Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Trong nước

Tòa án Hàn Quốc ban lệnh bán tài sản của Mitsubishi để bồi thường cho nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến

Write: 2021-09-28 11:43:47Update: 2021-09-28 22:39:34

Tòa án Hàn Quốc ban lệnh bán tài sản của Mitsubishi để bồi thường cho nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến

Photo : YONHAP News

Tòa án thành phố Daejeon ngày 27/9 đã ban lệnh bán quyền thương hiệu và bằng sáng chế tại Hàn Quốc của công ty công nghiệp nặng Mitsubishi (Nhật Bản) để chi trả tiền bồi thường cho hai nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến người Hàn. 

Tháng 10/2012, hai nạn nhân là bà Kim Seong-ju và Yang Geum-deok đã khởi kiện công ty Mitsubishi lên Tòa án, yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị cưỡng ép lao động thời chiến. Hai người này từng bị cưỡng ép tới lao động tại một nhà máy sản xuất máy bay của Mitsubishi ở thành phố Nagoya (tỉnh Aichi) vào năm 1944. Tháng 11/2018, Tòa án tối cao Hàn Quốc tuyên phía nguyên đơn thắng kiện, yêu cầu Mitsubishi phải bồi thường cho các nạn nhân. Tuy nhiên, công ty đã không chịu chi trả tiền bồi thường thiệt hại, nên vào năm 2019, các nạn nhân đã đề nghị Tòa án bán tài sản của công ty Nhật Bản.  

Đây là lần đầu tiên Tòa án Hàn Quốc ra lệnh bán tài sản trong nước của doanh nghiệp Nhật Bản để bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến. Tòa án ra lệnh bán hai bằng sáng chế và hai quyền thương hiệu của Mitsubishi để chi trả cho mỗi cụ bà 290 triệu won (245.500 USD) tiền bồi thường.

Tuy nhiên, nếu công ty Mitsubishi kháng án thì quy trình bán tài sản sẽ bị tạm dừng, phải chờ quyết định cuối cùng từ Tòa án thành phố Daejeon hoặc Tòa án tối cao mới có thể tiếp tục quy trình bán tài sản.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu trong buổi họp báo thường kỳ sáng ngày 28/9 đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc Tòa án Hàn Quốc ban lệnh bán tài sản của công ty Mitsubishi. Ông Motegi cho biết Tokyo đã liên tục nhấn mạnh với Seoul không được bán tài sản của doanh nghiệp Nhật, bởi điều này có thể khiến quan hệ song phương trở nên nghiêm trọng.

Ngoại trưởng Motegi cho biết Nhật Bản đã truyền đạt ý kiến phản đối tới Hàn Quốc thông qua nhiều kênh ngoại giao ở Seoul vào tối ngày hôm trước. Sáng 28/9, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã triệu tập Công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Tokyo Kim Yong-gil tới trụ sở, yêu cầu Seoul có biện pháp đối phó phù hợp ngay lập tức.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định dù có tranh cãi về phạm vi áp dụng Hiệp định yêu sách Hàn-Nhật mà hai bên ký kết năm 1965, nhưng điều này không có nghĩa là phán quyết của Tòa án Hàn Quốc nêu trên vi phạm luật quốc tế.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Seoul đã hối thúc Tokyo một cách nhất quán về sự cần thiết giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Do đó, việc Nhật Bản yêu cầu Hàn Quốc phải đề ra giải pháp sẽ chẳng giúp ích gì để giải quyết vấn đề. Bộ cũng yêu cầu Nhật Bản có thái độ chân thật, ngồi lại bàn đàm phán để tìm kiếm giải pháp gốc rễ của vấn đề mà nạn nhân có thể chấp nhận. 

Lựa chọn của ban biên tập