Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Giao thông đường bộ ở Bắc Triều Tiên

2021-11-11

ⓒ YONHAP News

Những người đào tẩu Bắc Triều Tiên lần đầu tiên đến Hàn Quốc thường chia sẻ về những khó khăn gặp phải bởi sự khác biệt của biển báo và văn hóa giao thông. Vậy văn hóa giao thông của hai miền Nam-Bắc khác nhau như thế nào? Nối tiếp với số trước về đường xá Bắc Triều Tiên, hôm nay, Giám đốc Viện Hợp tác kinh tế bán đảo Hàn Quốc Ahn Byung-min sẽ cho chúng ta biết thêm về văn hóa giao thông đường bộ của miền Bắc.

 

Khái quát giao thông đường bộ miền Bắc

Phải đến năm 2004, Bắc Triều Tiên mới ban hành Luật giao thông đường bộ dù đã sử dụng ô tô được một thời gian dài. Trước đó, giao thông đường bộ nước này chỉ được quản lý tùy ý chứ không bị kiểm soát bởi luật pháp. Ba nguyên tắc cơ bản trong giao thông đường bộ miền Bắc là đi bên phải; nhường đường cho người đi bộ, xe buýt và xe điện; và xe chạy chậm phải nhường đường cho xe chạy nhanh. Theo luật, xe ngựa và xe bò vẫn được coi là phương tiện giao thông và người sử dụng loại xe này được coi là người đi bộ. Xe bò và xe ngựa được chỉ định đường đi và thời gian di chuyển riêng, bị cấm đỗ trên cầu và phải có máng đựng phân.

 

Các hình thức xử phạt vi phạm giao thông tại Bắc Triều Tiên

Luật giao thông Bắc Triều Tiên quy định khắt khe các hình thức xử phạt. Ví dụ, trường hợp vi phạm trật tự giao thông hoặc cản trở người đi bộ sẽ bị tạm giữ xe. Ngoài ra, người làm hỏng cơ sở vật chất đường bộ hoặc làm hư hại công trình công cộng khi đang điều khiển xe ô tô sẽ phải tự khôi phục lại trạng thái ban đầu cho công trình hoặc bồi thường thiệt hại. Đặc biệt, nếu gây tai nạn, hoặc gây tai nạn rồi bỏ chạy, vi phạm trật tự an toàn giao thông thì sẽ bị tịch thu xe. Nếu xe bị tịch thu có thể gây thiệt lại lớn cho các công ty và nhà máy, cho thấy mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ nghiêm khắc tại Bắc Triều Tiên.

 

Biển báo giao thông tại Bắc Triều Tiên

Khác với Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên không tham gia ký kết Công ước giao thông đường bộ tại Geneva (Thụy Sỹ) vào năm 1949 để thống nhất với quốc tế trong việc sử dụng biển báo giao thông. Thay vào đó, nước này tự thiết kế biển giao thông, dẫn đến tình trạng biển báo không được thống nhất dù có ưu điểm đơn giản và rõ ràng. Ví dụ, biển báo dừng chỉ có duy nhất chữ “Sot” (dừng lại), biển báo “chú ý” chỉ có một dấu chấm than lớn, có cả biển ghi “bấm còi” và biển ghi “đi qua nhau”. Điều thú vị là miền Bắc có biển báo hình con bò, xe ngựa, biển báo hình tròn chỉ các lệnh cấm mà nước này tự sản xuất. Những biển báo gây khó hiểu này hiện hữu khắp nơi tại Bắc Triều Tiên nhưng lại không có ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

 

Các phương tiện giao thông tiêu biểu tại Bắc Triều Tiên

Phương tiện giao thông công cộng của Bình Nhưỡng bao gồm xe điện bánh hơi, tàu điện ngầm và xe buýt thành phố. Xe điện bánh hơi trông giống như xe buýt thông thường nhưng chạy bằng điện được kéo từ dây điện trên cao. Loại xe này kết nối các ga tàu điện ngầm lớn với các khu thương mại và dân cư, với trung tâm là ga Bình Nhưỡng. Từ những năm 2000, xe buýt hai tầng bắt đầu được miền Bắc sử dụng trong những giờ cao điểm lúc đi làm và tan tầm. Số lượng taxi tại Bắc Triều Tiên cũng tăng mạnh trong những năm gần đây, từ dưới 100 xe taxi vào đầu những năm 2000 lên 6.000 chiếc trong năm 2019. Trước đây, tắc-xi chủ yếu được tầng lớp trẻ và thương gia giàu có sử dụng vì có giá cả đắt đỏ. Nhưng ngày này, ngày càng có nhiều người ở miền Bắc sử dụng tắc-xi bởi tính tiện lợi, tốc độ nhanh và dịch vụ chất lượng dù giá thành đắt hơn nhiều so với xe buýt và tàu điện ngầm.

 

Loại “xe dịch vụ” tại Bắc Triều Tiên

Quân đội, doanh nghiệp, cơ quan hành chính và đảng Lao động là 4 đơn vị công có xe riêng tại Bắc Triều Tiên. Các thương nhân có thể ký hợp đồng thuê phương tiện với các đơn vị này để vận chuyển hàng từ địa phương này đến địa phương khác kiếm lời, sau đó sẽ trả phí mượn xe. Lúc này, xe công được sử dụng làm phương tiện di chuyển cá nhân, và đây chính là cách hoạt động của xe dịch vụ. Sau khi sử dụng xe dịch vụ để kinh doanh và kiếm được nhiều lợi nhuận, các thương nhân miền Bắc mua ô tô cũ từ Trung Quốc, đăng ký trên danh nghĩa của một trong 4 đơn vị Nhà nước trên và sử dụng với mục đích vận tải cá nhân. Ban đầu, xe dịch vụ chủ yếu là xe tải, sau đó mở rộng sang xe buýt loại nhỏ, xe buýt thành phố và xe buýt liên tỉnh, trở thành phương tiện làm thay đổi thị trường vận tải miền Bắc.

 

Nhu cầu đi lại của người dân miền Bắc gia tăng

Vào thời bao cấp, người dân Bắc Triều Tiên được Nhà nước cấp nhà và việc làm nên chỉ cần di chuyển quãng đường ngắn giữa nhà và cơ quan hoặc trường học. Tuy nhiên, sau khi hệ thống bao cấp sụp đổ, nhiều người dân phải kiếm sống bằng cách buôn bán tại chợ, khiến họ phải di chuyển đi lại 8-10 lần/ngày, mở ra triển vọng ô tô trở thành phương tiện giao thông chính tại miền Bắc. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên bị hạn chế về phương tiện và nhiên liệu để vận hành ô tô. Để mở rộng giao thông đường bộ, nước này cần giao lưu với thế giới bên ngoài. Liên quan đến vấn đề cải cách và mở cửa miền Bắc, mối quan hệ hợp tác liên Triều là vô cùng cần thiết.

Tin mới nhất