Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Lo ngại tình trạng giá cả leo thang tiếp tục kéo dài trên toàn thế giới

Write: 2021-12-09 12:12:48Update: 2021-12-09 17:24:33

Lo ngại tình trạng giá cả leo thang tiếp tục kéo dài trên toàn thế giới

Photo : YONHAP News

Trước tình hình giá dầu và lương thực liên tục leo thang, lo ngại về lạm phát đang hiện hữu không chỉ ở Hàn Quốc mà cả trên toàn thế giới.

Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết chỉ số giá lương thực thế giới tháng 11 đạt 134,4 điểm (mức chuẩn 100 điểm bình quân năm 2014-2016), tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xu hướng tăng 4 tháng liên tiếp, và là mức cao kỷ lục sau 10 năm 5 tháng.

So với một năm trước, chỉ số giá ngũ cốc thế giới tăng 23,2%, đường tăng 37,9%, dầu mỡ và chất béo tăng 51,4%. Chỉ số giá lương thực thế giới 11 tháng đầu năm nay đạt 124,9 điểm, mức cao nhất trong một thập kỷ trở lại đây.

Giá nhập khẩu lúa mỳ, ngô, đậu để chiết xuất dầu ăn của Hàn Quốc trong tháng 11 tương tự hoặc giảm nhiều nhất là 8,8% so với một tháng trước, song vẫn cao hơn 18-70% so cùng kỳ năm ngoái.

Viện nghiên cứu kinh tế nông thôn Hàn Quốc (KREI) phân tích giá nhập khẩu ngũ cốc nếu tăng 10% sẽ khiến giá tiêu dùng tăng 0,39%.

Bên cạnh đó, Viện nghiên cứu chiến lược tương lai Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB) nhận định lạm phát xanh (greenflation), khủng hoảng năng lượng, giá nguyên liệu thô, đang trở thành hiện thực do mất cân bằng cung cầu gây ra bởi đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo, các chính sách liên quan đến trung hòa carbon khiến nhu cầu về nguyên liệu thô thân thiện với môi trường sử dụng trong sản xuất xe điện tăng lên, kéo theo giá đầu vào gia tăng. Trong quý III năm nay, giá lithium tăng 395,4%, magie tăng 290,5% và mangan tăng 102,6% so với một năm trước.

Hệ quả từ chính sách giảm phát thải carbon của Chính phủ Trung Quốc khiến nhiều nhà máy dừng hoạt động do thiếu điện phần nào đã gây ảnh hưởng, khiến nguồn cung nguyên liệu thô trên thế giới giảm mạnh. Thêm vào đó, vận tải biển gián đoạn, dẫn đến giá cả nói chung trên toàn thế giới ngày càng leo thang.

Mặt khác, biến thể mới Omicron của virus COVID-19 cũng là một biến số ảnh hưởng đến giá hàng hóa. Trong trường hợp biến thể này lan rộng khiến các nhà máy sản xuất đóng của, hoạt động cảng biển khả năng cao sẽ bị gián đoạn.

Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho biết dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng gặp hỗn loạn, giá cước tàu containter đã tăng 7 lần so với một năm rưỡi trước. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, giá nhập khẩu và giá tiêu dùng toàn cầu sẽ tăng 10,6% và 1,5% vào năm 2023.

Có lo ngại cho rằng tình trạng lạm phát kèm suy thoái (stagflation) có thể thành sự thật nếu biến thể Omicron lan rộng, kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó, cũng không loại trừ khả năng giá tiêu dùng đắt đỏ sẽ còn kéo dài khi áp lực lạm phát tiếp tục diễn ra trên mọi lĩnh vực ở cả trong và ngoài nước.

Lựa chọn của ban biên tập