Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc đồng đề xuất dự thảo nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên sau 4 năm

Tin nổi bật trong tuần2022-11-05

ⓒYONHAP News

Seoul đồng đề xuất dự thảo nhân quyền Bắc Triều Tiên

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lim Soo-suk trong buổi họp báo thường kỳ ngày 1/11 cho biết Hàn Quốc đã tham gia vào dự thảo nghị quyết về nhân quyền Bắc Triều Tiên do Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng với tư cách là nước đồng đề xuất, trình lên Ủy ban thứ ba phụ trách về nhân quyền thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc tham gia dự thảo nghị quyết với vai trò là nước đồng đề xuất sau 4 năm.

Phát ngôn viên Lim cho biết Chính phủ Hàn Quốc coi tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên là một vấn đề nhân quyền mang tính phổ quát, cần đối phó một cách nhất quán dựa trên nguyên tắc. Seoul đang tích cực tham gia thảo luận cùng cộng đồng quốc tế, như tại Liên hợp quốc, nhằm tăng cường nhân quyền cho người dân miền Bắc.

Hàng năm, Liên hợp quốc lại thông qua dự thảo về nhân quyền Bắc Triều Tiên tại cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền vào nửa đầu năm và tại Đại hội đồng vào nửa cuối năm. Dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc thường được thông qua tại Ủy ban thứ ba phụ trách về nhân quyền vào trung tuần tháng 11, sau đó sẽ được thông qua tiếp tại cuộc họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc từ giữa cho tới cuối tháng 12.

Từ năm 2008 tới năm 2018, Hàn Quốc đóng vai trò là nước đồng đề xuất dự thảo nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên. Từ năm 2019 cho tới năm 2021, do cân nhắc tới ảnh hưởng đến quan hệ liên Triều, Seoul đã không tham gia đồng đề xuất dự thảo, mà chỉ tham gia vào quá trình biểu quyết “nhất trí toàn diện” tại cuộc họp toàn thể Đại hội đồng Liên hợp quốc.


Bối cảnh

Việc Hàn Quốc quay trở lại đồng đề xuất dự thảo nghị quyết về nhân quyền Bắc Triều Tiên là điều đã được dự đoán từ trước. Kể từ sau khi nhậm chức vào tháng 5 năm nay, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol thể hiện sự coi trọng đối với quá trình thảo luận tại cộng đồng quốc tế về vấn đề nhân quyền Bắc Triều Tiên, cho biết Hàn Quốc sẽ quay lại đồng đề xuất dự thảo nghị quyết nhân quyền miền Bắc .

Trên thực tế, trong năm nay, Chính phủ Hàn Quốc đã tích cực tham gia vào quá trình thảo luận dự thảo nghị quyết nhân quyền miền Bắc tại Đại hội đồng Liên hợp quốc do EU khởi xướng. Cùng với đó, Bộ Ngoại giao đã thông báo về việc đang tích cực xem xét phương án đồng đề xuất dự thảo.

Mặc dù nội dung dự thảo nghị quyết lần này chưa được công bố, nhưng Bộ Ngoại giao cho biết không có sự khác biệt lớn với nghị quyết trước đó. Nghị quyết năm ngoái lên án tình hình xâm phạm nhân quyền tại miền Bắc đang diễn ra một cách có tổ chức, trên phạm vi rộng suốt thời gian dài. Nghị quyết cũng liệt kê các hành vi xâm phạm nhân quyền cụ thể như tra tấn, tự ý bắt bớ, giam giữ, bạo hành tình dục phụ nữ, lập trại giam tù nhân chính trị, cưỡng bức mất tích, hạn chế quyền tự do đi lại của người dân, trừng phạt những người tị nạn miền Bắc bị trục xuất về nước, hạn chế quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do nhóm họp lập hội. Quyền lợi về kinh tế, xã hội, văn hóa của người dân càng trở nên xấu đi do dịch COVID-19. Ngoài ra, nghị quyết năm ngoái lần đầu tiên đưa vào nội dung lo ngại về tình trạng xâm phạm nhân quyền với tù nhân chiến tranh chưa được trao trả và con cháu của họ vẫn đang tiếp diễn tình trạng này.


Triển vọng

Tình hình nhân quyền Bắc Triều Tiên là một vấn đề cấp thiết, được cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại. Tuy nhiên, miền Bắc coi mối lo ngại của cộng đồng quốc tế là “xâm phạm chủ quyền”, luôn phản đối quyết liệt. Trong năm ngoái, khi nghị quyết nhân quyền miền Bắc được thông qua tại Ủy ban thứ ba Đại hội đồng Liên hợp quốc, nước này đã ra tuyên bố dưới danh nghĩa người phát ngôn Bộ Ngoại giao, không công nhận và lên án nghị quyết này là hành vi xâm phạm chủ quyền.


Việc Hàn Quốc quay trở lại tham gia đồng đề xuất dự thảo nhân quyền Bắc Triều Tiên được cho là sẽ lại làm dấy lên sự phản đối gay gắt từ chính quyền Bình Nhưỡng. Thời gian gần đây, miền Bắc liên tục khiêu khích tên lửa, đặc biệt là vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn xuống vùng biển quốc tế phía Nam đường ranh giới liên Triều trên biển Đông vào ngày 2/11. Động thái này nhắm vào cuộc tập trận chung của liên quân Hàn-Mỹ, nhưng vấn đề nhân quyền cũng có thể trở thành cái cớ để Bình Nhưỡng khiêu khích. Do vậy, dự kiến mâu thuẫn liên Triều, sự đối đầu giữa Bắc Triều Tiên và cộng đồng quốc tế sẽ càng trở nên sâu sắc hơn trong thời gian tới.

Tin mới nhất