Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Rượu tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-01-25

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS News

Theo truyền thống, người Hàn Quốc coi ngày 1/1 âm lịch là Seollal (Tết Nguyên đán), một ngày lễ để bắt đầu một năm mới. Vào buổi sáng trong ngày này, họ làm lễ cúng tổ tiên và quỳ lạy người lớn trong gia đình, ngoài ra còn nấu và ăn canh bánh gạo vào ngày đầu năm tượng trưng cho việc nhiều thêm một tuổi. Bắc Triều Tiên cũng có phong tục Tết Nguyên đán tương tự Hàn Quốc. Người dân nước này gọi ngày đầu năm mới là Sulnal (ngày uống rượu) vì họ uống nhiều rượu khi hành lễ với người lớn và trao cho nhau lời chúc năm mới. Hôm nay, chúng ta cùng giáo sư Jeon Young-sun từ Nhóm nghiên cứu nhân văn học thống nhất thuộc Đại học Konkuk tìm hiểu về rượu tại miền Bắc.

 

Bắc Triều Tiên đã từng cấm Tết Nguyên đán vì cho rằng đó là tàn dư của chế độ phong kiến, nhưng sau đó đã công nhận đây là một ngày lễ quốc gia vào năm 1989 và chỉ định ba ngày nghỉ lễ cho Tết Nguyên đán từ năm 2003. Là một vùng có khí hậu lạnh, người dân miền Bắc uống nhiều rượu, đặc biệt là rượu mạnh, trong Tết Nguyên đán đến mức gọi ngày lễ này là “ngày uống rượu”.

 

Người Bắc Triều Tiên uống rất nhiều rượu vì có nghi thức uống rượu đầu năm âm lịch để cầu sức khỏe và may mắn, gọi là Eumbokju (Ẩm Phúc Tửu). Đặc biệt, rượu miền Bắc có nồng độ cồn tương đối cao và các loại rượu khiến cho người uống có cảm giác cay nồng đang ngày càng được yêu thích.

 

Ngày 27/4/2018, toàn thế giới đổ dồn sự chú ý đến làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nơi đánh dấu cuộc hội ngộ lịch sử đầu tiên giữa cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un cùng sự kiện nhà lãnh đạo tối cao miền Bắc bước qua đường ranh giới quân sự và đặt chân lên vùng đất miền Nam. Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo hai miền Nam-Bắc đã trao cho nhau lời hỏi thăm thân tình. Chủ tịch Kim Jong-un cũng thể hiện sự cảm động khi có thể gặp người đồng cấp tại một địa điểm mang tính lịch sử. Câu chuyện về món mỳ lạnh của ông Kim tại bữa tiệc tối sau cuộc hội ngộ này đã thu hút nhiều sự quan tâm. Chủ tịch Kim Jong-un đã mang mỳ lạnh từ Bình Nhưỡng đến mời cựu Tổng thống Moon. Vào thời điểm đó, đồ uống phía Hàn Quốc chuẩn bị là rượu Dugyeonju và rượu Munbaeju. Rượu Dugyeonju nổi tiếng là loại rượu thơm được làm từ cánh hoa đỗ quyên và gạo nếp, còn rượu Munbaeju là loại rượu lê có nguồn gốc từ tỉnh Pyongan của Bắc Triều Tiên hàng nghìn năm trước kể từ triều đại Goryeo (918-1392) và hiện nay đã trở thành một loại rượu nổi tiếng tại Hàn Quốc. Vào tháng 9 cùng năm, tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba tại Bình Nhưỡng, rượu soju Bình Nhưỡng đã xuất hiện trong bữa tối.

 

Rượu soju Bình Nhưỡng là một nhãn hiệu rượu tiêu biểu của Bắc Triều Tiên do Nhà máy thực phẩm sông Daedong (Đại Đồng) sản xuất. Nhà máy này có ba loại rượu chính là soju Bình Nhưỡng, rượu Bình Nhưỡng và rượu Koryo. Trong đó, rượu Bình Nhưỡng có nồng độ cồn cao 30-40 độ, còn rượu soju Bình Nhưỡng là loại rượu phổ biến với nồng độ cồn khoảng 25 độ. Đây là loại rượu có chất lượng nổi tiếng nên năm 2014 đã được miền Bắc trao giải "Huân chương chất lượng 15/12" cho sản phẩm xuất sắc nhất. Không những thế, rượu soju Bình Nhưỡng được bán vào thị trường Mỹ vào năm 2008 và đã thu hút nhiều sự tò mò vì là một sản phẩm đến từ Bắc Triều Tiên hơn là nhờ vào hương vị của rượu. Tuy nhiên, do thủ tục hải quan và các vấn đề thủ tục khác, việc xuất khẩu loại rượu này vào Mỹ gần như đã bị đình chỉ.

 

Ngày 9/9/2018, Viện Khoa học xã hội Bắc Triều Tiên xuất bản danh sách “Các biểu tượng quốc gia của Bắc Triều Tiên” để kỷ niệm 70 năm thành lập chính quyền miền Bắc, trong đó công nhận rượu soju Bình Nhưỡng là quốc tửu của nước này. Dự án nghiên cứu rượu đã được thực hiện theo chủ trương của cố Chủ tịch Kim Jong-il về việc Bắc Triều Tiên cần có một loại rượu đại diện cho đất nước. Sau khi Chủ tịch Kim lên nắm quyền, rượu soju Bình Nhưỡng đã được công nhận là quốc tửu vì “là loại rượu ngon nhất và được mọi người yêu thích". Trên bao bì sản phẩm còn có con dấu "rượu ngon Bắc Triều Tiên" để chứng nhận đây là quốc tửu đại diện cho miền Bắc.

 

Mỗi biểu tượng quốc gia của Bắc Triều Tiên đều có một giai thoại liên quan đến nhà lãnh đạo. Loại rượu đại diện cho quốc gia phải là thức uống chất lượng mà mọi người đều có thể thưởng thức thay vì là một sản phẩm chỉ dành cho một tầng lớp đặc biệt vì đắt tiền hoặc sang trọng. Đây chính là tình yêu đối với nhân dân của nhà lãnh đạo. Bề ngoài thì thể hiện lòng yêu nước nhưng trong nhiều trường hợp các biểu tượng quốc gia được chọn đều có lý do liên quan đến kinh tế. Bắc Triều Tiên sử dụng chính sách “tự lực cánh sinh” làm lập trường quốc gia và ngăn chặn các sản phẩm bên ngoài. Nhà nước cung cấp sản phẩm và khuyến khích người dân dùng sản phẩm nội địa và thậm chí xuất khẩu các sản phẩm này ra nước ngoài. Tuy nhiên về rượu thì miền Bắc lại có rất ít loại rượu nổi tiếng. Vì rượu soju Bình Nhưỡng đã được phổ biến ở Mỹ trong một thời gian, việc công nhận sản phẩm này với một danh hiệu như “quốc tửu” có thể là một chiến lược thu hút nhiều sự tò mò hoặc quan tâm.

 

Mỗi quốc gia đều có loại rượu truyền thống riêng và công nhận loại rượu này là di sản văn hóa quốc gia. Hàn Quốc cũng công nhận rượu Munbaeju, rượu Dugyeonju của huyện Myeoncheon, thành phố Dangjin, tỉnh Nam Chungcheong và rượu Gyeongju Gyodongbeopju của thành phố Gyeongju, tỉnh Bắc Gyeongsang là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để bảo tồn. Bắc Triều Tiên cũng công nhận kỹ thuật ủ các loại rượu như rượu Gamhongro, rượu Dangun, rượu Baekhwa, rượu Ogapi, rượu Leegangju và rượu gạo Makgeolli là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Hàn Quốc công nhận ba loại rượu Munbaeju, rượu Leegangju và rượu Gyeongju Gyodongbeopju của thành phố Gyeongju, tỉnh Bắc Gyeongsang là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lấy tiêu chuẩn là ba loại rượu có truyền thống lâu đời và đã được tinh chỉnh để hoàn thiện. Khác với Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể là những thứ được người dân bình thường yêu thích. Rượu gạo Makgeolli, một loại rượu lên men ở giai đoạn trước khi trở thành rượu tinh khiết, là một trong số đó. Miền Bắc tập trung chính sách vào loại rượu này hơn vì đây là loại rượu được người dân thưởng thức nhiều trong cuộc sống hàng ngày.

 

Truyền thông Bắc Triều Tiên gần đây đã giới thiệu về một quán Makgeolli ở thành phố Samjiyon, tỉnh Ryanggang. Mặc dù rượu Teuljjuk của núi Baekdu (Bạch Đầu) mới là thức uống nổi tiếng tại đây, càng ngày càng có nhiều người đến uống rượu gạo Makgeolli sau khi quán Makgeolli đầu tiên được mở cửa tại thành phố Samjiyon vào năm 2019. Rượu gạo Makgeolli, hay còn được gọi là gamju, đang trở nên nổi tiếng không chỉ ở vùng Samjiyon mà còn trên khắp miền Bắc.

 

Gần đây, Bắc Triều Tiên thường tổ chức các cuộc thi Makgeolli hay cuộc thi Gamju để chọn ra những quán Makgeolli ngon nhất mỗi năm. Trong quá khứ, miền Bắc đã gặp một số vấn đề kỹ thuật trong quá trình bảo quản và phân phối rượu gạo Makgeolli, đặc biệt là cách duy trì độ tươi ngon của rượu trong quá trình phân phối. Vì vậy, nước này đã để cho từng khu vực và nhà hàng tự ủ ra loại rượu gạo Makgeolli riêng. Do đó, tại Bắc Triều Tiên hiện nay có hai loại rượu gạo Makgeolli nổi tiếng là Makgeolli của Nhà hàng Moonsu và Rakbaek Makgeolli. Thứ hạng của rượu gạo Makgeolli trong cuộc thi cũng có ảnh hưởng đến doanh thu của nhà hàng, nên các nhà hàng đều nỗ lực tạo ra hương vị và mùi thơm truyền thống cho món rượu của mình. Rakbaek Makgeolli là một loại rượu gạo Makgeolli do Trung tâm thương mại Nakwon sản xuất. Ngoài các sản phẩm Makgeolli làm từ gạo trắng, ngô và nếp cẩm, nơi đây cũng đang phát triển nhiều loại rượu gạo Makgeolli đa dạng.

 

Truyền thông Bắc Triều Tiên giới thiệu rượu gạo Makgeolli có tác dụng phòng và chữa các bệnh như viêm dạ dày mãn tính, khó tiêu, xơ cứng động mạch, viêm khớp mãn tính, đồng thời có tác dụng làm đẹp. Khoa học đã chứng minh rằng quá trình làm rượu gạo Makgeolli tạo ra axit linolenic, một loại axit béo không bão hòa thiết yếu có tác dụng ức chế bệnh tiểu đường, ung thư, lão hóa và các bệnh truyền nhiễm khác nhau. Trên thực tế, miền Bắc thường nhấn mạnh đến công dụng tốt cho sức khỏe cũng như hương vị và mùi thơm của rượu.

 

Tháng 6/2000, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên được tổ chức tại Bình Nhưỡng kể từ khi hai miền Nam-Bắc bị chia cắt. Cảnh tượng cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đặt chân lên Bình Nhưỡng lúc đó đã được đưa tin trên khắp thế giới. Truyền thông Bắc Triều Tiên cũng đưa tin về sự kiện này trên diện rộng. Vì đây là Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên kể từ khi hai miền bị chia cắt nên lịch trình của sự kiện đã thu hút được nhiều sự quan tâm, trong đó không thể không kể đến rượu Teuljjuk, món nâng ly trong bữa tiệc tối dành cho các gia đình bị ly tán. Rượu Teuljjuk được làm bằng Teuljjuk, một loại quả việt quất chỉ mọc ở núi Baekdu.

 

Teuljjuk là một loại cây phát triển tốt ở những vùng có độ cao từ 800 đến 2.200 mét so với mực nước biển. Rượu Teuljjuk là một loại rượu làm từ quả của cây Teuljjuk, một loại việt quất mọc tự nhiên ở vùng núi cao của dãy Baekdu, được biết đến là một loại quả mọng nhưng cho ra sản lượng ít và khó thu hoạch. Tuy nhiên, dưới thời cố Chủ tịch Kim Jong-il, Bắc Triều Tiên đã nghiên cứu ra cách làm rượu từ loại quả này và loại rượu này đã trở nên nổi tiếng nhờ xuất hiện trong các cuộc đàm phán liên Triều. Miền Bắc quảng bá rằng rượu Teuljjuk chứa polyphenol, có khả năng làm tăng thị lực, làm sạch máu, khiến cho đàn ông tràn đầy sinh lực còn phụ nữ thì xinh đẹp như tiên. Loại rượu Teuljjuk nổi tiếng nhất là là rượu Teuljjuk 40 độ do Nhà máy chế biến Teuljjuk Hyesan sản xuất. Do sản lượng của loại quả này không nhiều nên loại rượu này thường chỉ được uống vào những ngày đặc biệt như ngày lễ hoặc dành cho những người có quyền lực hoặc điều kiện kinh tế.

 

Ngoài rượu Teuljjuk, một loại rượu tiêu biểu của Bắc Triều Tiên được giới thiệu trong bữa tối đoàn tụ cho các gia đình ly tán, Bắc Triều Tiên còn có một thức uống tiêu biểu khác là bia Taedonggang (sông Đại Đồng). Việc sản xuất quảng cáo thương mại cho sản phẩm bia này là một động thái chưa từng thấy trước đây tại Bắc Triều Tiên. Sau chuyến công du tại Nga vào năm 2001, cố Chủ tịch Kim Jong-il đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc khi đến thăm quan một nhà máy bia. Miền Bắc đã mua lại một nhà máy bia đã đóng cửa của Anh vào năm 2000 và đưa toàn bộ cơ sở này về nước để sản xuất bia Taedonggang. Năm 2016, nước này cũng tổ chức Lễ hội bia Taedonggang.

 

Bia Taedonggang là một trong những sản phẩm được xuất khẩu nhiều nhất của Bắc Triều Tiên. Sản phẩm này có hương vị khá ngon và được bán với giá khá cao ở nước ngoài. Bia Taedonggang được chia làm 7 loại tùy thuộc vào tỷ lệ cồn. Loại nổi tiếng nhất là bia số hai, chứa khoảng 15% cồn. Miền Bắc cũng đang phát triển các loại bia vị cacao hoặc cà phê. Có thông tin cho biết người dân Bắc Triều Tiên cũng có thể thưởng thức bia tươi vì có nhiều cửa hàng bia Taedonggang và các quán bia mọc lên tại đây. Tuy được quảng bá là để thể hiện tình yêu thương người dân của nhà lãnh đạo, về mặt kinh tế, đây là động thái được miền Bắc thực hiện nhằm thúc đẩy việc phân phối bia Taedonggang và nâng cao sinh khí cho người dân.

 

Trên bàn rượu, người dân Bắc Triều Tiên thường nói những lời khi cụng ly như "Cụng ly nào" và "Cùng xong việc nào". Hi vọng vào một ngày không xa, người dân hai miền Nam-Bắc có thể cùng nhau cạn ly trong một không khí vui vẻ.

Lựa chọn của ban biên tập