Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Văn hóa nuôi thú cưng tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-05-03

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Theo kết quả “Cuộc khảo sát về ý thức người dân liên quan đến vấn đề bảo vệ động vật năm 2022” do Bộ Nông lâm, công nghiệp chăn nuôi và lương thực Hàn Quốc thực hiện, cứ 4 người Hàn Quốc thì có một người nuôi thú cưng và khoảng 75% trong số này nuôi chó. Quần áo, ba lô và đồ dùng chải lông là một số vật phẩm cơ bản dành cho thú cưng. Ngày nay còn có bảo hiểm thú cưng, PetTube (kênh YouTube lấy thú cưng làm chủ đề) và thậm chí cả các chuyến du lịch cho phép người tham gia đồng hành cùng thú cưng. Ngoài ra, các chương trình và dịch vụ đa dạng kết hợp công nghệ kỹ thuật số cũng đã xuất hiện, chẳng hạn như “Meta Seoul Pet”, nơi những người tham gia có thể nhận nuôi thú cưng trong không gian ảo. Vậy Bắc Triều Tiên có văn hóa nuôi thú cưng hay không? Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về văn hóa nuôi thú cưng tại miền Bắc cùng Tiến sĩ Lee Ji-soon đến từ Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc.

 

Không có nhiều thông tin về thú cưng ở Bắc Triều Tiên được truyền ra bên ngoài, nhưng có thể thấy một bộ phận người dân nước này đã đủ khả năng nuôi dưỡng, kết nối tình cảm và coi thú cưng như gia đình. Người dân ở cả phương Tây và phương Đông đã có văn hóa nuôi thú cưng từ rất lâu trước đây. Việc những người thuộc tầng lớp thượng lưu chọn một số động vật vốn được nuôi làm gia súc để làm thú cưng đã trở thành một truyền thống lâu đời. Việc nuôi thú cưng cũng liên quan đến sự thay đổi nhận thức về xã hội và mức thu nhập trên toàn thế giới. Cùng mức thu nhập ngày càng gia tăng, nhiều hộ gia đình ở Hàn Quốc và các nước phát triển đã dần chấp nhận thú cưng như một thành viên của gia đình. Gần đây, thuật ngữ “thú cưng đồng hành” bắt đầu được sử dụng thay cho từ “thú cưng làm cảnh”.

 

Ở Bắc Triều Tiên, động vật chủ yếu được coi là gia súc, cho thấy mục đích sử dụng thực tế của chúng vẫn được ưu tiên hơn. Tuy nhiên, ý thức cho rằng động vật là những thú cưng mang lại niềm vui trong cuộc sống cho con người cũng đã bắt đầu hình thành. Một số người dân miền Bắc đã bắt đầu ý thức được thú cưng là một phần của gia đình và hình thành mối quan hệ tình cảm với chúng. Tuy nhiên, đây không phải là một xu hướng chung trong xã hội nước này.

 

Ở Bắc Triều Tiên cũng có trường hợp nuôi thỏ và khỉ làm thú cưng. Ngoài ra, chó là một loại thú cưng phổ biến tại đây. Trong xã hội ngày nay, chó còn được sử dụng trong lĩnh vực chuyên môn, chẳng hạn như nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ, phát hiện các chất cấm và hướng dẫn an toàn cho người mù. Chó là loài vật rất quen thuộc với con người, bảo vệ chủ và cảnh cáo người lạ. Giống chó nổi tiếng nhất ở miền Bắc là chó Pungsan, một loài chó thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nước này.

 

Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) từng phát sóng một chương trình mang tên “Pungsan – Quốc khuyển Bắc Triều Tiên”, giới thiệu loài chó Pungsan là một loài chó dẻo dai, dũng mãnh và có thể chế ngự đối phương với những đòn tấn công hung dữ, đến cả chó chăn cừu Đức cũng bị loài chó này đánh bại. Là một trong những biểu tượng quốc gia của Bắc Triều Tiên, chó Pungsan được công nhận là quốc khuyển của nước này vào năm 2014. Miền Bắc cũng công nhận loài chó này là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tổ chức một cuộc thi đánh giá để chọn ra giống chó Pungsan tốt nhất. Để bảo tồn loài chó này, Bắc Triều Tiên còn xây dựng các trang trại nhân giống và thậm chí còn thành lập một viện nghiên cứu tại trường đại học, cho thấy tình yêu phi thường của người dân miền Bắc dành cho chó Pungsan.

 

Ở Bắc Triều Tiên, những chú chó biết giữ nhà và trung thành với chủ nhân được coi là những chú chó tốt và được yêu thương. Những câu chuyện liên quan đến chó cưng đã được tìm thấy trong văn học Bắc Triều Tiên. Ví dụ, một cặp vợ chồng mới cưới được tặng một chú chó. Khi chú chó này sinh ra những con chó con, hai vợ chồng lại mang chúng tặng cho hàng xóm. Những chú chó con được bạn bè tặng cho nhau và được các thành viên trong gia đình yêu quý. Chó được miêu tả là nhận được nhiều tình yêu thương của con người, thân thiết và trao đổi tình cảm với con người.

 

Tuy nhiên, cũng có loài chó bị cấm nuôi, đó chính là quốc khuyển Bắc Triều Tiên, chó Pungsan. Loài chó này đã được công nhận là di sản tự nhiên của miền Bắc vào năm 1956. Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung, 1912-1994) đã ra chỉ đạo bảo tồn chó Pungsan thuần chủng vào năm 1963 và thành lập một trang trại nhân giống vào năm 1968. Kết quả là miền Bắc đã nhân giống được một số lượng đáng kể loài chó này. Tuy nhiên, người dân không được phép nuôi quốc khuyển đại diện cho đất nước làm thú cưng.

 

Nhân Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên vào năm 2000, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Kim Dae-jung (1924-2009) đã tặng chó Jindo của Hàn Quốc cho nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên khi đó là cố Chủ tịch Kim Jong-il (1941-2011). Trên thực tế, cho đến đầu những năm 1980, có rất ít người dân Bắc Triều Tiên nuôi chó cưng. Đó là bởi vì các nhà chức trách nước này chỉ trích việc nuôi chó cưng là trò suy đồi và xa xỉ của tầng lớp giàu có trong xã hội tư bản.

 

Bắc Triều Tiên cho rằng xã hội tư bản đã tạo ra “nhu cầu vô nhân đạo” một cách giả tạo nhằm mục đích kiếm tiền, do đó làm biến dạng đời sống tiêu dùng, đồng thời chỉ trích những người dân đã chi một khoản tiền khổng lồ cho thú cưng. Năm 1992, tạp chí Chollima (Thiên lý mã), một ấn phẩm dành cho đại chúng của miền Bắc, đã đăng một bài báo có tiêu đề “Những thú cưng trở thành triệu phú” nhằm chế giễu xã hội phương Tây đối xử với chó mèo còn đặc biệt hơn con người. Ngoài ra, miền Bắc cũng có những bài báo khác chế nhạo việc những chú chó hoặc mèo được thừa kế gia tài là một việc thần kỳ. Ở nước này, việc cho chó tắm, mặc đồ hay ăn thức ăn ngon cũng bị chỉ trích là một ví dụ điển hình cho những tệ nạn của chủ nghĩa tư bản.

 

Có thông tin Bắc Triều Tiên bắt đầu sử dụng thuật ngữ “thú cưng” vào cuối những năm 1980. Trước thềm Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới được tổ chức tại Bình Nhưỡng vào năm 1989, chính quyền miền Bắc đã ra chỉ thị không ngăn cản người dân nuôi chó cưng. Từ đó, xu hướng nuôi thú cảnh dần lan rộng trong cả nước. Năm 2001, tạp chí Chollima đã có bài báo gọi chó là một loài động vật trong nhà thân thiện, hữu ích cho cuộc sống và tình cảm của con người, một động thái chưa từng thấy trước đây. Tạp chí này còn giải thích chi tiết về đặc điểm, thói quen sinh hoạt và một số điểm cần lưu ý khi nuôi chó, cho thấy những thay đổi về nhận thức đối với thú cưng tại Bắc Triều Tiên.

 

Văn hóa bên ngoài đã được du nhập vào Bắc Triều Tiên khi Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới diễn ra năm 1989. Ngoài ra, thời kỳ kinh tế khó khăn mang tên "Cuộc hành quân gian khổ" những năm 1990 đã làm thay đổi hoàn cảnh sống của người dân miền Bắc. Họ phải mua bán và làm mọi thứ để kiếm tiền. Một số người bắt đầu buôn lậu hàng hóa từ Trung Quốc. Trong thời kỳ kinh tế cực kỳ khó khăn đe dọa sự sống của nhiều người dân Bắc Triều Tiên, trớ trêu thay, một số người lại có thể tích lũy của cải. Để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp giàu có này, hàng xa xỉ bắt đầu được mua bán. Phim điện ảnh và truyền hình của thế giới bên ngoài, bao gồm cả Hàn Quốc, đã được du nhập vào miền Bắc. Những con thú cưng xuất hiện trong các video này đã tạo ra nhu cầu ở Bắc Triều Tiên về những con chó nhỏ có thể nuôi trong nhà.

 

Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành cũng từng nuôi một chú chó lúc sinh thời, còn cố Chủ tịch Kim Jong-il lại từng tặng tới 100 con thú cưng mà ông nuôi cho Sở thú trung ương Bắc Triều Tiên. Như vậy, văn hóa nuôi thú cưng đã bắt đầu từ các nhà lãnh đạo cấp cao và một số người thuộc tầng lớp thượng lưu rồi lan rộng đến tầng lớp dân thường tại Bắc Triều Tiên.

 

Bắc Triều Tiên đã mở một cửa hàng ngoại hối vào năm 1975 để lôi kéo người nước ngoài cư trú trong nước, đồng bào hồi hương từ nước ngoài và những người lao động làm việc ở nước ngoài tiêu số ngoại tệ mà họ có. Cửa hàng này chủ yếu bán các mặt hàng theo sở thích cá nhân như rượu và thuốc lá. Từ cuối những năm 1990, nơi đây còn bán những chú chó nhỏ. Việc mua thú cưng có thể thể hiện địa vị hoặc sự giàu có của một người.

 

Ngày 19/8/2001, Tân báo Triều Tiên (Choson Sinbo), tờ báo của Hội người Triều Tiên tại Nhật Bản (Jochongryeon) đại diện cho lập trường của Chính phủ Bắc Triều Tiên, đưa tin việc nuôi chó cưng đã trở nên phổ biến với người dân Bình Nhưỡng sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều một năm trước đó. Nhiều công dân Bình Nhưỡng đã dắt chó đi dạo dọc theo sông Taedong ở thủ đô vào các ngày nghỉ. Ngoài ra, có tới 9 phòng khám thú y đã được xây dựng ở Bình Nhưỡng, phản ánh nhu cầu nuôi thú cưng ngày càng tăng của người dân nước này.

 

Ở Hàn Quốc, ngày càng có nhiều hộ gia đình nuôi thú cưng, khiến nhiều người muốn trở thành chuyên gia thú cưng. Do đó, số lượng các cơ quan giáo dục về thú cưng đang gia tăng. Những công việc chưa từng có trước đây cũng đã xuất hiện, chẳng hạn như huấn luyện viên sửa đổi hành vi và phục hồi chức năng cho thú cưng. Tương tự, càng ngày càng có nhiều người dân Bắc Triều Tiên thuê người dắt chó đi dạo. Có thông tin Triển lãm sách quốc gia được miền Bắc tổ chức vào năm 2020 đã trưng bày những cuốn sách liên quan đến thú cưng, chẳng hạn như "Hướng dẫn huấn luyện chó" và "101 loại thực phẩm dành cho huấn luyện chó".

 

Nếu Kang Hyung-wook là nhà huấn luyện chó nổi tiếng nhất ở Hàn Quốc thì Bắc Triều Tiên có tiến sĩ Ok Jin-yong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu gia súc tại Viện nghiên cứu nông nghiệp miền Bắc. Ông đã nhiều lần xuất hiện trên báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên và được biết đến là một chuyên gia về chó Pungsan. Tuy nhiên, tiến sĩ Ok vẫn chưa thể được coi là một chuyên gia về thú cưng. Ngoài ra, miền Bắc còn có những người chuyên nuôi chó Pungsan.

 

Hàn Quốc triển khai hệ thống đăng ký căn cước cho thú nuôi từ năm 2014 để ngăn người dân bỏ rơi thú cưng và dễ dàng tìm thấy thú cưng bị thất lạc. Tương tự như người dân có thẻ căn cước riêng có một số chứng minh thư duy nhất, chủ sở hữu vật nuôi tại Hàn Quốc cũng phải đăng ký và nhận số căn cước cho vật nuôi. Tổng điều tra dân số và nhà ở do Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc tiến hành 5 năm một lần cũng đã có bổ sung hạng mục về thú cưng kể từ năm 2020. Ngoài ra, miền Nam còn ban hành Luật bảo vệ động vật vào năm 1991 với mục đích ngăn chặn ngược đãi động vật và xác định trách nhiệm của chủ sở hữu thú cưng trong việc bảo vệ và chăm sóc thú cưng một cách thích hợp để con người và động vật có thể cùng chung sống hòa hợp. Theo Luật bảo vệ động vật sửa đổi, có hiệu lực vào ngày 27/4 năm 2023, chủ sở hữu nếu không cung cấp cho vật nuôi đủ không gian và thức ăn hoặc lơ là nhiệm vụ chăm sóc thú cưng khiến chúng chết sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 3 năm hoặc bị phạt tiền tối đa 30 triệu won (22.000 USD). Cùng với sự thay đổi trong chế độ và nhận thức về thú cưng, ngành công nghiệp thú cưng của Hàn Quốc đang mở rộng. Theo Viện Kinh tế nông thôn Hàn Quốc, quy mô thị trường thú cưng trong nước đã vượt mốc 3.000 tỷ won (2,2 tỷ USD) vào năm 2021 và ước tính sẽ mở rộng lên 6.000 tỷ won (4,4 tỷ USD) vào năm 2027. Ngược lại, ngành công nghiệp thú cưng đúng nghĩa chưa xuất hiện tại Bắc Triều Tiên.

 

Ngày càng có nhiều người dân Bắc Triều Tiên sống tại chung cư nên có nhiều trường hợp nuôi thú cưng trong nhà. Báo Phụ nữ Triều Tiên, cơ quan ngôn luận của Hội liên hiệp phụ nữ xã hội chủ nghĩa miền Bắc đã đăng một bài báo có tiêu đề “Chọn chó cưng” trong ấn bản thứ 5 phát hành vào năm 2019. Điều này cho thấy người dân Bắc Triều Tiên có thể chọn thú cưng theo ý thích và thị trường thú cưng đã hình thành. Tuy nhiên, để ngành công nghiệp cung cấp thức ăn và vật phẩm cho thú cưng xuất hiện, thị trường phải đạt được sự cân bằng giữa cung và cầu, mà miền Bắc thì không đáp ứng được điều này.

 

Một văn hoá nuôi thú cưng đúng nghĩa ngoài việc con người phải yêu thương động vật thì mức thu nhập của xã hội phải đạt đến một mức nhất định và nhận thức về thú cưng cũng phải thay đổi. Hy vọng, một ngày không xa, hai miền Nam-Bắc sẽ có thể chia sẻ và giao lưu về văn hóa và ngành công nghiệp thú cưng.

Lựa chọn của ban biên tập