Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Rượu ở Bắc Triều Tiên

2020-03-12

ⓒ KBS

Trong bối cảnh dịch corona-19 bùng phát kéo dài, nhân sâm đang được coi là một trong những giải pháp ngăn ngừa và chữa khỏi virus ở Bắc Triều Tiên. Một hãng tuyên truyền của Bắc Triều Tiên đã quảng bá nhân sâm từ Gaeseong giúp tăng cường hệ miễn dịch để đẩy mạnh tiêu thụ nước giải khát và rượu làm từ loại dược liệu này. Trên thực tế, người miền Bắc đã sản xuất rượu từ một loạt các loại thảo dược, trong đó có nhân sâm, và các loại trái cây bản địa tuỳ từng khu vực. Đồ uống có cồn phổ biến ở miền Bắc gồm rượu việt quất “deuljjuk” làm từ những quả việt quất trồng trên núi Baekdu, rượu “moru” làm từ nho tự nhiên trên núi Ganggye và rượu sâm tự nhiên tỉnh Jagang. Giáo sư Chung Eun-chan đến từ Viện Giáo dục Thống nhất thuộc Bộ Thống nhất chia sẻ thêm về rượu ở Bắc Triều Tiên.


Thương hiệu quen thuộc với người dân Hàn Quốc “Bia Taedonggang”

Trong các loại thức uống của Bắc Triều Tiên, bia Taedonggang, đặt tên theo con sông Taedong chảy qua thủ đô Bình Nhưỡng, là thương hiệu quen thuộc nhất với người Hàn Quốc hiện nay. Loại bia này đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi tại Hàn Quốc sau khi tạp chí “Nhà kinh tế học” của Anh đăng một bài báo tựa đề “Đồ ăn tuyệt hảo, bia nhàm chán” năm 2012, bình luận rằng bia Hàn Quốc hơi vô vị nhưng bia Bắc Triều Tiên lại khá ổn. Ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4/2018 kết thúc, một số người dân Hàn Quốc thậm chí đã ký một bản kiến nghị trực tuyến trên trang web của Phủ Tổng thống, kêu gọi nhập khẩu bia Taedonggang (sông Taedong). Thương hiệu bia này được chính quyền Bắc Triều Tiên hỗ trợ mọi mặt, và là một trong những mặt hàng xuất khẩu đáng tự hào của miền Bắc.


Rượu soju Bình Nhưỡng là quốc tửu

Trong khi rất khoe khoang về bia Taedonggang, Bắc Triều Tiên vẫn coi rượu soju Bình Nhưỡng là thức uống đặc trưng của quốc gia. Ngày 7/10/2018, Báo Lao động, cơ quan tuyên truyền của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đã công bố rượu soju Bình Nhưỡng là quốc tửu, và cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đánh giá rất cao dòng rượu này.

Rượu soju Bình Nhưỡng được làm từ ngô và gạo trắng với hương vị khá nồng. Nhà máy ở Bình Nhưỡng sản xuất loại rượu này với hai kích cỡ khác nhau là 500 ml và 750 ml, nồng độ cồn 25% hoặc 30%, cao hơn nhiều so với rượu soju của Hàn Quốc. Nhìn chung, rượu nặng của Bắc Triều Tiên có nồng độ cồn khá cao, hầu hết hơn 20%, trong khi rượu Hàn Quốc thường có nồng độ dưới 20%.


Uống bia siết chặt tình bằng hữu

Những người thuộc tầng lớp thượng lưu ở miền Bắc thường uống bia tại các nhà hàng chỉ chấp nhận ngoại tệ. Ở đó, loại bia rẻ nhất có giá 2 USD/chai. Mức giá này được coi là tương đối cao, vì người dân Bắc Triều Tiên có thể mua 2 kg gạo chỉ với 1 USD.

Người Bắc Triều Tiên uống rượu với hàng xóm hoặc đồng nghiệp khá thường xuyên để vui vẻ với nhau và siết chặt tình bằng hữu. Khi uống rượu, họ cũng thích hô hào nhau “100%” hay “Cạn ly!” Người dân Bắc Triều Tiên bắt đầu thường xuyên tổ chức tiệc từ những năm 2010, khi sản xuất rượu phổ biến hơn và các quy định liên quan đã được nới lỏng.

Hy vọng trong tương lai, người dân hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc sẽ không còn chỉ trích và mất niềm tin lẫn nhau, mà cùng tận hưởng những loại rượu bia đặc trưng của bán đảo Hàn Quốc trong niềm vui thống nhất.

Tin mới nhất