Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Tổng kết Olympic PyeongChang 2018

Tin nổi bật trong tuần2018-02-25
Tổng kết Olympic PyeongChang 2018

Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 đã chính thức khép lại 17 ngày thi đấu đầy kịch tính, từ ngày 9/2 tới ngày 25/2. Sự kiện này được đánh giá là một kỳ Thế vận hội thành công của nước chủ nhà Hàn Quốc, từ khâu điều hành tổ chức, khía cạnh kinh tế, tới thành tích của các vận động viên, như số kỷ lục ghi được.
Thế vận hội lần này có sự tham dự của 2.920 vận động viên đến từ 92 quốc gia trên toàn thế giới, quy mô tham dự lớn nhất từ trước tới nay. Nước chủ nhà Hàn Quốc giành được tổng cộng năm huy chương vàng, tám huy chương bạc, bốn huy chương đồng, số huy chương kỷ lục trong lịch sử tham dự Thế vận hội, đứng thứ bảy toàn đoàn.

“Đại lễ hội Trái Đất” thành công
Thế vận hội được diễn ra tại ba khu vực là huyện Pyeongchang, thành phố Gangneung và huyện Jeongseon thuộc tỉnh Gangwon, miền Đông Hàn Quốc. Các vận động viên toàn thế giới đã cạnh tranh quyết liệt để giành tổng cộng 102 chiếc huy chương vàng trong 17 ngày thi đấu. Ngay từ lễ khai mạc do Tổng đạo diễn Song Seung-hwan đảm trách, Olympic PyeongChang đã khiến người hâm mộ thể thao tin tưởng về một kỳ Thế vận hội chi phí thấp nhưng lại hứa hẹn đem đến nhiều cảm xúc trào dâng. Đặc biệt, việc đoàn thể thao hai miền Nam-Bắc cùng tiến vào vào lễ khai mạc Thế vận hội, lần đầu sau 11 năm, kể từ sau Á vận hội mùa đông Trường Xuân (Trung Quốc) năm 2007, càng khiến Olympic PyeongChang thêm phần ý nghĩa.
Công tác tổ chức Thế vận hội cũng được đánh giá cao. Ngoài việc lịch trình các bộ môn trượt tuyết phải thay đổi mấy lần do gió lớn, tất cả các lịch trình thi đấu khác đều diễn ra thuận lợi. Đây là một kỳ Olympic an toàn tuyệt đối, hoàn toàn không xảy ra bất cứ vấn đề an ninh nào. Các biện pháp an ninh đặc biệt được tiến hành hết sức tinh tế, không lộ liễu, tạo ra một bầu không khí thoải mái, giúp các vận động viên có thể tập trung hoàn toàn cho thi đấu. Bên cạnh đó, về mặt kinh tế, 98% vé xem các nội dung thi đấu được bán ra. Olympic PyeongChang lần này đã đạt được thành tích đáng kể, với hai kỷ lục thế giới và 15 kỷ lục Thế vận hội. Ngoài ra, Olympic lần này còn có sự góp mặt của sáu quốc gia lần đầu tham dự Thế vận hội mùa đông là Ecuador, Malaysia, Singapore, Eritrea, Kosovo, Nigeria. Tỷ lệ các vận động viên nữ chiếm 42%, mức cao nhất từ trước tới nay.

Thế vận hội hòa bình
Ý nghĩa lớn nhất mà Olympic PyeongChang đem đến trước hết là một kỳ Thế vận hội “hòa bình”. Trong năm ngoái, căng thẳng hạt nhân Bắc Triều Tiên dâng cao, khiến nhiều ý kiến lo ngại trước thềm khai mạc Olympic. Thậm chí, có thời điểm đã có một số quốc gia cân nhắc về việc không gửi đoàn động viên tham dự Thế vận hội vì lo lắng về khía cạnh an toàn. Tuy nhiên, ngay trước thềm lễ khai mạc, Bắc Triều Tiên đã bất ngờ quyết định tham gia Thế vận hội, khiến bầu không khí Olympic lại trở nên nóng hổi hơn bao giờ hết. Để ủng hộ cho động thái tích cực này của miền Bắc, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã đặc cách, cho phép 46 vận động viên Bắc Triều Tiên được phép tranh tài tại Thế vận hội. Trong đó, đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ nước này đã hợp nhất với đội tuyển của Hàn Quốc để cùng thi đấu tại Olympic. Ngoài ra, nhân cơ hội này, hai miền Nam-Bắc đã bắt tay đối thoại, thảo luận, điển hình là việc đoàn đại biểu cấp cao miền Bắc đã có chuyến thăm miền Nam. Olymic PyeongChang lần này có thể sẽ trở thành nền tảng để mở ra hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc.

Thành tích của đoàn thể thao Hàn Quốc
Đây là lần thứ hai sau 30 năm Hàn Quốc mới lại đăng cai Thế vận hội, sau lần đầu tiên là Olympic mùa hè Seoul năm 1988. Nước chủ nhà có tổng cộng 146 vận động viên tham dự ở toàn bộ 15 bộ môn thi đấu, giành được số lượng huy chương lớn nhất từ trước tới nay. Hàn Quốc giành được ba huy chương vàng, một huy chương bạc và hai huy chương đồng ở bộ môn trượt băng tốc độ vòng ngắn, một thế mạnh truyền thống của nước chủ nhà. Ngoài ra, Hàn Quốc còn đạt được một huy chương vàng, bốn huy chương bạc và hai huy chương đồng ở nội dung trượt băng tốc độ. Vận động viên Yun Sung-bin đã mang về một huy chương vàng ở nội dung trượt ván lòng máng nằm sấp. Anh là vận động viên châu Á đầu tiên đạt được thành tích này. Ngoài ra, các vận động viên nước chủ nhà đã giành được ba huy chương bạc ý nghĩa ở các nội dung bi đá trên băng nữ, xe trượt băng lòng máng bốn người, Parallel Giant Slalom môn trượt ván tuyết. Bi đá trên băng là một bộ môn vẫn còn khá lạ lẫm ở Hàn Quốc. Tuy vậy, các nữ tuyển thủ đã vượt qua được hoàn cảnh khó khăn, giành vị trí thứ hai tại Thế vận hội, một thành tích đầy bất ngờ bởi đây mới là lần thứ hai Hàn Quốc tham gia thi đấu bộ môn này tại Olympic. Trong khi đó, chiếc huy chương bạc của đội tuyển xe trượt băng lòng máng của Hàn Quốc cũng là một dấu mốc đáng nể, không chỉ cho chủ nhà Hàn Quốc mà cho cả châu Á khi đây đồng thời là chiếc huy chương đầu tiên của các nước châu Á tại bộ môn này. Ngoài ra, huy chương bạc của vận động viên Lee Sang-ho ở nội dung Parallel Giant Slalom môn trượt ván tuyết là huy chương đầu tiên ở bộ môn trên tuyết của Hàn Quốc tại các kỳ Thế vận hội.
Mặc dù không đạt được mục tiêu đề ra ban đầu là giành tổng cộng 20 huy chương, trong đó có tám huy chương vàng, bốn huy chương bạc và tám huy chương đồng, xếp thứ tư toàn đoàn, nhưng thành tích đạt được của nước chủ nhà lần này cũng hết sức ý nghĩa khi lần đầu tiên trong lịch sử giành được huy chương ở sáu bộ môn Olympic mùa đông.

Tin mới nhất