Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Xúc tiến kết nối cung đường mòn băng rừng Đông-Tây dài 849 km

Write: 2022-09-22 15:13:13

Thumbnail : YONHAP News

Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc ngày 21/9 đã ký kết biên bản ghi nhớ với chính quyền 5 địa phương là thành phố Daejeon, thành phố Sejong, tỉnh Bắc và Nam Chungcheong và tỉnh Bắc Gyeongsang, về việc xúc tiến kết nối cung đường mòn đi bộ xuyên rừng Đông-Tây dài 849 km.

Cung đường này sẽ trải dài từ huyện Uljin (tỉnh Bắc Gyeongsang) ở phía Đông, nơi nổi tiếng với những cánh rừng thông um tùm, sau đó đi qua nhiều con đường mòn băng rừng nổi tiếng trên toàn quốc, cho tới đảo Anmyeon thuộc thành phố Taean (tỉnh Nam Chungcheong) ở phía Tây. 

Trong tổng chiều dài cung đường 849 km, có 123 km sẽ đi xuyên qua rừng quốc gia (chiếm 15%), còn lại 726 km (85%) là qua các khu rừng thuộc sở hữu của Nhà nước hoặc tư nhân. Các cung đường đi qua rừng quốc gia sẽ do Cơ quan Lâm nghiệp xúc tiến, các khu rừng còn lại sẽ do chính quyền địa phương xúc tiến. 

Tổng ngân sách cho dự án này là 60,4 tỷ won (42,9 triệu USD). Khi cung đường này được kết nối hoàn toàn vào năm 2026, Hàn Quốc sẽ có một cung đường mòn băng rừng dài hơn cả cung đường hành hương Santiago của Tây Ban Nha.

Đặc biệt, cung đường này đi qua 225 ngôi làng, 21 thành phố, huyện thuộc 5 tỉnh, thành, được chia là 57 đoạn. Trong đó, sẽ có 90 ngôi làng chính được lựa chọn để bố trí hơn 40 điểm cắm trại ban đêm và hơn 110 điểm dừng chân cho khách bộ hành.

Dự án cung đường mòn sẽ được xây dựng căn cứ theo nhu cầu về du lịch ba lô (cắm trại ngủ qua đêm) của người dân. Đặc biệt, một số đoạn đường mòn ở tỉnh Bắc Gyeongsang sẽ trùng với các tuyến đường mòn hiện có, được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu quả cộng hưởng, thu hút khách du lịch. 

Ngoài ra, với đoạn đường mòn khởi đầu ở huyện Uljin, nơi mang tính biểu tượng và cảnh quan tuyệt đẹp, Cơ quan Lâm nghiệp sẽ thu hút nguồn quỹ ESG (Môi trường, xã hội, quản trị) của các doanh nghiệp. Dự kiến cơ quan này sẽ tổ chức lễ khởi công dự án tại Uljin vào ngày 28/9 tới.

Giám đốc Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc Nam Sung-hyun bày tỏ hy vọng cung đường mòn băng rừng Đông-Tây sẽ là nơi giao thoa giữa các giá trị sinh thái của rừng, giá trị môi trường, giá trị lịch sử và giá trị văn hóa. Khi cung đường mòn này được kết nối, nhiều tour du lịch trải nghiệm đa dạng được xây dựng thì lượng khách tham quan, lưu trú được kỳ vọng sẽ tăng, thúc đẩy nền kinh tế các địa phương.

Lựa chọn của ban biên tập