Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Cò quăm mào sinh sản thành công trong môi trường hoang dã sau 42 năm

Write: 2021-04-29 14:47:25

Thumbnail : YONHAP News

Cục di sản văn hóa Hàn Quốc ngày 26/4 cho biết kể từ sau khi được phóng sinh vào năm 2019, cò quăm mào đã lần đầu tiên đẻ trứng và nở con thành công trong môi trường hoang dã trong vòng 42 năm qua.

Cò quăm mào là loài chim có nguy cơ tuyệt chủng cấp độ II, danh mục tự nhiên cần bảo vệ số 198 của Hàn Quốc. Cò quăm mào được nhìn thấy lần cuối cùng tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) vào năm 1979, đã tuyệt chủng tại Hàn Quốc. 

Sau đó, chính quyền huyện Changnyeong, tỉnh Nam Gyeongsang đã thành lập Trung tâm khôi phục cò quăm mào để phụ trách dự án hồi sinh loài chim này, dựa trên một đôi cò quăm mào được Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tặng Hàn Quốc nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung năm 2008, và hai con cò đực do Chủ tịch Tập Cận Bình tặng vào năm 2013. Từ năm 2010, huyện Changnyeong đã lập ra một khu vực riêng làm nơi kiếm ăn và sinh trưởng của cò quăm mào tại một phần đầm lầy Upo để giúp chúng có thể thích ứng thành công với môi trường hoang dã.

Những con cò quăm mào nói trên đã làm tổ tại đầm lầy Upo từ trung tuần tháng 3, đẻ trứng vào cuối tháng 3 và giờ đây trứng đã nở thành cò quăm mào non.

Cục di sản văn hóa Hàn Quốc đánh giá nhờ những nỗ lực đổi mới hành chính tích cực của Chính phủ mà dự án khôi phục cò quăm mào đã diễn ra thành công, nâng cao khả năng sinh trưởng ổn định của loài chim này trong môi trường tự nhiên.

Đặc biệt, yếu tố giúp cò quăm mào đẻ trứng và nở con thành công trong môi trường tự nhiên là nhờ dự án đã lựa chọn được những cá thể tốt nhất để phóng sinh. Bên cạnh đó, phải kể tới vai trò của dự án thiết lập khu vực sinh sống phù hợp với sự hồi phục tính hoang dã của cò quăm mào, và sự tham gia tích cực của người dân địa phương trong quá trình bảo hộ cò quăm mào và quản lý khu vực sinh sống của chúng.

Thông qua dự án phóng sinh cò quăm mào, từ năm 2019 tới nay, đã có 80 con được phóng sinh ra tự nhiên, trong đó có 50 con (tỷ lệ sống 62,5%) đang sinh trưởng tốt trong môi trường hoang dã.

Lựa chọn của ban biên tập