Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Công bố chính thức về lập ngân sách bổ sung lần hai năm 2021

2021-06-12

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chính phủ Hàn Quốc và đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành đã công bố chính thức về việc lập dự thảo ngân sách bổ sung lần hai năm 2021, trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, đặc biệt nguồn thu thuế tăng so với một năm trước.

 

Công bố chính thức

Tại một cuộc tọa đàm ngày 4/6 vừa qua, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki phát biểu Chính phủ sẽ dốc mọi nguồn lực chính sách để hồi phục hoàn toàn nền kinh tế, song song với việc hồi phục tuyển dụng và tăng cường tính bao trùm. Trong đó, Chính phủ coi việc lập ngân sách bổ sung là phương tiện thực hiện. Đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành cũng để ngỏ khả năng lập ngân sách bổ sung lần hai để chi trả hỗ trợ khẩn cấp toàn dân.

Việc lập ngân sách bổ sung lần hai đã được giới chuyên gia dự đoán từ trước. Tổng thống Moon Jae-in ngày 27/5 từng chỉ ra rằng Chính phủ cần duy trì chính sách tài chính mở rộng ít nhất là tới hết năm sau, nhằm đưa nền kinh tế phục hồi một cách chắc chắn, giải tỏa sự cách biệt trong quá trình hồi phục khỏi đại dịch COVID-19. Trong thời gian qua, đảng cầm quyền liên tục chủ trương rằng phải thúc đẩy nền kinh tế phù hợp với mục tiêu hình thành sớm miễn dịch cộng đồng. Ý kiến này cũng được đề cập trong cuộc tọa đàm giữa Tổng thống Moon và các nghị sĩ khóa đầu của đảng cầm quyền. Có thể nói, phát biểu trên của Phó Thủ tướng Hong mang tính chất công bố chính thức về việc lập ngân sách bổ sung lần hai năm 2021.

 

Bối cảnh

Chính phủ Hàn Quốc đã 4 lần lập ngân sách bổ sung trong năm ngoái và một lần trong năm nay. Nếu như lần này, Chính phủ tiếp tục lập ngân sách bổ sung, thì đây sẽ là ngân sách bổ sung thứ 5 liên quan tới đại dịch COVID-19. Trong tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, việc khôi phục nền kinh tế và giải quyết tình trạng phân hóa nghiêm trọng khi mà thiệt hại tập trung chủ yếu ở các tầng lớp yếu thế, đang là bài toán hết sức cấp thiết. Ở thời điểm hiện tại hay xét trên quan điểm dài hạn cho tới sau khi dịch bệnh kết thúc, bài toán đặt ra là phải ổn định dân sinh, tập trung vào tầng lớp thu nhập thấp, thổi thêm sức sống cho toàn bộ nền kinh tế. Việc Chính phủ và đảng cầm quyền công bố chính thức về việc lập ngân sách bổ sung xuất phát từ việc nguồn thu thuế tăng cao so với năm ngoái. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và tài chính, trong vòng 4 tháng đầu năm nay, tổng thu thuế đạt 133.400 tỷ won (119,56 tỷ USD), tăng 32.700 tỷ won (29,31 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, Chính phủ có thể sử dụng số tiền này để lập ngân sách bổ sung lần hai mà không cần phải phát hành thêm trái phiếu bù đắp thâm hụt. Đảng cầm quyền đang có ý định dùng ngân sách bổ sung để chi trả hỗ trợ khẩn cấp lần thứ 5 giúp người dân khắc phục cuộc khủng hoảng COVID-19.

 

Tranh cãi

Mặc dù vậy, cũng có không ít ý kiến tranh cãi về việc lập ngân sách bổ sung. Một số ý kiến cho rằng hiện tại đã có căn cứ pháp lý quy định về việc phải ưu tiên sử dụng nguồn thu thuế tăng để trả nợ quốc gia. Kể từ sau khi Hàn Quốc lập ngân sách bổ sung lần một năm nay, nợ quốc gia đã tăng lên thành 965.900 tỷ won (865,66 tỷ USD), tương đương 48,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngoài ra, việc chi trả trợ cấp toàn dân cũng là một vấn đề tranh cãi nóng bỏng. Nhiều ý kiến lập luận về lý do phải chi trả tiền hỗ trợ cho những người thậm chí có thu nhập tăng, hoặc hoàn toàn không hề gặp khó khăn. Điều này chỉ gây tổn hại tới tính lành mạnh về tài chính của nền kinh tế đang trên đà hồi phục. Do vậy, giới học giả kinh tế đang đưa ra lập trường phản đối phương án hỗ trợ toàn dân. Trong khi đó, giới doanh nghiệp chỉ trích động thái này của Chính phủ đang nhắm tới cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau. Theo một kết quả thăm dò dư luận, 38% người dân đồng tình về việc chi trả hỗ trợ khẩn cấp toàn dân, 33% cho rằng cần hỗ trợ một cách có chọn lọc, 25% phản đối. Giới chuyên gia một mặt phân tích Chính phủ cần tiếp tục duy trì đường lối tài chính mở rộng, mặt khác cần cân nhắc tới sức ép về lạm phát, tính lành mạnh tài chính, để điều chỉnh về quy mô và mục đích hỗ trợ; đồng thời kết hợp với nhiều chính sách hiệu quả khác.

Lựa chọn của ban biên tập