Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Tròn 30 năm Thỏa thuận cơ bản liên Triều 1991

Tin nổi bật trong tuần2021-12-18

ⓒYONHAP News

Ngày 13/12 vừa qua là kỷ niệm tròn 30 năm Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ký kết “Thỏa thuận cơ bản liên Triều” đề ra nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hai miền Nam-Bắc. Mặc dù quan hệ Triều hiện nay vẫn trong tình trạng bế tắc, nhưng thỏa thuận lịch sử này vẫn mang ý nghĩa lớn, là tinh thần cơ bản trong quan hệ song phương.

 

Thỏa thuận cơ bản liên Triều

Thỏa thuận cơ bản liên Triều là một văn kiện lịch sử được ký kết tại cuộc họp cấp cao liên Triều lần thứ 5 diễn ra tại Seoul vào ngày 13/12/1991, giữa Thủ tướng Hàn Quốc Chung Won-shik và Thủ tướng Bắc Triều Tiên Yon Hyong-muk. Tên gọi chính thức đầy đủ của thỏa thuận này là “Thỏa thuận về hòa giải, bất khả xâm phạm và giao lưu hợp tác liên Triều”.

 

Thỏa thuận mở đầu bằng câu tuyên bố “Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên công nhận và tôn trọng thể chế của đối phương”, gồm 4 chương và 25 điều, thiết lập khung cơ bản cho quan hệ Nam-Bắc. Chương I của thỏa thuận là “Hòa giải liên Triều”, chương II “Bất khả xâm phạm lẫn nhau”, chương III “Giao lưu hợp tác”, chương IV “Sửa đổi và hiệu lực”. Ngoài thỏa thuận chính còn có các văn kiện đi kèm là “Tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc”, “Biên bản thực thi hòa giải, bất khả xâm phạm và giao lưu hợp tác liên Triều”, cụ thể hóa cách thức thực hiện các nội dung trong thỏa thuận. Sau thỏa thuận này, quan hệ hai miền đã có nhiều tiến triển, tiêu biểu là Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất diễn ra vào năm 2000.

 

Bối cảnh và ý nghĩa

Ý nghĩa lớn nhất của Thỏa thuận cơ bản liên Triều là việc hai miền Nam-Bắc lần đầu tiên công nhận thể chế của đối phương. Trước đó, hai bên đã không công nhận thể chế của nước kia, coi nhau như “kẻ thù”. Tuy nhiên, tới thỏa thuận này, hai bên đã thiết lập nền tảng để có thể theo đuổi sự phát triển chung thông qua giao lưu hợp tác, từng bước tiến tới thống nhất dân tộc. Việc quan hệ liên Triều xoay chuyển sang cục diện mới khi đó là do sự thay đổi của trật tự thế giới, cũng như sự thay đổi nhận thức của mỗi bên. Vào thời điểm đó, Liên Xô và khối các quốc gia Cộng sản Đông Âu sụp đổ, trật tự chiến tranh lạnh dần bị xóa bỏ. Ở trong nước, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Roh Tae-woo đã tích cực xúc tiến chính sách ngoại giao với các nước chủ nghĩa xã hội, thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô và Trung Quốc. Đặc biệt, cựu Tổng thống Roh Tae-woo đã ra “Tuyên bố ngày 7/7/1988”, không coi Bắc Triều tiên là “kẻ thù” mà là “đối tác thống nhất và hòa bình”. Sau đó, hai miền bắt đầu mở các cuộc hội đàm cấp cao liên Triều. Thỏa thuận cơ bản liên Triều là thành quả đạt được sau đó 15 tháng, trên tinh thần hướng tới sự thịnh vượng chung, thống nhất dân tộc.

 

Quan hệ liên Triều hôm qua và hôm nay

Sau thỏa thuận trên, quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc liên tục gặp không ít thăng trầm. Chỉ hai năm sau khi ký thỏa thuận, tức vào năm 1993, Bắc Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, khiến quan hệ liên Triều xấu đi, thỏa thuận trở nên vô nghĩa. Nhưng sau khi Chính phủ Tổng thống Kim Dae-jung ra mắt vào năm 1998, hai bên đã tổ chức cho các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên thăm lại quê hương. Vào năm 2000, hai bên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng, đưa quan hệ Nam-Bắc bước sang cục diện mới. Dưới thời chính quyền Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, tưởng chừng như vấn đề hạt nhân miền Bắc sẽ được giải quyết. Vậy nhưng cho tới nay, Washington và Bình Nhưỡng vẫn chưa tìm được điểm chung, cả quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều vẫn đang trong tình trạng nguội lạnh.

Tin mới nhất