Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Trong nước

Lao động nước ngoài làm việc trung bình 50 tiếng/tuần tại Hàn Quốc

Write: 2021-05-12 11:43:49Update: 2021-05-12 14:35:43

Lao động nước ngoài làm việc trung bình 50 tiếng/tuần tại Hàn Quốc

Photo : YONHAP News

Viện nghiên cứu phúc lợi và xã hội Hàn Quốc (KIHASA) ngày 12/5 công bố báo cáo nghiên cứu về điều kiện lao động của người lao động nhập cư và bài toán chính sách.

Báo cáo cho biết thời gian lao động bình quân của lao động theo diện visa lao động phổ thông (E9), visa du lịch kết hợp làm việc (H2), Hàn kiều (F4) là 50 tiếng/tuần; tỷ lệ làm việc vượt quá 52 tiếng/ngày, tức thời gian lao động tiêu chuẩn theo quy định pháp luật bao gồm cả làm thêm giờ, là 24,6%. 

Nhóm nghiên cứu của KIHASA đã tiến hành phỏng vấn 1.427 người, trong đó có 692 người lao động phổ thông, 735 người là lao động theo hình thức du lịch kết hợp làm việc và Hàn kiều, được lựa chọn căn cứ theo quốc tịch, giới tính, ngành nghề, tình trạng việc làm.

Trong đó, có 20,7% trả lời đang làm việc quá 60 tiếng/tuần. Tỷ lệ này ở lao động phổ thông là 23,9%, đối tượng có thời gian làm việc dài nhất. Tỷ lệ nam giới trả lời làm việc trên 60 tiếng/tuần là 19,3%, tỷ lệ này ở nữ giới là 24,1%.

Mức lương bình quân của những đối tượng này tính đến cuối năm 2019 (lương thực nhận) là 2.111.742 won (1.880 USD)/tháng. Tuy nhiên, từ sau năm 2020, mức lương bình quân của lao động nước ngoài giảm xuống còn 1.866.151 won (1.660 USD) do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Thu nhập bình quân tháng có sự chênh lệch rõ rệt theo giới tính. Mức lương bình quân tháng của lao động người nước ngoài nam giới là 2.181.000 won (1.940 USD), nhưng của nữ giới là 1.952.000 won (1.740 USD).

Mức độ hài lòng về mức lương bình quân là 3,15 điểm (thang điểm tuyệt đối là 5). Trong đó, độ hài lòng của lao động phổ thông là 3,22 điểm, của lao động theo hình thức du lịch kết hợp làm việc, Hàn kiều là 3,08 điểm.

4,7% trả lời từng bị sa thải vô cớ trong một năm gần đây, 12,3% trả lời từng bị đối xử coi thường. 2,8% trả lời từng bị bạo hành tại nơi làm việc. Trong số các lao động nữ giới nhập cư, có 2,3% trả lời từng bị quấy rối, bạo hành tình dục.

40,3% trả lời chưa từng được ký hợp đồng lao động. Về điều này, Viện nghiên cứu phúc lợi và xã hội Hàn Quốc giải thích nhiều lao động nhập cư đã ký hợp đồng lao động nhưng lại tưởng rằng vẫn chưa ký vì nhiều lý do khác nhau. Chính vì họ nghĩ như vậy nên không nhận thức được quyền lợi của bản thân, không đòi hỏi quyền lợi về mức lương, nghỉ phép, thời gian làm việc.

Kết quả nghiên cứu trên được Viện nghiên cứu phúc lợi và xã hội Hàn Quốc đăng tải trên tạp chí Diễn đàn Chính sách Y tế và phúc lợi số tháng 5.

Lựa chọn của ban biên tập