cổ vũ đội tuyển quốc gia với câu nói: "Chúng ta thua nhưng đã chiến đấu hết mình". Vậy Bắc Triều Tiên, vốn đã từ bỏ tranh tài tại World Cup vì lo ngại dịch COVID-19, đã hưởng ứng ngày hội toàn hành tinh này như thế nào? Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về World Cup và nền bóng đá tại Bắc Triều Tiên cùng tiến sĩ Heo Jeong-pil đến từ Viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên học thuộc Đại học Dongguk.

 

Như các quốc gia khác, Bắc Triều Tiên cũng phát sóng các trận đấu World Cup trên truyền hình. Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) cũng đưa tin về buổi khai mạc World Cup. Một trong những cảnh làm say đắm trái tim người hâm mộ thế giới tại lễ khai mạc World Cup Qatar là "Dreamers", bài hát chủ đề chính thức của sự kiện với sự trình diễn của thành viên Jung-kook đến từ nhóm nhạc Đoàn thiếu niên chống đạn (BTS). "Dreamers" đã đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc của hơn 100 quốc gia trong vòng ba ngày sau khi phát hành, mở ra một chân trời mới về sự kết hợp của K-pop và World Cup. Tuy nhiên, chương trình phát sóng của miền Bắc không hề đề cập đến việc này. Ngoài ra, nước này đã phát sóng World Cup với sự hỗ trợ từ ba đài truyền hình mặt đất của Hàn Quốc là KBS, SBS và MBC, vốn đã được Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) chuyển giao bản quyền phát sóng. Trong thời gian đầu của giải đấu, Bắc Triều Tiên đã không phát sóng các trận đấu vòng bảng của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra, khi giới thiệu bảng H, tên của đội tuyển Hàn Quốc đã không được nhắc tới trực tiếp mà chỉ được gọi là “một đội tuyển”. KCTV thậm chí còn làm mờ tên công ty Hàn Quốc trên bảng quảng cáo sân vận động và quốc kỳ Hàn Quốc trên màn hình, đồng thời xóa quảng cáo của Mỹ.

 

Bắc Triều Tiên đã cố tình không phát sóng các trận đấu của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản vì ba nước này là đồng minh ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ cùng các chính sách đối phó với miền Bắc. Tuy vậy thì Bắc Triều Tiên cũng rất quan tâm đến bóng đá và trong quá khứ cũng từng phát sóng World Cup để làm phương tiện giải trí cho người dân. Thông qua chương trình phát sóng World Cup 2022 tại Qatar lần này, miền Bắc muốn người dân tạm thời quên đi tình hình kinh tế khó khăn và quảng bá với bên ngoài rằng nước này cũng phát sóng World Cup như bao quốc gia bình thường khác.

 

Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên cũng đã phát sóng trận đấu của đội tuyển quốc gia Hàn Quốc với Brazil trong vòng 16 đội, giới thiệu cầu thủ Son Heung-min là đội trưởng của đội tuyển Hàn Quốc và thậm chí còn đưa ra những phân tích tương đối trung lập về trận đấu, đồng thời chiếu lại cảnh ghi bàn của cầu thủ Baek Seung-ho làm điểm nhấn.

 

Về các thành tích tại World Cup, Bắc Triều Tiên gia nhập FIFA vào năm 1958 và đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi lần đầu tiên đánh bại một đội mạnh là Ý để trở thành đội tuyển châu Á đầu tiên lọt vào vòng tứ kết World Cup 1966 tại Anh. Thành tích này cũng được nền tảng nội dung chính thức của FIFA chọn là một trong những "Biến số bất ngờ của World Cup" tại World Cup Qatar lần này.

 

World Cup 1966 tại Anh thực sự là một thời điểm may mắn đối với Bắc Triều Tiên. Khi đó, ngoài châu Âu và Nam Mỹ thì FIFA có sự phân biệt đối xử và chỉ cấp duy nhất một vé vào vòng trong cho mỗi châu lục khác, bao gồm châu Á, châu Phi và châu Đại Dương. Vì vậy, các nước châu Phi và Hàn Quốc đã đồng thời tẩy chay sự kiện này, dẫn tới việc miền Bắc và Úc dễ dàng vượt qua vòng loại. Tại vòng 16 đội, Bắc Triều Tiên nằm chung bảng với Liên Xô, Chile, Ý. Nước này thua Liên Xô 0-3, hòa 1-1 với Chile, và may mắn giành chiến thắng trước Ý với tỷ số 1-0. Dựa trên thành tích này, Bắc Triều Tiên đã sản xuất nhiều video khác nhau để tuyên truyền tinh thần bóng đá đến người dân.

 

Trong World Cup 2010 diễn ra tại Nam Phi, Bắc Triều Tiên đã một lần nữa tiến vào vòng chung kết Giải bóng đá vô địch thế giới sau 44 năm nhưng lại bị xếp vào bảng “tử thần” cùng các đội tuyển mạnh Brazil và Bồ Đào Nha. Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển quốc gia nước này bày tỏ tham vọng mạnh mẽ khi tuyên bố sẽ thắng Brazil 3-0. Vào thời điểm đó, hai cầu thủ gốc Bắc Triều Tiên đang hoạt động tại Giải vô địch bóng đá Nhật Bản J-League là Jong Tae-se và An Yong-Hak đã làm dấy lên kỳ vọng cho thành tích của đội tuyển quốc gia miền Bắc tại vòng 16 đội. Vì vậy, nước này đã phát sóng trực tiếp các trận đấu vòng bảng của đội tuyển, tuy nhiên đã không thể lọt vào vòng trong. Gần đây, Bắc Triều Tiên đã ghi hình lại và phát sóng các trận bóng đá ở nước ngoài tại các giải như giải Ngoại hạng Anh (Premier League) và Giải bóng đá vô địch quốc gia Đức (Bundesliga). Theo những người tị nạn Bắc Triều Tiên, người dân cũng có thể mua các video ghi lại trận đấu của các cầu thủ nổi tiếng tại các chợ. Điều này cho thấy sự quan tâm đến bóng đá của người dân miền Bắc. Gần đây, các phương tiện truyền thông nước này đưa tin "Giải hạng nhất Liên đoàn bóng đá 2022-2023" đã bắt đầu vào ngày 2/12. Giải đấu trực thuộc Liên đoàn bóng đá Bắc Triều Tiên bao gồm các giải hạng nhất, hạng hai và hạng ba dành cho cả nam và nữ.

 

Bắc Triều Tiên không có giải bóng đá chuyên nghiệp mà chỉ có Giải hạng nhất, hạng hai, hạng ba, Giải trẻ và các trận giao hữu giữa đội tuyển của các nhà máy. Giải hạng nhất là giải đấu hàng đầu tại nước này với khoảng 15 đội, bao gồm đội Đoàn thể dục 25/4, đội Thành phố Bình Nhưỡng và đội Sobaeksu với tên gọi khác là đội Sông Áp Lục. Giải hạng hai có khoảng 40 đội và Giải hạng ba là 80 đội. Các giải đấu của Bắc Triều Tiên thường được tiến hành đồng thời giữa các trận đấu ở giải tiêu chuẩn cao và giải tiêu chuẩn thấp thông qua các giải vô địch quốc gia như Giải thể thao quần chúng, Giải vô địch nước Cộng hòa và Giải núi Baekdu (Bạch Đầu). Tuy nhiên, khác với Hàn Quốc, các giải đấu tại miền Bắc không có nhiều sự thay đổi. Điều này là do đội Đoàn thể dục 25/4 và đội Sông Áp Lục là các đội có quy mô lớn và đãi ngộ tốt nên hầu hết các cầu thủ trong các đội này đều có kỹ năng tốt và ít trường hợp chuyển đổi giữa giải hạng nhất và hạng hai. Dưới thời Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, Bắc Triều Tiên đã thành lập thêm các đội bóng địa phương trực thuộc tỉnh, thành phố, quận và các tổ chức thuộc đảng Lao động.

 

Kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, Bắc Triều Tiên đã nhấn mạnh việc xây dựng đất nước trở thành “một cường quốc thể thao”. Trong bài phát biểu năm mới, ông Kim Jong-un đã kêu gọi cả đất nước sục sôi với sức nóng của thể thao và mở ra triển vọng xây dựng một cường quốc thể thao bằng cách giương cao lá cờ Cộng hòa trong các trận đấu quốc tế. Đặc biệt, truyền thông miền Bắc cũng giới thiệu về sự quan tâm tới bóng đá của Chủ tịch Kim khi thường xuyên đưa tin về việc ông Kim Jong-un xem các trận bóng đá.

 

Dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, số lượng sách, phim điện ảnh và phim truyền hình liên quan đến bóng đá ngày càng tăng so với trước. Việc hệ thống đào tạo bóng đá, chẳng hạn như Trường bóng đá quốc tế Bình Nhưỡng, được cải thiện cũng cho thấy sự quan tâm đến bóng đá đã tăng lên so với trước đây. Có rất nhiều câu chuyện về tình yêu bóng đá của các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, trong đó có một câu chuyện mà Chủ tịch Kim Jong-un mới đây đã nhắc đến để nhấn mạnh tình yêu bóng đá của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Năm 1951, khi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đang diễn ra, ông Kim Nhật Thành đã chơi một trận bóng đá với các chỉ huy quân sự sau một cuộc họp. Câu chuyện cố Chủ tịch Kim chơi bóng với số 16 trên lưng đã được lan truyền. Ngoài ra, trong bài phát biểu mừng năm mới vào ngày 1/1/2011, cố Chủ tịch Kim Jong-il cũng thể hiện tình yêu của bản thân với bóng đá khi cho rằng đây là môn thể thao phù hợp với thể chất và được tất cả người dân miền Bắc yêu thích.

 

Từ những ngày đầu lên nắm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un đã không hề “tiếc của” mà sẵn sàng tài trợ cho nền bóng đá nước nhà, một trong số đó là việc thành lập một trường bóng đá có thể đào tạo và giáo dục theo hệ thống để tạo nên các cầu thủ bóng đá đẳng cấp thế giới. Tiêu biểu là Trường bóng đá quốc tế Bình Nhưỡng khai giảng vào năm 2013. Ngôi trường này được thành lập để nuôi dưỡng các “nhân tài sân cỏ” nên những đứa trẻ được nhận vào trường đều vô cùng tự hào. Có thông tin chính quyền Bắc Triều Tiên đang tập trung vào việc bồi dưỡng các nhân tài bóng đá đẳng cấp thế giới bằng cách gửi học viên trường này đi du học tại các nước như Tây Ban Nha, cùng như mời huấn luyện viên nước ngoài về nước.

 

Trường bóng đá quốc tế Bình Nhưỡng được thành lập vào năm 2013 nhờ sáng kiến của cố Chủ tịch Kim Jong-il và sự thúc đẩy của Chủ tịch Kim Jong-un. Đặc điểm nổi bật nhất của đơn vị này là có tới 7 huấn luyện viên đủ tiêu chuẩn trở thành huấn luyện viên cấp A của Liên đoàn bóng đá châu Á và đều có kinh nghiệm tham gia nhiều trận thi đấu quốc tế. Chính quyền miền Bắc quảng bá rằng nước này đang đi đầu trong việc bồi dưỡng nhân tài bóng đá và có chương trình đào tạo, huấn luyện bóng đá một cách khoa học. Ngoài ra, Trường bóng đá quốc tế Bình Nhưỡng chỉ tuyển chọn những học sinh có kết quả học tập và kỹ năng bóng đá xuất sắc, chia thành các lớp vỡ lòng, sơ cấp và cao cấp, đồng thời giáo dục học sinh theo chương trình 11 năm. Và một trong những đặc điểm rất quan trọng của ngôi trường này là giáo dục tiếng Anh chiếm tỷ trọng cao vì mục tiêu chính là tiến ra đấu trường quốc tế.

 

Bất kỳ người dân trên bán đảo Hàn Quốc nào có lẽ cũng đều đã nghe qua cái tên Trận giao hữu bóng đá Gyeong-Pyong. Đây là một trận giao hữu giữa các đội bóng đá đại diện cho Gyeongseong (tên cũ của Seoul) và Bình Nhưỡng, hai thành phố lớn nhất của Joseon trong thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản. Trong trận giao hữu đầu tiên vào tháng 10/1929, đội Bình Nhưỡng đã giành chiến thắng 2-1 trước đội Gyeongseong. Từ năm 1933, các trận giao hữu khốc liệt này đã được nâng cấp trở thành một giải đấu, tuy nhiên lại bị đình chỉ bởi chính quyền đô hộ Nhật Bản. Sau giải đấu cuối cùng vào năm 1946, cũng là khi bán đảo Hàn Quốc được giải phóng, đất nước chia thành hai miền Nam-Bắc, đặt dấu chấm hết cho giải đấu này. Tuy nhiên, vào năm 1990, Giải bóng đá thống nhất liên Triều được tổ chức, trở thành cơ hội giao lưu cho bóng đá hai miền.

 

Những năm 1990, hai miền Nam-Bắc đã tổ chức Giải vô địch bóng đá thống nhất và các trận giao hữu cho người lao động ở Bình Nhưỡng và Seoul. Đến những năm 2000, hai bên tiếp tục tổ chức Giải bóng đá thống nhất liên Triều và các trận bóng giao hữu cho đối tượng tham gia là người lao động. Năm 2015 và 2018, Giải bóng đá người lao động liên Triều lần lượt được tổ chức tại Bình Nhưỡng và Seoul. Tuy nhiên, đối tượng tham gia của các giải đá bóng dành cho người lao động không phải là tầng lớp cầu thủ tinh hoa mà là người dân giao lưu bóng đá ở mức độ thể thao hàng ngày. Dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, Bắc Triều Tiên mở các cuộc thi thể thao đại chúng mới và tiếp tục tổ chức cho đến ngày nay, chẳng hạn như Hội thi thể thao đại chúng cấp tỉnh. Nếu hai miền Nam-Bắc có thể tổ chức một sự kiện cấp độ thể thao hàng ngày như vậy cho người dân thì sẽ có thể cải thiện phần nào sự giao lưu và hòa hợp dân tộc.

 

Theo các phương tiện truyền thông Bắc Triều Tiên, Nhà nước miền Bắc đang ngày càng quan tâm và hỗ trợ đối với “môn thể thao vua” là bóng đá. Các chuyên gia cho rằng trong bóng đá thì việc nắm bắt xu hướng của thế giới cũng quan trọng không kém kỹ năng cá nhân. Bắc Triều Tiên đã không tham gia các giải đấu quốc tế kể từ sau đại dịch COVID-19, để bóng đá nước nhà phát triển, miền Bắc cần có sự hỗ trợ và giao lưu tích cực với cộng đồng quốc tế.

Lựa chọn của ban biên tập