Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Buổi dã ngoại của trường học tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-04-19

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Khi tháng 4 đến với làn gió xuân thổi nhẹ và cả ngọn núi bắt đầu chuyển sang màu xanh dịu, đó là dấu hiệu bắt đầu cho một mùa dã ngoại du xuân. Các chuyến dã ngoại của trường học được cho là những dịp đặc biệt để học sinh được đến những nơi ngoài trường học cùng bạn bè, còn gọi là “chuyến học tập trải nghiệm thực tế”. Học sinh Bắc Triều Tiên cũng không phải ngoại lệ. Vào thời điểm này trong năm chính là lúc các trường học ở miền Bắc đang tất bật chuẩn bị cho các buổi dã ngoại. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về buổi dã ngoại tại miền Bắc cùng giáo sư Jeong Eun-chan đến từ Viện Giáo dục thống nhất quốc gia thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc.

 

Ở miền Bắc, dã ngoại còn được gọi là "Wonjok" (Viễn túc), có nghĩa là “đi dạo chơi xa rồi trở về”, hoặc "leo núi", "chơi ngoài trời", là hoạt động diễn ra vào mùa xuân và mùa thu khiến học sinh vô cùng phấn khích chờ đợi.

 

Cũng như học sinh Hàn Quốc, học sinh Bắc Triều Tiên cũng vô cùng háo hức và mong chờ đến ngày dã ngoại, hay miền Bắc gọi là "leo núi". Các em học sinh phấn khích khi nghĩ về việc sẽ chia sẻ các món ăn nào với bạn bè và nhận được quà gì khi chơi trò truy tìm kho báu. Khi tôi còn nhỏ, tuy rất thích việc chia sẻ thức ăn ngon với các bạn, nhưng việc lớp nào tìm được nhiều kho báu hơn trong trò truy tìm kho báu mới là thứ khiến chúng tôi cạnh tranh nhau. Vì vậy, điều làm học sinh hào hứng chính là làm sao để lớp của mình giành được chiến thắng.

 

Hiến pháp xã hội chủ nghĩa của Bắc Triều Tiên quy định "công dân có quyền tự do du lịch", nhưng thực tế là quyền tự do đi lại bị hạn chế dưới sự quản lý của Nhà nước. Vì vậy, dã ngoại là dịp học sinh miền Bắc rất mong chờ vì có thể tạm thời thoát khỏi cuộc sống hàng ngày. Được biết địa điểm dã ngoại của Bắc Triều Tiên khác nhau theo từng vùng. Học sinh sống ở các thành phố lớn thường đến những địa danh ở Bình Nhưỡng như Công viên giải trí nhân dân Rungra, nơi các gia đình thường lui tới, và đỉnh núi Moranbong, nơi có nhiều di tích lịch sử. Tuy nhiên, học sinh sống ở các địa phương “tỉnh lẻ” thì lại khác.

 

Học sinh tại các địa phương nhỏ thường sẽ đi dã ngoại trên núi, nhưng ngọn núi không nên có độ dốc cao. Vì vậy, các giáo viên cần đi thị sát trước khi đưa các em học sinh lên núi. Ngọn núi cần có một vùng đất bằng phẳng để chơi trò chơi và đủ chỗ cho tất cả học sinh trong trường. Đó là lý do các trường phải cạnh tranh với nhau. Vì vậy, mỗi trường sẽ ấn định hoặc được chỉ định địa điểm trước và sẽ đi dã ngoại vào các ngày khác nhau.

 

Các trường học tại địa phương thường đi dã ngoại tại những ngọn đồi gần đó. Tuy nhiên, sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa và thiên tai vào những năm 1990 đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, thiếu năng lượng và khó khăn kinh tế, khiến người dân phải khai hoang núi để làm đất canh tác và khai thác gỗ làm nhiên liệu. Kết quả là rừng bị tàn phá, số lượng địa điểm dã ngoại cũng ngày càng giảm. Vì vậy, để có được một địa điểm tốt, các trường thậm chí còn cử các đội tiên phong gồm các học sinh nam của các lớp lớn đi khảo sát thực địa trước.

 

Cạnh tranh là thế nhưng ngày dã ngoại luôn là dịp để các em học sinh Bắc Triều Tiên vui chơi vui vẻ vì có các cuộc thi thể thao. Kéo co là môn thể thao thường được chơi trong buổi dã ngoại. Ngoài kéo co, buổi dã ngoại còn có các trò chơi khác như cõng giáo viên chạy thi, hay trò luồn con lắc vào một đoạn dây ngắn và cố định vào chai nước rồi chạy vòng lại điểm xuất phát. Tuy nhiên, trò nổi bật nhất vẫn là truy tìm kho báu.

 

Truy tìm kho báu có thể được coi là điểm nổi bật của buổi dã ngoại. Học sinh sẽ tìm các tờ ghi chú được giấu trong vỏ cây hoặc đám cỏ dưới gốc cây rồi làm theo yêu cầu trong mảnh giấy để nhận được quà, chẳng hạn như đưa một người hay một loài hoa đến chỗ nào đó. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế mà một số buổi dã ngoại gần đây chỉ để học sinh tìm mảnh giấy chứ không trao quà.

 

Tương tự như Bắc Triều Tiên, trong quá khứ, học sinh Hàn Quốc cũng rất thích trò săn kho báu trong các buổi dã ngoại. Học sinh miền Bắc tìm các mảnh giấy được giấu trong khe đá, cành cây. Nếu em nào hô lên "Tìm thấy rồi", tiếng reo mừng của đội chiến thắng và tiếng thở dài của những đứa trẻ không tìm thấy kho báu sẽ cùng vang lên. Sau một hồi chăm chỉ tham gia các trò thể thao, các học sinh sẽ bắt đầu đói và được ăn trưa.

 

Niềm vui khi chia sẻ với bạn bè những món ăn trong hộp cơm trưa mà bố mẹ đã chuẩn bị chính là một điểm thu hút của buổi dã ngoại. Đồ ăn mang theo cũng tùy vào mức sống của mỗi học sinh. Có em mang theo cả mấy kg bánh gạo Tteok để chia cho các bạn, có em lại chỉ mang cơm trắng hoặc cơm trộn ngô. Đồ ăn kèm cũng vậy, có em mang trứng, một thức ăn quý tại miền Bắc, hoặc thịt. Em nào khó khăn lại chỉ gói khoai tây mang đi. Cũng có trường hợp đau lòng khi em học sinh mang ngô trắng đi nhưng lại nói dối là cơm và bị các bạn trêu trọc.

 

Trong ngày dã ngoại tại Bắc Triều Tiên, giờ ăn trưa là thời gian vui nhất nhưng cũng là lúc bộc lộ sự khác biệt về mức sống. Những đứa trẻ từ gia đình khá giả mang theo một hộp cơm với trứng luộc hoặc thịt ăn kèm. Có em còn mang theo bánh gạo Tteok. Vì gạo rất quý ở Bắc Triều Tiên nên những em này được coi là khá giả. Món cơm cuộn lá kim Kimbap, vốn thường được các học sinh Hàn Quốc mang đi dã ngoại, cũng là một món ăn thể hiện sự giàu có tại miền Bắc. Trở lại những năm 1990, kimbap là món ăn cao cấp mà những kiều bào từ Nhật Bản trở lại Bắc Triều Tiên thường mang theo trong các hộp cơm trưa. Vì vậy, chỉ những đứa trẻ khá giả mới có thể có món Kimbap quý giá trong hộp cơm. Ngược lại, những đứa trẻ nghèo mang cơm độn ngô hoặc khoai. Từ đó, có thể thấy được khả năng tài chính của học sinh trong những hộp cơm mà các em đem cho giáo viên.

 

Có trường hợp các gia đình khá giả còn gói cơm hộp có hoa quả và đồ tráng miệng cho thầy cô. Dù gia đình có khó khăn nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn cố gắng bày tỏ tấm lòng với giáo viên. Vì vậy, các thầy cô có thể nhận được nhiều hộp cơm, nhưng cũng có những em vì khó khăn nên không chuẩn bị hộp cơm cho giáo viên. Chỉ cần nhìn vào hộp cơm của giáo viên là có thể biết mức sống của học sinh. Một số giáo viên vẫn cố tình ăn phần cơm của học sinh khó khăn trước vì cảm động tấm lòng chân thành của bố mẹ em.

 

Người dân Bắc Triều Tiên coi việc chuẩn bị cơm hộp cho giáo viên chủ nhiệm là một nét văn hóa thể hiện tình cảm. Học sinh sẽ đưa hộp cơm mà bố mẹ chuẩn bị cho giáo viên trước khi ăn phần của mình. Gần đây, cùng với sự phát triển của chợ tư nhân, các bậc phụ huynh đều cố gắng chuẩn bị những hộp cơm ngon trong ngày dã ngoại. Sau khi ăn xong hộp cơm với nhiều sự buồn vui thì các lớp sẽ bắt đầu phần thi tài năng.

 

Sau bữa trưa, học sinh miền Bắc tham gia phần thi tài năng chẳng hạn như ca hát, hùng biện, nhảy múa, chơi nhạc cụ hoặc ngâm thơ. Cũng có nhiều học sinh yêu thích K-pop, nhưng các em này sẽ gặp rắc rối lớn nếu dám hát K-pop công khai. Thay vào đó, các em học sinh thường hát những bài hát “thần tượng hóa” các vị lãnh tụ đã học ở trường. Thi tài năng và thi thể thao đổi lịch cho nhau và diễn ra vào buổi sáng hoặc buổi chiều.

 

Học sinh Hàn Quốc có thể thể hiện tài năng bằng cách biểu diễn các bài hát và điệu nhảy nổi tiếng hoặc diễn các vở kịch hài trong buổi dã ngoại với trường. Tương tự, học sinh ở Bắc Triều Tiên cũng rất háo hức thể hiện tài năng của mình. Trong đó, được yêu thích nhất chính là các em giỏi hô hào cổ vũ.

 

Các học sinh Bắc Triều Tiên thường thuộc một tổ chức chính trị nhất định, chẳng hạn như Đội thiếu niên, Đoàn thanh niên. Trong đó, đứng đầu là Đội trưởng và Liên đoàn trưởng. Các em này nếu đứng ra hô hào thì sẽ được nhiều người yêu thích. Ngoài ra, trong các cuộc thi thể thao, các học sinh đứng đầu đội cổ vũ và kêu gọi mọi người vỗ tay cũng rất được yêu thích. Để dẫn dắt tốt đội cổ vũ, các em này phải có giọng hát hay và vũ đạo tốt nên cũng dễ dàng trở thành trung tâm của sự chú ý.

 

Những phần thi hát, nhảy hay những trận thi đấu thể thao giữa các đội trong các buổi dã ngoại đều sẽ trở thành những kỉ niệm khó quên với thầy và trò. Ở miền Bắc, các hoạt động ngoài trời bị hạn chế và không có nhiều nơi để người dân vui chơi. Vì vậy, buổi dã ngoại của trường học thực sự là một dịp lễ đặc biệt, vui vẻ đối với các em học sinh, khi các em được chuẩn bị nhiều món ăn ngon và được vui chơi suốt cả ngày cùng bạn bè.

Lựa chọn của ban biên tập