Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Quốc tế

Thêm một chứng cứ cho thấy Nhật Bản từng cưỡng ép phụ nữ mua vui cho quân lính

Write: 2021-06-28 14:24:56Update: 2021-06-28 18:57:16

Photo : YONHAP News

Vào tháng 3/1937, Tòa án tối cao Nhật Bản tuyên án 10 bị cáo tội danh lừa gạt 15 phụ nữ, hứa hẹn rằng sẽ cho họ làm "nhân viên nhà hàng, không phải tiếp khách", nhưng trên thực tế lại ép các nạn nhân làm mại dâm tại một điếm mua vui thuộc Hải quân Nhật Bản ở Thượng Hải, Trung Quốc. 

Nội dung phán quyết này là một chứng cứ khác củng cố cho "Tuyên bố Kono" từng được cựu Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yohei Kono đưa ra hồi năm 1993 với nội dung thừa nhận sự tồn tại của chế độ nô lệ tình dục phục vụ cho binh lính Nhật trong Thế chiến II và xin lỗi những nạn nhân của chế độ này.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide trong văn bản trả lời Quốc hội được thông qua trong cuộc họp Nội các ngày 25/6 vừa qua cho biết Bộ Tư pháp nước này công nhận đây là văn bản có liên quan tới vấn đề người phụ nữ bị ép mua vui, và đã trình lên Văn phòng Nội các vào ngày 31/3 vừa qua.

Từ năm 1991, Văn phòng Nội các Nhật Bản (tương đương với Văn phòng Phủ Tổng thống Hàn Quốc) đã tiến hành thu thập các công văn liên quan tới chế độ người phụ nữ bị ép mua vui còn sót lại ở các ban ngành. 

Tuy nhiên, vào ngày 31/3, đúng vào ngày nhận được văn bản trên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu vẫn tiếp tục phủ nhận việc Chính phủ Nhật Bản từng cưỡng ép, huy động người phụ nữ mua vui. Khi đó, ông này phát biểu rằng trong tài liệu mà Chính phủ Tokyo phát hiện được, không có nội dung nào cho thấy quân đội và Chính phủ Nhật Bản đã trực tiếp huy động, cưỡng ép phụ nữ mua vui cho binh lính.

Một tháng sau, Chính phủ Nhật Bản quyết định dùng từ "người phụ nữ mua vui" thay cho từ "người phụ nữ mua vui cho binh lính thời chiến", do từ này sẽ có thể làm liên tưởng tới hành vi cưỡng ép của quân đội Nhật Bản. Tokyo còn đang chuẩn bị sửa cụm từ này trong sách giáo khoa lịch sử đã được kiểm duyệt xong.

Ông Kobayashi Hisamoto, Tổng thư ký của tổ chức dân sự mang tên "Mạng lưới nghiên cứu về cưỡng ép lao động thời chiến", nhấn mạnh hành vi lừa gạt người khác để bắt họ đi là tương đương với tội "bắt cóc", phải bị coi là hành vi "cưỡng ép". 

Nội các Thủ tướng Suga trong văn bản trả lời Quốc hội nhấn mạnh vẫn kế thừa "Tuyên bố Kono". Điều này cho thấy Nhật Bản một mặt phủ nhận nội dung quan trọng nhất đó là việc "cưỡng ép" người phụ nữ mua vui cho quân lính, mặt khác lại "khoe khoang" rằng nước này đã xin lỗi các nạn nhân.

Lựa chọn của ban biên tập