Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Truyền đơn chống Bắc Triều Tiên

2020-07-09

ⓒ YONHAP News

Quan hệ liên Triều đã xấu đi nghiêm trọng trong mấy tuần gần đây, sau vụ việc các tổ chức người tị nạn miền Bắc tại Hàn Quốc rải truyền đơn chống phá Bắc Triều Tiên.

Tháng trước, em gái Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un là Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong đã ra tuyên bố lên án gay gắt hành vi phát tán truyền đơn chống Bắc Triều Tiên. Vài ngày sau, nước này cho nổ Văn phòng liên lạc chung liên Triều ở Gaesung, và đe dọa rải 12 triệu truyền đơn xuống lãnh thổ miền Nam. Đáp lại, một tổ chức dân sự của người tị nạn miền Bắc tại miền Nam là Liên minh vận động tự do Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục hành động này, châm ngòi cho cuộc chiến rải truyền đơn qua biên giới. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về lịch sử của truyền đơn trên bán đảo Hàn Quốc cùng giáo sư Bong Young-shik từ Viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên Yonsei.


Truyền đơn luôn là tác nhân gây xung đột giữa hai miền Nam-Bắc

“Truyền đơn từng được sử dụng làm vũ khí tâm lý trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Bắc Triều Tiên phát tán truyền đơn tới các lực lượng liên quân Liên hợp quốc, còn quân Hàn Quốc cũng rải truyền đơn sang lãnh thổ miền Bắc. Hoạt động rải truyền đơn chấm dứt khi Hiệp định cơ bản liên Triều được ký kết tháng 12/ 1991, theo đó, hai bên đã đồng ý ngừng công kích nhau từ năm 2000”.

Truyền đơn chống Bình Nhưỡng đã trở thành tác nhân quan trọng cho cuộc xung đột liên Triều năm 2008 khi Liên minh vận động tự do Bắc Triều Tiên tham gia chiến dịch rải truyền đơn có hệ thống. Các tờ truyền đơn bắt đầu được phát tán sang Bắc Triều Tiên vào tháng 2/2010, số lượng lớn trong đó thuộc về tổ chức dân sự này.  Ngày 16/2/2010, Liên minh vận động tự do Bắc Triều Tiên đã rải 30.000 truyền đơn từ thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi. Kể từ đó, số lượng truyền đơn tăng lên 100.000 mỗi lần, Đài Tiếng nói nhân dân thuộc Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc còn lập kỷ lục với tổng cộng hơn 1 triệu truyền đơn rải sang miền Bắc.

Theo một báo cáo về tình hình rải truyền đơn hàng năm của Bộ Thống nhất, văn phòng của Đại diện đảng Dân chủ đồng hành Song Young-gil đã rải ít nhất 20 triệu truyền đơn sang miền Bắc trong 10 năm qua.


Nội dung và cách thức rải truyền đơn thay đổi theo thời gian

Hình thức rải truyền đơn cũng thay đổi nhiều trong 7 thập kỷ qua kể từ khi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc. Từ năm 2012, các nhóm tị nạn Bắc Triều Tiên không chỉ đơn thuần rải truyền đơn mà còn gửi video quay cảnh Hàn Quốc phát triển thịnh vượng. Trước đây họ thường gửi DVD, nhưng hiện tại, USB hoặc thẻ SD ngày càng được ưa chuộng.

Các vật liệu và công nghệ in ấn truyền đơn cũng phát triển đáng kể. Từ năm 2005, Liên minh vận động tự do Bắc Triều Tiên đã bắt đầu sử dụng khí hydro thay vì heli để các quả bóng bay có thể chứa hơn 50.000 bản một lần. Họ cũng bắt đầu sử dụng giấy chống thấm, máy bay không người lái và hệ thống GPS để phát tán truyền đơn chuẩn xác hơn. Nội dung của truyền đơn cũng thay đổi nhiều qua các năm.

Câu hỏi đặt ra là hiệu quả của truyền đơn chống Bình Nhưỡng đến đâu. Những quả bóng chứa truyền đơn của Hàn Quốc được gió Tây Nam hoặc Đông Nam thổi qua biên giới, nhưng chỉ khoảng 100 ngày trong năm có gió theo hướng này. Thêm vào đó, phần lớn các truyền đơn hạ cánh xuống núi, kể cả có đến được khu dân cư cũng không thể tiếp cận người dân miền Bắc vì họ sẽ bị trừng phạt nghiêm trọng nếu sở hữu truyền đơn của miền Nam. Do đó, hoạt động rải truyền đơn không hề hiệu quả. Trên thực tế, số lượng truyền đơn đến được lãnh thổ miền Bắc chưa bao giờ được thống kê chính xác.


Dự luật cấm truyền đơn chống Bắc Triều Tiên gây nhiều tranh cãi

Các nhóm bảo thủ và người tị nạn Bắc Triều Tiên cho rằng Chính phủ không được xâm phạm quyền tự do ngôn luận của họ, và các truyền đơn là rất cần thiết để cải thiện tình trạng nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Nhưng cư dân ở khu vực Paju gần biên giới lại phản đối mạnh mẽ các hoạt động rải truyền đơn, cho rằng họ chỉ có thể duy trì sinh kế khi hòa bình ở khu vực biên giới được đảm bảo. Ngay cả trong giới tư pháp và chính trị, một bên cho rằng cấm rải truyền đơn là vi hiến vì sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận, một bên lại ủng hộ lệnh cấm nhằm bảo vệ an toàn cho cư dân ở khu vực biên giới.

Dự kiến “Luật cấm truyền đơn chống Bắc Triều Tiên” sẽ là tâm điểm tranh luận gay gắt trong phiên họp bất thường tháng 7 của Quốc hội Hàn Quốc. Đảng Dân chủ cầm quyền muốn thông qua dự luật cấm thả bóng bay chứa truyền đơn gần đường phân giới quân sự, và áp dụng hình phạt lên tới ba năm tù hoặc phạt hành chính 30 triệu won (khoảng 25.000 USD) cho những người vi phạm. Vấn đề này sẽ tiếp tục là chủ đề chính trị nhức nhối cho cả phe cầm quyền và đối lập.

Tin mới nhất