Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Khoa học

Tên lửa đẩy vũ trụ Nuri được đưa đến bệ phóng, chuẩn bị cho lần phóng thứ ba

Write: 2023-05-23 11:34:00Update: 2023-05-23 17:18:19

Tên lửa đẩy vũ trụ Nuri được đưa đến bệ phóng, chuẩn bị cho lần phóng thứ ba

Photo : YONHAP News

Bộ Khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông và Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc ngày 23/5 cho biết tên lửa đẩy vũ trụ Nuri đã được dựng lên bệ phóng vào 11 giờ 33 sáng cùng ngày, gần như hoàn tất chuẩn bị phóng lên không gian. 

Vào 7 giờ 20 phút sáng, tên lửa đã rời tòa nhà bảo quản tên lửa ở Trung tâm vũ trụ Naro (huyện Goheung, tỉnh Nam Jeolla) và được đưa đến bệ phóng cách đó 1,8 km lúc 8 giờ 54 phút sáng cùng ngày.

Tên lửa Nuri được vận chuyển bởi một phương tiện di chuyển đặc biệt không người lái với tốc độ khoảng 1,5 km/h, chậm hơn cả bước đi của con người. Vào buổi chiều cùng ngày, Nuri sẽ được kết nối dây cáp "Umbilical" có thể nạp nguồn và chất đẩy (như nhiên liệu, chất oxy hóa).

Bộ Khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông dự kiến việc lắp đặt bệ phóng sẽ hoàn thành trước 7 giờ tối cùng ngày nếu không có điểm gì bất thường trong quá trình vận chuyển hoặc dựng trên bệ phóng.

Tên lửa đẩy vũ trụ Nuri dự kiến sẽ được phóng lần thứ ba vào 6 giờ 24 phút chiều (có thể chênh lệch 30 phút) vào ngày 24/5. Ủy ban quản lý phóng tên lửa sẽ công bố thời gian phóng cụ thể sau buổi họp lúc 2 giờ chiều ngày phóng nhằm xem xét toàn diện các điều kiện thời tiết và khả năng va chạm các vật thể không gian. 

Nếu không thể phóng trong thời gian đã định do điều kiện thời tiết, quá trình phóng tên lửa sẽ bị hoãn lại đến cùng giờ của ngày hôm sau.

Tên lửa Nuri có chiều dài 47,2m, tương đương một tòa chung cư 15 tầng, đường kính lên tới 3,5m và nặng 17,5 tấn. Khác với lần phóng thứ nhất và thứ hai trước đó chỉ mang theo vệ tinh mô phỏng, tên lửa Nuri trong lần phóng thứ ba sẽ lắp vệ tinh thực nghiệm có thể thực hiện nhiệm vụ thực tế.

Vệ tinh chính lắp trên tên lửa Nuri sẽ là vệ tinh cỡ nhỏ thế hệ mới số 2 do Trung tâm nghiên cứu vệ tinh nhân tạo thuộc Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) phát triển. Ngoài ra, có 4 vệ tinh quan sát thời tiết vũ trụ của Viện Khoa học thiên văn và vũ trụ Hàn Quốc (KASI) và ba vệ tinh lập phương do ba đơn vị tư nhân (Justek, Lumir, Kairo Space) phát triển.

Lựa chọn của ban biên tập