Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Khởi động hệ thống cảnh báo sớm cung cầu 4.000 mặt hàng phụ thuộc lớn vào nước ngoài

Write: 2021-11-26 13:25:58Update: 2021-11-26 21:57:38

Khởi động hệ thống cảnh báo sớm cung cầu 4.000 mặt hàng phụ thuộc lớn vào nước ngoài

Photo : YONHAP News

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc Lee Eog-weon ngày 26/11 đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của "Nhóm chuyên trách về các mặt hàng an ninh kinh tế trọng tâm".
     
Cuộc họp thảo luận về phương án hợp tác giữa các ban ngành hữu quan Chính phủ để đối phó với vấn đề chuỗi cung ứng, sau vụ khan hiếm nghiêm trọng dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel thời gian gần đây.

Thứ trưởng Lee chỉ ra rằng vụ việc dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel vừa rồi là cơ hội quý giá để Hàn Quốc xem xét lại cơ cấu chuỗi cung ứng, nối tiếp vụ Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu cách đây hai năm. Vụ việc này đã khiến Hàn Quốc nhận thức được tình trạng phụ thuộc quá mức vào một quốc gia, cũng như tầm quan trọng của các mặt hàng tưởng chừng rất thông thường và việc nắm bắt sớm yếu tố rủi ro.

Chính phủ Hàn Quốc đã ra mắt "Nhóm chuyên trách về các mặt hàng an ninh kinh tế trọng tâm" do Thứ trưởng Lee làm trưởng nhóm, một cơ chế đối phó tổng hợp liên ngành về chuỗi cung ứng.

Tại cuộc họp trên, Chính phủ quyết định khởi động hệ thống cảnh báo sớm đối với hơn 4.000 mặt hàng cần quản lý hoặc có mức độ phụ thuộc trên 50% vào một quốc gia nhất định ngay từ tuần này. Trong số đó, Chính phủ sẽ chọn ra 100-200 mặt hàng trọng tâm, xúc tiến thảo luận phương án kiểm soát cung cầu phù hợp. 

Bộ Ngoại giao sẽ chọn ra các quốc gia nhập khẩu có mức độ phụ thuộc lớn, và cơ quan ngoại giao đóng tại các nước đó sẽ tiến hành rà soát tổng hợp định kỳ về sự thay đổi chính sách của Chính phủ, xu hướng nền công nghiệp của nước sở tại, báo cáo về Bộ Ngoại giao. 

Ở lĩnh vực nông nghiệp-thực phẩm, bắt đầu từ tuần này, Chính phủ sẽ tiến hành rà soát về các mặt hàng ngũ cốc chính, nguyên liệu phân bón. Ở ngành thủy sản, Chính phủ đang nắm bắt tình hình sản xuất các mặt hàng thủy sản nhập khẩu, để lập phương án đối phó chia làm các giai đoạn "ổn định - chú ý - cảnh giác - nghiêm trọng" với các mặt hàng có lượng tiêu thụ lớn trong nước.

Theo kết quả rà soát lần một, Chính phủ xác định được các mặt hàng nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp chủ lực như chíp bán dẫn, ô tô, pin thứ cấp đang phụ thuộc lớn vào một quốc gia nhất định. Trong năm nay, tồn tại một số rủi ro về chuỗi cung ứng do sự gia tăng biến động giá cả toàn cầu. Cung cầu nông, thủy sản ổn định, nhưng phân bón còn bất ổn, cần rà soát và đối phó chặt chẽ.

Lựa chọn của ban biên tập