Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 26/9 công bố báo cáo ổn định tài chính có nội dung về đặc điểm và hiện trạng của các doanh nghiệp cận biên có khả năng tồn tại dài hạn.
Tính đến cuối năm 2022, có 3.903 doanh nghiệp cận biên, chiếm 15% công ty phi tài chính phải kiểm toán độc lập. Trong đó, có 903 công ty được phân loại là "doanh nghiệp cận biên dài hạn" đã trụ lại được hơn 5 năm, chiếm 23,1% của tất cả các doanh nghiệp cận biên.
"Doanh nghiệp cận biên" là công ty có tỷ lệ thanh toán lãi vay (chia lợi nhuận hoạt động cho chi phí lãi vay) nhỏ hơn 1 trong ba năm liên tiếp. "Doanh nghiệp cận biên dài hạn" là công ty đã được xếp là công ty cận biên đến năm thứ 5 nhưng vẫn ở trong tình trạng như cũ, tức tỷ lệ thanh toán lãi vay nhỏ hơn 1 trong hơn 7 năm.
Các doanh nghiệp cận biên dài hạn chiếm tỷ trọng tương đối cao trong số các doanh nghiệp tầm trung có tài sản từ 100 tỷ won đến 1.000 tỷ won (từ 74,2 triệu USD đến 742 triệu USD), nếu xét theo ngành nghề thì trong các ngành dịch vụ như bất động sản, vận tải (bao gồm cả hàng không và đường biển) và hỗ trợ kinh doanh.
Ngoài ra, tình trạng yếu kém của công ty (tỷ lệ thanh toán lãi vay dưới 1) càng kéo dài thì tốc độ công ty phục hồi trở thành một công ty bình thường (tỷ lệ thanh toán lãi vay trên 1) sau một năm càng thấp.
Năm 2021, 36,6% công ty yếu kém mới (trong 1 năm) và 22,6% công ty cận biên mới (yếu kém trong 3 năm) đã phục hồi trở lại mức bình thường vào năm ngoái.
Mặt khác, chỉ có 9,9% doanh nghiệp cận biên có khả năng tồn tại dài hạn (yếu kém trong hơn 7 năm) là phục hồi trở lại bình thường.
Vào cuối năm ngoái, tài sản trung bình của các công ty cận biên dài hạn là 129,13 tỷ won (95,77 triệu USD) và doanh thu là 64,86 tỷ won (48,1 triệu USD), chỉ gấp 0,67 và 0,4 lần so với các công ty không cận biên.
Các công ty cận biên có khả năng tồn tại dài hạn cho thấy sự khác biệt trong mô hình dòng tiền tùy thuộc vào quy mô tài sản và ngành. Cụ thể, ngành bất động sản được cho là tiếp tục hoạt động đầu tư thông qua vay nợ ở mức mà chỉ số dòng tiền hoạt động của họ không xấu đi nhiều. Doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải và hỗ trợ kinh doanh thì tiếp tục là những công ty cận biên do gánh nặng lãi suất cao mặc dù có thặng dư kinh doanh, nên họ ứng phó bằng cách giảm các khoản vay.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc nhận định khi đánh giá và thực hiện các chính sách như tái cơ cấu các công ty mất khả năng thanh toán và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp yếu kém, không chỉ phải xem xét tình trạng của các công ty cận biên mà còn phải xem xét tính lành mạnh về tài chính, quy mô tài sản và đặc điểm ngành nghề của từng công ty.