Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Hàng cao cấp tại Bắc Triều Tiên

2020-07-16

ⓒ ROLEX Korea

Các cửa hàng miễn thuế ở Hàn Quốc gần đây đã bắt đầu phân phối hàng hóa thông qua các kênh bán lẻ nội địa. Các mặt hàng miễn thuế, đặc biệt là hàng xa xỉ, tồn đọng trong nhiều tháng do đại dịch COVID-19, đang được cung cấp với mức giá thấp hơn giá miễn thuế thông thường. Do đó, các sự kiện bán hàng hàng miễn thuế giảm giá luôn thu hút đông đảo người tiêu dùng. Không biết phía bên kia bán đảo Hàn Quốc thì như thế nào, người Bắc Triều Tiên có tiêu dùng hàng xa xỉ nhập ngoại hay không? Tiến sĩ Bong Young-shik từ Viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên, Đại học Yonsei sẽ trả lời câu hỏi này.


Gia đình Chủ tịch Kim Jong-un là fan của hàng nhập ngoại cao cấp

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nổi tiếng yêu thích các mẫu đồng hồ xa xỉ của Thụy Sĩ. Miền Bắc đã không nhập một chiếc đồng hồ nào từ Thụy Sĩ trong năm nay do dịch COVID-19. Tuy nhiên, Đài châu Á tự do (RFA) cho biết lượng đồng hồ nhập khẩu từ Thụy Sĩ của Bắc Triều Tiên năm 2019 gấp đôi một năm trước. Theo Liên đoàn công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ, giá đồng hồ Thụy Sĩ xuất sang Bắc Triều Tiên năm 2019 thấp hơn 1.000 Franc Thụy Sĩ (khoảng 1.060 USD), chính là mức giá giới hạn của các mặt hàng cao cấp theo lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc lên miền Bắc. Tuy nhiên, nhiều đồng hồ Thụy Sĩ được cho là tới Bắc Triều Tiên thông qua một nước thứ ba. Đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju cũng nổi tiếng rất ưa chuộng các mặt hàng xa xỉ.


Hàng cao cấp vẫn chảy vào miền Bắc bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế

Nhiều người có thể băn khoăn làm thế nào những hàng hóa cao cấp đó đến được Bắc Triều Tiên, bởi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đã cấm bán hàng xa xỉ cho nước này. Ngày 29/4 năm ngoái, tài khoản Twitter tiến sỹ Bong vừa đề cập đã đăng hình các mặt hàng thương hiệu cao cấp nổi tiếng thế giới bày bán tại một trung tâm thương mại mới mở ở Bình Nhưỡng. Ngày 2/5, trang tin chuyên về Triều Tiên NK News cũng đưa tin hàng hóa cao cấp đang chảy vào Bắc Triều Tiên bất chấp các lệnh trừng phạt nhằm ngăn chặn hàng xa xỉ lưu thông trong giới thượng lưu miền Bắc.

Bắc Triều Tiên chỉ trích mạnh mẽ tư tưởng và lối sống tư sản. Tuy nhiên trên thực tế, giới tiểu thương tại các chợ tư nhân (jangmadang) và những người giàu có muốn sở hữu đồ xa xỉ không thực sự quan tâm đến những phê phán của chính quyền. Ngược lại, các doanh nhân tin rằng kinh doanh hàng xa xỉ là công việc sinh lợi đầy tiềm năng, và tập trung đảm bảo lưu thông các sản phẩm đó.


Nhiều tầng lớp khác ngoài quan chức bắt đầu tiếp cận sản phẩm cao cấp

Khó khăn kinh tế của Bắc Triều Tiên đang ngày càng trầm trọng vì đại dịch COVID-19. Theo báo cáo của các tổ chức quốc tế, trong đó có Chương trình lương thực thế giới (WFP), tình trạng thiếu lương thực ở miền Bắc năm ngoái chạm đáy tồi tệ nhất trong 10 năm qua. Chính vì lẽ đó, ngay cả giới thượng lưu trong nước cũng không còn mặn mà với các sản phẩm xa xỉ, khiến chính quyền khá lo ngại.

Trước đây, chỉ có giới thượng lưu mới có thể mua hàng xa xỉ ở Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên những năm gần đây, tầng lớp doanh nhân mới nổi và thậm chí cả công dân nói chung cũng đang dần dần tiếp cận các sản phẩm cao cấp. Điều đó có nghĩa là ngày càng nhiều người miền Bắc tiết kiệm tiền để mua hàng hóa cao cấp nhập khẩu từ nước ngoài. Hàng hóa xa xỉ đã trở thành biểu tượng của sự giàu có, nên xu hướng ưa chuộng các mặt hàng cao cấp tại thị trường Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ ngày càng lan rộng.

Tin mới nhất