Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính trị

Nhân chứng người Việt Nam lần đầu làm chứng trước Tòa án Hàn Quốc về vụ thảm sát Phong Nhị

Write: 2022-08-10 12:17:31Update: 2022-08-10 12:30:00

Nhân chứng người Việt Nam lần đầu làm chứng trước Tòa án Hàn Quốc về vụ thảm sát Phong Nhị

Photo : YONHAP News

Tòa án khu vực Trung Seoul ngày 9/8 đã mở phiên tòa lần thứ 8, lấy lời khai của nhân chứng là ông Nguyễn Đức Chơi, chú của bà Nguyễn Thị Thanh, nguyên đơn trong vụ kiện yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc bồi thường thiệt hại về vụ thảm sát thường dân xảy ra trong chiến Việt Nam. 

Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng nhân chứng là ông Nguyễn Đức Chơi vẫn đồng ý tới Hàn Quốc để làm chứng trước tòa. Ông cho biết cách đây 54 năm, vào ngày 12/2/1968, tại làng Phong Nhị (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), quân lính đã xả súng vào những người dân thường đang tập trung đông trong làng. Sau khi người dân ngã xuống, quân lính đã ném lựu đạn về phía họ. Nhân chứng từng phục vụ trong lực lượng quân đôi Việt Nam Cộng hòa vào thời điểm diễn ra vụ thảm sát.

Nhân chứng khẳng định những người này chính là "quân lính Đại Hàn", bởi ông thường xuyên nhìn thấy họ trong làng lúc bình thường. Ngoài ra, tiếng họ hét lên cũng là tiếng Hàn, nên ông có thể đoán được. Ông đã chứng kiến quang cảnh này từ cổng làng, và còn quan sát bằng cả ống nhòm.

Trong bộ đàm trao đổi thông tin của quân đội Việt Nam Cộng hòa cũng đưa tin tức rằng quân đội Hàn Quốc đã giết người dân thường. Ngay sau khi xảy ra vụ thảm sát, đương sự là bà Nguyễn Thị Thanh và anh trai bà cũng khẳng định rằng chính quân đội Hàn Quốc đã nổ súng vào người dân.

Tiếp đó, nhân chứng cho biết sau khi quân đội Hàn Quốc rời đi, ông đã trực tiếp vào trong làng để xem xét tình hình, phát hiện thi thể ở khắp mọi nơi, phần lớn nhà cửa của người dân bị thiêu rụi. Trên tấm bản đồ ngôi làng Phong Nhị, nhân chứng đã dùng tay để chỉ những điểm phát hiện hàng đống thi thể.

Vào tháng 4/2020, nguyên đơn là Nguyễn Thị Thanh, cháu của ông Nguyễn Đức Chơi, đã khởi kiện Chính phủ Hàn Quốc đòi bồi thường thiệt hại, khẳng định các quân lính thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Thủy quân lục chiến Cheongryong (Thanh Long) quân đội Hàn Quốc đã sát hại hơn 70 người dân thường vào ngày 12/2/1968.

Bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Đức Chơi đã nhập cảnh vào Hàn Quốc vào ngày 5/8 vừa qua để trình diện tại Tòa án với tư cách là nguyên đơn và nhân chứng.

Trong buổi họp báo do Nhóm luật sư vì một xã hội dân chủ tổ chức trước khi diễn ra phiên tòa, bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh lý do mà bà đứng trước Tòa án là để Chính phủ Hàn Quốc thừa nhận sự thật về vụ thảm sát đã khiến bà mất đi 5 người thân trong gia đình.

Lựa chọn của ban biên tập