Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Phim truyền hình Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-05-17

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS News

Gần đây, cơn sốt phim truyền hình Hàn Quốc (K-Drama) đang càn quét trên toàn thế giới và tại Bắc Triều Tiên cũng không phải ngoại lệ. Có không ít người tị nạn Bắc Triều Tiên cho biết họ đã xem phim truyền hình Hàn Quốc khi còn ở miền Bắc. Năm 2020, miền Bắc ban hành Luật bài xích văn hóa tư tưởng phản động, trong đó quy định người xem các bộ phim truyền hình Hàn Quốc sẽ bị phạt nặng. Tháng 1/2023, nước này lại tiếp tục thông qua Luật bảo vệ ngôn ngữ văn hóa Bình Nhưỡng với mục đích ngăn cấm người dân xem phim truyền hình và bắt chước cách ăn nói của miền Nam. Trong khi Hàn Quốc có rất nhiều kênh chiếu phim truyền hình và có cả các dịch vụ video trực tuyến (OTT) cung cấp nội dung truyền thông như phim truyền hình và phim điện ảnh trên internet thì ngược lại, Bắc Triều Tiên lại có môi trường tiếp cận phim truyền hình tương đối hạn chế. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về các bộ phim truyền hình Bắc Triều Tiên cùng giáo sư Jeon Young-sun từ Nhóm nghiên cứu nhân văn học thống nhất thuộc Đại học Konkuk.

 

Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) là kênh phát sóng duy nhất có thể xem trên toàn quốc tại nước này. Riêng tại Bình Nhưỡng, người dân cũng có thể xem các kênh về phim ảnh, giáo dục. Tuy nhiên, việc sản xuất các nội dung truyền hình về cơ bản vẫn còn hạn chế nên người dân cũng không có nhiều sự lựa chọn. Lịch phát sóng của các kênh truyền hình miền Bắc cho thấy thời sự hoặc chương trình tin tức từ hiện trường được phát sóng nhiều nhất, còn phim truyền hình có thời lượng và số lượng tương đối hạn chế. Đặc biệt, phim truyền hình nước ngoài có liên quan đến vấn đề bản quyền nên chỉ người dân Bình Nhưỡng mới có cơ hội xem, còn người dân ở các khu vực khác thì gặp rất nhiều hạn chế.

 

Phim truyền hình Hàn Quốc nổi tiếng khắp thế giới với nhiều thể loại đa dạng, từ tâm lý tình cảm đến luật pháp, y khoa, tội phạm và những phim kinh dị về xác sống, ma quỷ, virus. Trong số đó, các phim tâm lý tình cảm Hàn Quốc thường có các tình tiết như bí mật về thân phận của nhân vật chính khi được sinh ra, bệnh nan y, câu chuyện hoàng tử yêu Lọ Lem hay nữ chính được một  nam chính tài ba giúp đỡ. Các bộ phim truyền hình Bắc Triều Tiên cũng có tình tiết tương tự.

 

Các bộ phim truyền hình Bắc Triều Tiên đều kể về sự trưởng thành của nhân vật chính từ khi còn non nớt đến khi nên người. Chẳng hạn, từ một người còn hiểu biết hời hợt về chính sách của đảng Lao động, nhân vật chính nhận ra đảng cần gì ở mình. Khi đó, một Bí thư đảng sẽ xuất hiện, trở thành người hướng dẫn hỗ trợ và thức tỉnh nhân vật chính về mặt chính trị. Ngoài ra, cũng có những bộ phim với nhân vật chính là trẻ mồ côi, một điều không hiếm gặp ở miền Bắc. Các bộ phim này sẽ nhấn mạnh rằng đảng và đất nước đã nuôi dạy nhân vật đó như thế nào. Bắc Triều Tiên có quy định một vài hệ thống ngôn luận về tinh thần, trong đó có “lý thuyết đại gia đình xã hội chủ nghĩa”. Lý thuyết này nhấn mạnh mọi người dân sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa đều là một gia đình với đời sống tinh thần có được là nhờ nhà lãnh đạo, nên nếu xung quanh có ai ốm đau, hoạn nạn, mồ côi cha mẹ thì mọi người đều phải giúp đỡ. Do đó, cũng có khá nhiều phim truyền hình và điện ảnh lấy cốt truyện người nuôi nấng nhân vật chính hóa ra không phải là mẹ ruột và vì nuôi con mà người mẹ này không thể kết hôn.

 

Phim truyền hình Hàn Quốc có tác động rất lớn tới kinh tế xã hội. Một ví dụ điển hình chính là sê-ri phim “Trò chơi con mực”, một tác phẩm thể hiện rõ sự bất bình đẳng và xung đột giữa các tầng lớp xã hội. Bộ đồ thể thao màu xanh lá cây của những người tham gia, bộ đồ liền thân và mặt nạ của những lính canh và mặt nạ của các khách VIP trong bộ phim đã trở thành chủ đề nóng trên toàn thế giới và được ưa chuộng trong dịp lễ hội hóa trang Halloween. Bên cạnh đó, các sản phẩm liên quan như hộp cơm thiếc, bộ làm kẹo đường dalgona mà người tham gia trò chơi nhận được trong phim cũng trở thành các sản phẩm “cháy hàng”. Tại Hàn Quốc, khi một bộ phim trở nên nổi tiếng, quần áo, túi xách và phụ kiện của các nhân vật chính sẽ được bán hết sạch. Địa điểm quay phim cũng sẽ có nhiều người đến tham quan và chụp ảnh. Với cơn sốt phim truyền hình Hàn Quốc trên toàn thế giới, những nơi này đã được phát triển thành địa điểm du lịch. Ngược lại, hiệu ứng lan tỏa của phim truyền hình ở Bắc Triều Tiên không quá lớn.

 

Bắc Triều Tiên đôi khi cũng có những bộ phim truyền hình nổi tiếng, nhưng người dân cũng chỉ thường bắt chước cách nhân vật trong phim nói chuyện hoặc hành động chứ không săn lùng những bộ quần áo mà nhân vật chính mặc như tại Hàn Quốc. Ngoài ra, các địa điểm xuất hiện trong phim cũng khó có thể trở thành điểm thu hút khách du lịch do việc đi lại tại nước này còn gặp hạn chế. Dưới thời Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, quảng cáo trực tiếp và quảng cáo gián tiếp (PPL) đã bắt đầu xuất hiện. Chẳng hạn, trong bộ phim “Những người đào sâm năm Nhâm Thìn”, nhân vật người đào sâm đã chiến đấu với quân Nhật Bản để bảo vệ nhân sâm Goryeo. Trong cảnh cuối cùng trở về nhà sau chiến tranh, hình ảnh nhân sâm núi xuất hiện trên màn hình, theo sau là quảng cáo của các công ty thương mại và công ty dược phẩm. Việc dạo gần đây ngày càng có nhiều quảng cáo gián tiếp xuất hiện trong không chỉ trên phim truyền hình mà còn cả phim điện ảnh về khoa học đã cho thấy sự thay đổi trong xu hướng dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un.

   

Năm 2007, bộ phim lịch sử "Tử lục thần” (Giết 6 đại thần) do KCTV sản xuất đã được phát sóng trên Đài Phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS). Đây là một bộ phim lịch sử chủ nghĩa siêu thực, tái hiện các sự kiện lịch sử một cách chân thực về 6 đại thần thất bại trong khi tìm cách phục vị cho Vua Danjong (Đoan Tông), cháu trai của Vua Sejong (Thế Tông) của triều đại Joseon (thế kỷ XIV-XIX), và bị xử tử. Vào thời điểm đó, bộ phim đã thu hút sự chú ý đáng kể vì là tác phẩm hợp tác liên Triều, được đài KBS lên kế hoạch và KCTV tiến hành sản xuất.

 

Bộ phim “Tử lục thần” đã trở thành chủ đề nóng khi mời diễn viên miền Bắc rất nổi tiếng là Cho Myung-ae diễn chính. Các diễn viên trong phim có phong cách diễn gần với kịch nói nên còn khá lạ lẫm với khán giả Hàn Quốc. Tuy nhiên, đây vẫn là một bộ phim có không khí khá nặng nề. Phim truyền hình lịch sử là một dòng phim được ưa chuộng tại Bắc Triều Tiên, nhưng miền Bắc không có trường hợp phim lịch sử kết hợp với các thể loại khác như Hàn Quốc vì nước này nhấn mạnh phim cổ trang phải dựa trên sự thật lịch sử. Vì vậy, có những người tị nạn từ miền Bắc không thể hiểu được tại sao phim lịch sử miền Nam lại không đúng như sự thật.

 

Nghề nghiệp của các nhân vật trong phim truyền hình Bắc Triều Tiên thay đổi theo từng thời đại, cụ thể là du kích chống Nhật, nông dân và công nhân xây dựng ở thời cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung, 1912-1994) và quân nhân, đội du kích thanh niên, công nhân xây dựng dưới thời cố Chủ tịch Kim Jong-il (1941-2011). Dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, việc sản xuất phim truyền hình đã giảm so với các thế hệ trước và nhân vật chính đã chuyển thành các giảng viên và nhà khoa học. Đặc biệt, bộ phim “Hãy biết quý trọng” phát sóng năm 2016 còn có những cảnh thể hiện mối quan hệ nam nữ tế nhị, khác hẳn so với các bộ phim truyền hình Bắc Triều Tiên chỉ tuyên truyền chế độ và chính quyền trước đây. Ngoài ra, bộ phim “Những nhà thám hiểm thiếu niên” được phát sóng vào năm 2013 là câu chuyện về các học sinh trung học cùng nhau cạnh tranh lành mạnh để chuẩn bị tham gia một cuộc thi khoa học giả tưởng. Việc những thanh thiếu niên mơ ước về tương lai trở thành nhân vật chính của phim truyền hình được phân tích là một thay đổi mới lạ tại miền Bắc. Có thể nói sự thay đổi lớn nhất của các bộ phim truyền hình Bắc Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong-un chính là các nội dung liên quan đến công nghệ.

 

Khác với trước đây, các chương trình phát sóng của Bắc Triều Tiên nhìn chung đã trở nên sinh động và thú vị hơn, những nội dung có thể xem và cách quay cũng đã thay đổi không ít. Không chỉ phim truyền hình mà toàn bộ các chương trình phát sóng đã bắt đầu sử dụng nhiều đồ họa máy tính và chuyển động màn hình. Thay vì sử dụng nhiều cảnh quay dài không cắt như trước thì gần đây họ đã cho chuyển cảnh nhanh chóng. Nước này cũng sử dụng rất nhiều kỹ thuật khác nhau như phóng to và thu nhỏ để thể hiện nhiều góc quay đa dạng.

 

Tuy các bộ phim truyền hình của Bắc Triều Tiên đang bắt đầu có sự thay đổi từng chút một, chủ đề của tác phẩm vẫn chưa thay đổi nhiều. Ví dụ điển hình là bộ phim truyền hình dài tập được phát sóng trên KCTV vào năm 2017 mang tên “Hoàng hôn phương Bắc”. Bộ phim kể về những xung đột của các nhân vật trong khi xây dựng lò luyện khoáng sản nhằm khuyến khích người dân tham gia phong trào “cuộc chiến tốc độ” vào thời điểm đó. Bằng cách này, phim truyền hình Bắc Triều Tiên thường phản ánh các chính sách quốc gia.

 

Bộ phim “Núi Baekgum” (Núi Bạch Kim) được chiếu lại vào năm 2021 cũng  không phải ngoại lệ. “Núi Bạch Kim” được phát sóng lần đầu tiên vào năm 1995, lấy bối cảnh là mỏ Ryongyang ở tỉnh Nam Hamgyong, nơi lưu trữ một lượng lớn nguyên liệu thô magie, magnesit. Năm 1961, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã đến thăm khu vực này, nhận xét nguyên liệu magnesit quý như vàng và đặt tên cho ngọn núi nơi đây là Núi Bạch Kim. Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về 9 cựu chiến binh tình nguyện tham gia khai thác mỏ Ryongyang vào những năm 1970. Tác phẩm này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm khi được phát sóng lần đầu tiên vào năm 1995.

 

“Núi Bạch Kim” được chuyển thể từ tiểu thuyết của tác giả Kim Mun-chang, một nhà văn xuất thân là công nhân. Tác phẩm gốc miêu tả cảnh khai thác rất chân thực nên bộ phim đã trở nên nổi tiếng lúc mới phát hành. Mục đích Bắc Triều Tiên phát sóng lại bộ phim truyền hình này là để đánh thức người dân về ý nghĩa của việc tăng cường khai thác than đá và tầm quan trọng của các nguyên liệu cần thiết để sản xuất vũ khí, trong đó có “vàng trắng” magnesit, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt nước này ngày càng gia tăng. Một mục đích khác là khuyến khích những người trẻ tuổi tình nguyện đến làm việc ở những khu vực khó khăn, giống như các nhân vật chính trong phim đã làm tại mỏ Ryongyang vào những năm 1970. Bất chấp sự thay đổi trong kỹ thuật quay phim, chủ đề chính của các bộ phim truyền hình miền Bắc sẽ khó có thể thay đổi do các yếu tố xã hội.

 

Trong những năm gần đây, Hàn Quốc đã có nhiều phim truyền hình, phim điện ảnh và thậm chí cả webtoon lấy chủ đề hoặc bối cảnh về Bắc Triều Tiên, trong đó có nhiều tác phẩm kể về sự lo lắng và xung đột giữa người dân hai miền Nam-Bắc nhưng cuối cùng các nhân vật đã cố gắng hòa giải và hợp lực vì một mục tiêu chung. Hy vọng, một ngày không xa, bán đảo Hàn Quốc có thể hòa giải và thống nhất bên nhau giống như các bộ phim truyền hình và điện ảnh đó.

Lựa chọn của ban biên tập