Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Ngành đường sắt của Bắc Triều Tiên (phần 2)

2021-10-28

ⓒ KBS

Trong số phát sóng trước của "Cận cảnh Bắc Triều Tiên", chúng ta đã cùng tìm hiểu chung về ngành đường sắt miền Bắc. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về quá trình hiện đại hóa tàu hỏa và đường sắt ở nước này. Trước tiên, Giám đốc Viện hợp tác kinh tế bán đảo Hàn Quốc Ahn Byung-min, người từng đến Bắc Triều Tiên nhiều lần để nghiên cứu đường sắt, sẽ cho chúng ta biết thêm về tình trạng tàu hỏa tại đây.

 

Tình trạng tàu hỏa tại Bắc Triều Tiên

Loại tàu tốt nhất miền Bắc, tàu tốc hành, cũng chỉ sử dụng quạt máy thay vì điều hòa, cho thấy tình trạng cơ sở vật chất lạc hậu tại đây. Không những vậy, loại tàu thông thường mà người dân miền Bắc sử dụng thậm chí còn có cửa sổ bị nứt, các toa tàu không có thiết bị làm mát hay sưởi, cơ sở vật chất cũ kỹ, gây ra nhiều bất tiện.

Hiện tại, các loại đầu máy tàu hỏa được sử dụng chủ yếu tại Bắc Triều Tiên đa phần là đầu máy hơi nước từ thời đế quốc Nhật chiếm đóng, đầu máy diesel nhập khẩu và đầu máy diesel, đầu máy điện tự sản xuất sau năm 1961. Miền Bắc có khoảng 10 cơ quan quan trọng liên quan đến ngành đường sắt, trong đó có Xí nghiệp liên hợp đầu máy điện Kim Chong-tae, Nhà máy 4/6, Nhà máy 6/7, Nhà máy sửa chữa xe Bình Nhưỡng và Nhà máy đường sắt Gujang. Những đơn vị này có cơ sở vật chất riêng để sản xuất các linh kiện phụ tùng của toa xe, đầu máy và toa chở khách, nhưng vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu đầu máy chuyên dụng, thiết bị điện chính và động cơ. Tuy nhiên, do khó khăn kinh tế và các lệnh trừng phạt quốc tế, ngành đường sắt miền Bắc đang gặp phải tình trạng thiếu nguồn cung linh kiện, phụ tùng.

 

Cách đặt tên ga tàu tại Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên có khoảng 720 ga đường sắt, trong đó có các ga kỹ thuật phụ trách việc bảo trì tàu hỏa, ga hàng hóa chuyên tập kết và xử lý hàng hóa, ga hành khách là nơi hành khách lên xuống tàu, ga quy mô nhỏ và ga tín hiệu để phát đèn tín hiệu.

Bắc Triều Tiên đã nhiều lần thay đổi tên ga tàu hỏa theo chỉ thị của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il hoặc theo các sự kiện hoặc ngày tháng kỷ niệm. Ví dụ, vào những năm 1990, một ga tàu gần thành phố Sinuiju (tỉnh Bắc Pyongan) đã được đổi tên thành ga Pohyang theo tên cô Shin Po-hyang, một nữ nhân viên đã đạt được nhiều thành tựu lớn tại Nhà máy chế tạo máy móc Ragwon. Ngoài ra, ga Kimchaek và ga Haksong cũng được đặt theo tên hai nhà cách mạng tham gia phong trào du kích kháng Nhật là Kim Chaek và Kim Hak-song. Một điều thú vị là ga tàu tại khu vực Dancheon (tỉnh Nam Hamgyong), nơi có sản lượng magie lớn nhất trên thế giới, đã được cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đặt tên là ga Donsan (núi tiền), sau đó đổi tên thành ga Baekgeumsan (núi bạch kim).

 

Các loại tàu hỏa tại Bắc Triều Tiên

Bên cạnh đó, ở Bắc Triều Tiên, tàu hỏa được phân loại thành tàu đặc biệt, tàu tốc hành, tàu bán tốc hành, tàu chạy chậm và tàu khứ hồi, tùy thuộc vào tốc độ hoặc ga dừng. Trong đó, tàu đặc biệt là loại tàu hỏa chuyên sử dụng cho các hoạt động ngoại giao đối nội hoặc đối ngoại của nhà lãnh đạo tối cao. Khi tàu này vận hành, tất cả các đoàn tàu khác phải tạm ngừng hoạt động. Tàu đặc biệt thường có hai toa hành khách cho nhà lãnh đạo tối cao cùng các toa cho cảnh vệ và phái đoàn. Dưới thời cố Chủ tịch Kim Jong-il, tàu này còn trang bị thêm các cơ sở vật chất y tế do vấn đề sức khỏe của nhà lãnh đạo. Số lượng toa và chiều dài của tàu đặc biệt có thể nói lên mục đích và thời gian chuyến đi của nhà lãnh đạo tối cao.  

 

Kế hoạch hiện đại hóa ngành đường sắt tại Bắc Triều Tiên

Năm ngoái, có thông tin Xí nghiệp liên hợp đầu máy điện Kim Chong-tae đã phát triển một đầu máy điện mới, có thể nâng cao khả năng vận chuyển và được coi là thành quả đổi mới trong công cuộc hiện đại hóa ngành đường sắt. Ngoài ra, theo Kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia 5 năm mới được đề xuất tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 vào tháng 1 năm nay, mục tiêu cơ bản của ngành đường sắt là tích cực thúc đẩy hiện đại hóa đường sắt và cách mạng hóa các dự án vận tải để đảm bảo giao thông đường sắt được thông suốt. Do đó, dự án hiện đại hóa đường sắt của Bắc Triều Tiên đang được thực hiện nhằm cải thiện các cơ sở vật chất còn thiếu để thiết lập một mạng lưới giao thông cần thiết cho tăng trưởng kinh tế.

 

Kế hoạch toàn cầu hóa ngành đường sắt tại Bắc Triều Tiên

Năm 2014, Bắc Triều Tiên đã có một động thái rất đáng chú ý khi đề xuất hiện đại hóa tuyến đường sắt từ Wonsan (tỉnh Gangwon) tới núi Geumgang. Khác với trước đây, miền Bắc đã đưa ra tất cả các đơn giá chính xác cho tuyến đường này sau quá trình phân tích chi phí và lợi ích, thường được thực hiện ở các nước tư bản chứ không phải các nước xã hội chủ nghĩa. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng đang cố gắng thực hiện toàn cầu hóa ngành đường sắt. Theo đó, có thể thấy Bắc Triều Tiên coi dự án kết nối đường sắt nói riêng và ngành đường sắt nói chung là phương tiện quan trọng để khôi phục hệ thống kinh tế, thu ngoại tệ và kết nối với cộng đồng quốc tế.

Tin mới nhất