Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Joseonot, trang phục truyền thống Hanbok tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-01-18

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Tháng 12 vừa qua, bức ảnh ngôi sao trượt băng nghệ thuật nổi tiếng thế giới Kim Yu-na mặc trang phục Hanbok đã xuất hiện trên màn hình điện tử của Quảng trường Thời đại giữa thành phố New York (Mỹ), thu hút sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới. Gần đây, cùng với làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu, trang phục truyền thống của Hàn Quốc là Hanbok cũng trở nên nổi tiếng toàn cầu. Cách đây không lâu, từ "Hanbok" đã được thêm vào Từ điển tiếng Anh Oxford dành cho người học tiếng Anh với định nghĩa là trang phục truyền thống của Hàn Quốc, bao gồm áo khoác dài tay và váy dài rộng của nữ hoặc quần ống rộng cho nam. Vượt ra khỏi khái niệm quần áo, Hanbok hiện còn xuất hiện trong nhiều nội dung đa phương tiện đại diện cho Hàn Quốc. Tại Bắc Triều Tiên, Hanbok được gọi là Joseonot. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về trang phục truyền thống Joseonot tại miền Bắc cùng giáo sư Jeon Young-sun từ Nhóm nghiên cứu nhân văn học thống nhất thuộc Đại học Konkuk.

 

Gần đây, trang phục Hanbok đã thu hút được sự chú ý ở nước ngoài thông qua các bộ phim truyền hình Hàn Quốc và các ngôi sao K-pop. Video nhóm nhạc Đoàn thiếu niên chống đạn (BTS) biểu diễn bài hát "Idol" trước sảnh Geunjeongjeon (Cần Chính điện) ở cung Gyeongbok (Cảnh Phúc) đã được chiếu trên chương trình "The Tonight Show Starring Jimmy Fallon" của Đài NBC (Mỹ), thu hút sự quan tâm lớn đến trang phục lấy cảm hứng từ Hanbok của nhóm vào thời điểm đó. Ngoài ra, Hanbok được cách tân trở thành trang phục biểu diễn trên sân khấu của các idol K-pop có nhiều fan nước ngoài như Blackpink, Stray Kids cũng thu hút sự chú ý của người hâm mộ trên toàn thế giới. Về phía Bắc Triều Tiên, đoàn nghệ thuật Samjiyon trong chuyến thăm Hàn Quốc nhân dịp Thế vận hội mùa đông Pyeongchang vào tháng 2/2018 cũng đã diện một bộ Hanbok tinh xảo cùng chiếc váy hoa màu hồng trong phần trình diễn hát bài "Rất vui được gặp bạn!". Tuy nhiên, trang phục Hanbok của ca sĩ Hàn Quốc và Joseonot của đoàn nghệ thuật miền Bắc có một số điểm khác biệt.

 

Sự khác biệt về văn hóa giữa hai miền Nam-Bắc cũng được thể hiện qua trang phục truyền thống của hai nước. Cụ thể, Hanbok đang có xu hướng giữ nguyên hình thái ban đầu tại Bắc Triều Tiên nhưng được cải tiến hoặc cách tân thời trang tại Hàn Quốc. Gần đây, Hàn Quốc còn gắn thêm một số họa tiết để biến Hanbok thành trang phục sân khấu hiện đại. Theo đó, trang phục Hanbok của miền Nam đang tiến dần tới xu hướng hiện đại hóa nhưng vẫn làm nổi bật một số đặc điểm riêng của Hàn Quốc, còn trang phục của đoàn nghệ thuật Bắc Triều Tiên thì thể hiện tính truyền thống nhiều hơn.

 

Gần đây, trang phục Hanbok đã trở thành một món đồ thời trang mới. Không chỉ người nổi tiếng mà cả những người bình thường cũng đăng tải ảnh selfie mặc Hanbok lên mạng xã hội. Gần các địa điểm tham quan như cung điện còn cung cấp dịch vụ cho thuê Hanbok, nhiều người nước ngoài cũng mặc Hanbok khi tham quan cung điện tại Hàn Quốc. Nhiều người Hàn Quốc còn chuẩn bị Hanbok cho kỳ Tết Nguyên đán. Tại Bắc Triều Tiên, nhiều người dân cũng mặc Hanbok vào những ngày lễ, Tết. Một quản lý cửa hàng bán Joseonot tại Bình Nhưỡng cho biết nhiều khách hàng miền Bắc tìm mua các loại Joseonot tươi sáng và sặc sỡ vì người dân tộc Hàn từ xa xưa đã có phong tục mặc quần áo sạch sẽ để hành lễ chào những người bề trên trong gia đình vào dịp năm mới. Trong các chương trình phát sóng hay các sự kiện tại Bắc Triều Tiên, hầu hết khách tham dự đều mặc Hanbok. Các phát thanh viên cũng mặc Hanbok khi lên sóng truyền hình, mặc dù gần đây truyền thống này cũng đã có nhiều thay đổi. Phát thanh viên Ri Chun-hee của miền Bắc là một phát thanh viên Bắc Triều Tiên được nhiều người dân Hàn Quốc biết đến, người được truyền thông nước ngoài đặt cho biệt danh là "Pink Lady" vì thường xuyên mặc áo Jeogori màu hồng có họa tiết hoa khi lên sóng. Cảnh đoàn nghệ thuật của Hàn Quốc đến thăm Nhà hàng Okryugwan nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 cũng từng được phát sóng. Ngày 20/12 vừa qua, một chương trình của Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) đã dành lời khen có cánh cho trang phục truyền thống của những người làm tình nguyện tại nhà hàng này. Nhân viên tại Nhà hàng Okryugwan cũng mặc Hanbok. Trong khi người dân Hàn Quốc thường mặc Hanbok cho các ngày lễ hoặc sự kiện đặc biệt, người dân Bắc Triều Tiên lại mặc trang phục này trong cuộc sống hàng ngày.

 

Tất cả các dân tộc trên thế giới đều có một đặc điểm chung, đó là sử dụng trang phục truyền thống làm lễ phục đặc biệt cho các ngày lễ. Tại Bắc Triều Tiên, người dân mặc Hanbok và nhảy múa vào các ngày lễ như Tết Nguyên đán, Tết Thái Dương và Tết Ngôi sao tỏa sáng. Tại miền Bắc, áo jeogori trắng và váy đen là đồng phục của nữ sinh đại học và cũng là đồng phục cho dàn đồng ca của nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật.

 

Từ điển tiếng Bắc Triều Tiên định nghĩa Joseonot là "loại trang phục dân tộc độc đáo của dân tộc Triều Tiên". Truyền thông nước này cũng thường đưa tin về sự ưu việt của Hanbok. Một nghệ sĩ đạt danh hiệu “nghệ sĩ cống hiến” của Đại học Mỹ thuật tổng hợp Bình Nhưỡng cho biết biểu tượng của Joseonot là váy và áo jeogori. Người này cũng cho rằng đây là một trang phục đẹp và thanh lịch, vốn chiếm một vị trí đặc biệt trong số những di sản văn hóa tuyệt vời do tổ tiên tạo ra, đồng thời nhấn mạnh rằng váy và áo jeogori rất thanh lịch và nhiều màu sắc, không chỉ đẹp mà còn là biểu tượng của dân tộc với các nước trên thế giới.

 

Đặc biệt, gần đây Bắc Triều Tiên đang sử dụng cụm từ "kỷ nguyên của chủ nghĩa đất nước đệ nhất". Chủ nghĩa này đòi hỏi người dân phải trực tiếp bày tỏ tình yêu đối với đất nước. Một trong những tài sản văn hóa quốc gia nổi bật nhất theo chính quyền miền Bắc chính là trang phục Joseonot, vì vậy người dân nên thường xuyên mặc trang phục này để thể hiện tình yêu nước và làm nổi bật tính biểu tượng của dân tộc.

 

Truyền thông Bắc Triều Tiên đang khuyến khích người dân mặc Hanbok với các chính sách cấp quốc gia, chẳng hạn như giới thiệu các của hàng Hanbok nổi tiếng. Chính sách khuyến khích Hanbok này bắt đầu từ khoảng năm 1990.

 

Chính sách về ăn mặc của Bắc Triều Tiên tập trung vào việc kết hợp văn hóa dân tộc và văn hóa xã hội chủ nghĩa. Cho đến những năm 1960 và 1970, dưới chính sách khuyến khích sản xuất mang tên “Thiên lý mã”, phụ nữ miền Bắc được khuyến khích mặc váy ngắn vì có thể hoạt động dễ dàng và tiết kiệm vải. Tuy nhiên, từ những năm 1980, người dân được khuyên mặc quần áo sáng màu nhiều hơn. Vào cuối những năm 1980, với sự xuất hiện của “chủ nghĩa dân tộc Triều Tiên đệ nhất”, nước này bắt đầu nhấn mạnh Joseonot chính là một trong những đặc điểm văn hóa thể hiện đặc tính dân tộc. Từ thời cố Chủ tịch Kim Jong-il, miền Bắc đã đưa ra nhiều chính sách về lĩnh vực thiết kế, trong đó có thiết kế Joseonot. Nước này cũng thành lập nhiều cửa hàng chuyên về loại trang phục này để cung cấp cho người dân.

 

Bắc Triều Tiên đã thành lập Hiệp hội Joseonot và tổ chức Triển lãm Joseonot hàng năm kể từ năm 2003. Nhiều đoàn thể trong lĩnh vực Hanbok sẽ tham gia sự kiện này, ngoài triển lãm còn có các hoạt động như bài giảng, truyền đạt kỹ năng, thảo luận, thi và trao giải với mục đích thúc đẩy ngành công nghiệp Hanbok. Năm 2012, ngay sau khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un nhậm chức, miền Bắc đã công nhận trang phục Joseonot là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Bắc Triều Tiên quan tâm đến các di sản vật thể như lăng mộ và pháo đài, còn di sản phi vật thể chủ yếu được truyền lại trong lĩnh vực khoa học xã hội và khảo cổ học. Kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2012, miền Bắc đã nhấn mạnh đến các di sản phi vật thể, công nhận nhiều di sản phi vật thể cấp quốc gia và tích cực thúc đẩy để đăng ký các di sản này vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của Tổ chức giáo dục khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Trang phục Joseonot cũng là một trong số đó. Bắc Triều Tiên phát hành nhiều bài báo về sự ưu việt của Joseonot trên cơ quan ngôn luận của đảng Lao động là báo Lao động, đồng thời đưa loại trang phục này vào các chương trình phát sóng để quảng bá về di sản văn hóa của dân tộc.

 

Chủ tịch Kim Jong-un tuy đã kế thừa chính sách quảng bá trang phục Hanbok từ những người tiền nhiệm nhưng lại tái hiện “truyền thống Joseonot” của dân tộc theo một cách khác. Một nhà nghiên cứu tại Bảo tàng dân gian Bắc Triều Tiên cho biết Triển lãm quốc phục năm 2013 của nước này trưng bày các trang phục được chia thành các trang phục được phản ánh trong các bức bích họa thời Goguryeo (năm 37 trước Công nguyên–668), tiếp theo là trang phục dân tộc từ triều đại Goryeo (thế kỷ X-XIV) và triều đại Joseon (1392-1897). Sự kiện này đã giới thiệu khoảng 100 bộ trang phục dân tộc được sản xuất sau khi chứng thực lịch sử rõ ràng. Ngoài ra, "Triển lãm trang phục dân tộc Bắc Triều Tiên" được tổ chức vào năm 2014 là sự kiện đầu tiên trưng bày cả trang phục nam cùng với trang phục nữ, thu hút nhiều sự chú ý. Sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, lĩnh vực Hanbok ngày càng mở rộng khi các loại Hanbok cho đàn ông, quý tộc triều đại Joseon, trang phục triều đình và các phụ kiện sặc sỡ từng bị giản lược nay lại có thể xuất hiện trong các triển lãm và ấn phẩm.

 

Thông thường, khi nhắc đến văn hóa truyền thống, người dân Hàn Quốc thường nghĩ đến những di sản văn hóa từ triều đại Joseon (thế kỷ XIV đến XIX). Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên lại đặt trọng tâm truyền thống lịch sử vào các triều đại Gojoseon (năm 2.333 trước Công Nguyên) và Goguryeo (thế kỷ thứ I trước Công nguyên-năm 668) và Goryeo (thế kỷ X-XIV), đặc biệt lĩnh vực di sản văn hóa lấy Goguryeo làm trung tâm. Vì vậy, khi khôi phục lại kiến trúc cũ, nước này sẽ làm theo hình thức kiến trúc của triều đại Goguryeo. Trong khi đó, trang phục truyền thống của triều đại Joseon lại có một chút khác biệt so với trang phục xuất hiện trên các bức bích họa tại các ngôi mộ từ thời Goguryeo. Mặc dù vậy, những bộ trang phục ra mắt gần đây đều là Hanbok nguyên bản từ triều đại Joseon. Bắc Triều Tiên giải thích lý do cho việc này là vì nhiều thứ từ triều đại Goguryeo đã được hoàn thiện vào triều đại Joseon, trong đó Hanbok cho nam giới đặc biệt thu hút được nhiều sự chú ý. Miền Bắc giới thiệu loại Hanbok này trong buổi triển lãm quốc phục với hình mẫu đầu tiên là tướng quân Yi Sun-shin. Theo cách này, Bắc Triều Tiên đã xem xét lại quan điểm lịch sử nhìn nhận triều đại Joseon một cách tiêu cực và giải thích rằng truyền thống văn hóa đã được hoàn thiện tại triều đại này.

 

Trên thực tế, rất hiếm khi đàn ông Bắc Triều Tiên mặc Hanbok. Tuy nhiên, kể từ năm 2015, hình ảnh những người đàn ông mặc quần dài và áo jeogori đã xuất hiện tại nhiều sự kiện khác nhau. Các bức ảnh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành mặc Hanbok cũng được tung ra trên mạng xã hội để quảng bá cho miền Bắc. Chính sách văn hóa dân tộc được chính quyền Kim Jong-un nhấn mạnh cũng gắn liền với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa sử dụng văn hóa truyền thống. Việc nhấn mạnh vào Joseonot cũng liên quan đến việc thương mại hóa và công nghiệp hóa Hanbok. Đồng thời, nhiều chính sách khác nhau đang được thúc đẩy để nâng cao chuyên môn sản xuất và hiện đại hóa Hanbok tại nước này.

 

Dưới thời ông Kim Jong-un, người dân Bắc Triều Tiên thường xuyên mặc Hanbok và gần đây nước này cũng sản xuất nhiều Hanbok để xuất khẩu. Tôi tin rằng đặc điểm này sẽ tiếp tục được duy trì. Miền Bắc đã tuyên bố về “kỷ nguyên chủ nghĩa dân tộc đệ nhất” vào khoảng năm 2017, đòi hỏi nhà lãnh đạo phải thực hiện chính sách dựa trên tấm lòng yêu thương người dân và người dân phải thể hiện lòng yêu nước để đáp lại. Chính sách này được đánh giá là sẽ tiếp tục với chức năng trở thành một trong những yếu tố tạo nên sự đoàn kết nội bộ dân tộc cho miền Bắc.

 

Có thể kết luận, tại Bắc Triều Tiên, việc mặc Joseonot, tức Hanbok, không chỉ là lựa chọn cá nhân mà là nghĩa vụ bảo vệ văn hóa dân tộc trước văn hóa bên ngoài.

Lựa chọn của ban biên tập