Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính trị

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp

Write: 2021-02-01 10:50:56Update: 2021-02-01 10:51:12

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp

Photo : YONHAP News

Hãng thông tấn Việt Nam (VNA) đưa tin cho biết một ngày trước khi bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của đảng Cộng sản, Việt Nam ngày 31/1 đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa mới, bầu Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (76 tuổi) tiếp tục giữ vị trí Tổng bí thư, lãnh đạo đảng sang nhiệm kỳ thứ ba. 

Như vậy, ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng bí thư có nhiệm kỳ dài nhất kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975 và là "trường hợp đặc biệt”, bất chấp giới hạn độ tuổi tái cử Ủy viên Bộ Chính trị là 65 tuổi. Kể từ sau khi cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời năm 2018, ông Nguyễn Phú Trọng kiêm cả chức vụ Chủ tịch nước, là người thứ hai nắm giữ cả hai chức vụ này cùng một lúc sau cố Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quê ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, từng là du học sinh Liên Xô cũ và là người theo chủ nghĩa xã hội ôn hòa trung lập, có xu hướng thân Trung Quốc.

Ban đầu, nhiều ý kiến phỏng đoán ông Nguyễn Phú Trọng sẽ rút lui do vấn đề sức khỏe, tuổi tác. Tuy nhiên, cuộc vận động quét sạch tham nhũng một cách quyết liệt và sự ổn định về chính trị trong nhiệm kỳ qua đã giúp ông tiếp tục được ủng hộ.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (66 tuổi) cũng được dự đoán là sẽ giữ chức Chủ tịch nước, ứng cử viên kế nhiệm ông là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính (62 tuổi). Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ (63 tuổi) được cho là ứng cử viên sáng giá cho chức Chủ tịch Quốc hội sau khi đương kim Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân (63 tuổi) thôi giữ chức vụ. 

Chức Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội sẽ chính thức được bầu ra tại Quốc hội khóa mới sau khi Tổng tuyển cử tháng 5 kết thúc.

Là quốc gia một đảng duy nhất, Việt Nam chọn thể chế lãnh đạo tập thể gồm "tứ trụ" theo thứ tự quyền lực là Tổng bí thư, Chủ tịch nước (phụ trách ngoại giao, quốc phòng), Thủ tướng (phụ trách hành chính), Chủ tịch Quốc hội (lập pháp). 

Không có sự thay đổi đáng kể nào về hai vị trí quyền lực nhất. Trên thực tế, Việt Nam đã và đang có các chính sách kinh tế cởi mở, tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thu hút đầu tư nước ngoài. Có phân tích cho rằng Việt Nam vẫn sẽ duy trì các chính sách hiện có, lấy đó làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Năm 2009, mối quan hệ Hàn Quốc và Việt Nam được nâng lên từ quan hệ “đối tác toàn diện” lên “đối tác hợp tác chiến lược”. Theo đó, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022, quan hệ Hàn-Việt dự kiến sẽ được nâng lên thành quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”.

Hàn Quốc là nước đầu từ lớn nhất ở Việt Nam. Một nguồn tin ngoại giao cho biết xét theo kết quả bầu Ban chấp hành trung ương khóa mới, Việt Nam vẫn sẽ tập trung vận hành đất nước ổn định, do đó Seoul sẽ nỗ lực để phát triển mối quan hệ hai nước tốt đẹp.

Lựa chọn của ban biên tập