Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Chủ tịch Bắc Triều Tiên thăm Trung Quốc

Tin nổi bật trong tuần2018-04-01
Chủ tịch Bắc Triều Tiên thăm Trung Quốc

Chủ tịch đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 25/3 tới ngày 28/3 vừa qua, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào tháng 4 và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra vào tháng 5. Chuyến thăm được phân tích là nhằm mục đích khôi phục quan hệ Trung-Triều, vốn rơi vào tình trạng nguội lạnh trong thời gian qua. Sự thân thiết trở lại của hai quốc gia trên đang là một yếu tố mới tác động tới tình hình bán đảo Hàn Quốc trong thời gian tới.

Ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc
Vào hôm 28/3, truyền thông Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đồng loạt công bố về chuyến thăm của ông Kim Jong-un. Theo nội dung đưa tin, ông Kim đã thăm Bắc Kinh theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc họp thượng đỉnh tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Tại cuộc họp, ông Kim đã giải thích về bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều, đồng thời bày tỏ quyết tâm phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc.

Theo công bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Chủ tịch Kim Jong-un nhấn mạnh phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc là di nguyện của hai cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, và ông cũng giữ lập trường nhất quán, trước sau như một, về vấn đề này. Lãnh đạo miền Bắc nhấn mạnh việc giải trừ hạt nhân có thể được giải quyết nếu Mỹ và Hàn Quốc đáp lại những nỗ lực của Bình Nhưỡng bằng sự thiện chí, tạo ra một bầu không khí hòa bình, ổn định, đồng thời tiến hành các giải pháp đồng bộ và theo giai đoạn nhằm thiết lập hòa bình. Ông Kim nhấn mạnh cần thường xuyên gặp gỡ các quan chức lãnh đạo của Trung Quốc để củng cố tình hữu nghị song phương, tăng cường trao đổi và phối hợp chiến lược, đẩy mạnh đoàn kết và hợp tác Trung-Triều. Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá sở dĩ tình hình bán đảo Hàn Quốcgần đây có những chuyển biến tích cực đều là nhờ “sự quyết đoán chiến lược” của ông Kim Jong-un, cũng như những nỗ lực của đảng Lao động và Chính phủ Bắc Triều Tiên. Như vậy là qua hội nghị thượng đỉnh vừa rồi, hai bên đã khôi phục lại được mối quan hệ song phương.

Phản ứng
Chính phủ Hàn Quốc đã có bài bình luận dưới danh nghĩa người phát ngôn Bộ Ngoại giao Noh Kyu-duk, bày tỏ hoan nghênh chuyến thăm Bắc Kinh của ông Kim Jong-un. Seoul kỳ vọng chuyến thăm này sẽ góp phần vào ổn định hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc. Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết phía Washington cũng nhìn nhận khá lạc quan rằng tình hình đang chuyển biến theo hướng tích cực. Điều này là một minh chứng cho thấy các biện pháp gây sức ép tối đa của Mỹ với Bắc Triều Tiên đã phát huy được hiệu quả.

Trong khi đó, chính giới Hàn Quốc lại phản ứng trái chiều về chuyến thăm Bắc Kinh của ông Kim Jong-un. Đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành nhận định chuyến thăm của ông Kim sẽ tác động tích cực tới tình thế bán đảo Hàn Quốc. Ngược lại, đảng đối lập Hàn Quốc tự do lại cho rằng chuyến thăm này chỉ là một chiến thuật ngoại giao hạt nhân điển hình của miền Bắc.

Ý nghĩa và triển vọng
Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đều đạt được lợi ích chiến lược từ chuyến thăm Bắc Kinh lần này của ông Kim Jong-un. Phía Trung Quốc đang cần can thiệp tích cực hơn vào vấn đề bán đảo Hàn Quốc trong bối cảnh nước này có phần bị đẩy ra xa trong cục diện đối thoại Hàn-Triều-Mỹ gần đây. Trong khi đó, Bắc Triều Tiên cần tìm một nước đồng minh cho mình để đối phó với sự phối hợp Hàn-Mỹ.

Như vậy là quỹ đạo Hàn-Mỹ và Trung-Triều đã được thiết lập lại trước thềm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều. Trước hết, việc ông Kim Jong-un bày tỏ ý định phi hạt nhân hóa được đánh giá là một tín hiệu tích cực. Trong thời gian qua, nước này chưa từng đề cập về vấn đề này, khiến dư luận quốc tế không khỏi bất an. Ngược lại, việc nhà lãnh đạo miền Bắc đặt ra điều kiện là Hàn Quốc và Mỹ phải thực hiện “các giải pháp đồng bộ và theo giai đoạn” lại là một yếu tố gây bất an, cho thấy nước này có ý định thực hiện chiến thuật “cắt lát salami” như trước đây, tức nhượng bộ từng chút một để đổi lấy những điều kiện trao đổi nhất định. Điều này đối ngược với lập trường của Mỹ và Hàn Quốc, hai nước vốn không thích thương lượng theo giai đoạn.

Tin mới nhất