Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu

Tin nổi bật trong tuần2017-09-10
Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu

Bất chấp sự cấm vận quyết liệt của cộng đồng quốc tế, vào hôm 3/9 vừa qua, Bắc Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu, một lần nữa đẩy cao căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ đối phó cứng rắn với động thái khiêu khích của miền Bắc, áp đặt cấm vận quyết liệt hơn nữa. Trong khi đó, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đang xúc tiến thông qua một nghị quyết cấm vận mới với Bình Nhưỡng có mức độ trừng phạt cứng rắn hơn.

Miền Bắc tiếp tục thử nghiệm hạt nhân
Cục khí tượng và thủy văn Hàn Quốc đã quan trắc được một trận động đất nhân tạo mạnh 5,7 độ richter vào lúc 12 giờ 29 phút chiều hôm 3/9 xuất phát từ xã Punggye, huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong. Trận động đất này sau đó được xác định là kết quả của một vụ thử nghiệm hạt nhân của miền Bắc. Xã Punggye là nơi có bãi thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Vào lúc 3 giờ 30 phút chiều cùng ngày, chính quyền miền Bắc đã ra một “tuyên bố trọng đại”, cho biết đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch lắp trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên đưa tin trong cuộc họp của Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị đảng Lao động miền Bắc diễn ra vào sáng cùng ngày, Chủ tịch Kim Jong-un đã quyết định tiến hành thử nghiệm bom nhiệt hạch lắp trên tên lửa ICBM. Các chuyên gia đánh giá vụ thử nghiệm hạt nhân lần này có sức công phá lớn nhất từ trước tới nay, đạt khoảng 50 kt (1 kT=1000 tấn), tương đương với 50.000 tấn thuốc nổ TNT.

Các vụ thử nghiệm hạt nhân của miền Bắc từ trước tới nay
Cho tới nay, Bắc Triều Tiên đã tiến hành tổng cộng sáu vụ thử nghiệm hạt nhân. Đây là vụ thử nghiệm lần thứ tư của nước này kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in, Bắc Triều Tiên đã chín lần phóng tên lửa đạn đạo, và đây là lần đầu tiên nước này thử nghiệm hạt nhân. Miền Bắc từng thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2006. Sau đó, nước này liên tiếp tiến hành một loạt các vụ thử hạt nhân khác, nâng cao sức mạnh hủy diệt của vũ khí hạt nhân. Vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ nhất của nước này đã tạo ra một trận động đất mạnh 3,9 độ richter, sức công phá ước đạt 1 kt. Trong vụ thử nghiệm lần thứ hai vào tháng 5 năm 2009, sức công phá được đánh giá ở mức từ 2 kt đến 4 kt. Kể từ sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, chu kỳ thử nghiệm hạt nhân của miền Bắc lại càng bị rút ngắn lại. Vào ngày 12/2/2013, miền Bắc thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba, gây ra trận động đất mạnh 4,9 độ richter, sức công phá đạt từ 6 kt đến 7 kt. Tiếp đó, vào ngày 6/1/2016, nước này thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư với quy mô tương tự vụ thử nghiệm lần thứ ba, nhưng tuyên bố lần đầu tiên thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch. Chỉ vỏn vẹn tám tháng sau, vào ngày 9/9/2016, miền Bắc đã thực hiện tiếp vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm, gây ra động đất mạnh 5,04 độ richter, với sức công phá được đánh giá là 10 kt. Vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu lần này đã gây ra động đất mạnh 5,7 độ richter. Cục khí tượng và thủy văn Hàn Quốc cho rằng sức công phá của vụ thử nghiệm lần này cao gấp 11,8 lần so với vụ thử nghiệm lần thứ tư, và gấp từ năm đến sáu lần so với vụ thử nghiệm lần thứ năm.

Phản ứng của Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế
Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ngay lập tức đã mở cuộc họp khẩn của Hội đồng an ninh quốc gia ở mỗi nước để thảo luận biện pháp đối phó với động thái thử nghiệm hạt nhân của miền Bắc. Các nước châu Âu, bao gồm một số quốc gia gia Đông Âu từng có quan hệ hữu nghị truyền thống với miền Bắc, và cả Trung Quốc, Nga đều đồng loạt lên án vụ thử nghiệm hạt nhân của miền Bắc. Chính phủ Hàn Quốc một mặt cảnh cáo quyết liệt với Chính quyền Bình Nhưỡng, một mặt tiến hành diễn tập phóng tên lửa lửa đạn đạo Hyunmoo-2A của lục quân và tên lửa tầm xa SLAM-ER của không quân, thị uy năng lực tấn công chính xác vào điểm xuất phát khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập tới “biện pháp quân sự” với Bắc Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh Washington không mong muốn Bình Nhưỡng bị tiêu diệt, nhưng cảnh cáo rằng Mỹ đang nắm trong tay nhiều phương án có thể khiến miền Bắc rơi vào tình cảnh nói trên. Lãnh đạo Hàn-Mỹ đã có cuộc điện đàm, nhất trí xóa bỏ hoàn toàn giới hạn về trọng lượng đầu đạn lắp trên tên lửa đạn đạo của quân đội Hàn Quốc. Nội dung nhất trí này giúp quân đội Hàn Quốc nâng cao được sức mạnh tên lửa và khả năng đối phó với uy hiếp hạt nhân, tên lửa Bắc Triều Tiên. Sau đó, Mỹ đã xúc tiến soạn thảo dự thảo nghị quyết cấm vận mới với Bắc Triều Tiên và chuyển cho các nước thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, trong đó bao gồm nhiều biện pháp trừng phạt quyết liệt như chặn toàn bộ nguồn cung dầu thô và chế phẩm dầu mỏ cho Bắc Triều Tiên, cấm nước này xuất khẩu lao động ra nước ngoài, đưa nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào danh sách cấm vận. Ba nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng đang nỗ lực thuyết phục Nga và Trung Quốc, hai nước vẫn đang phản đối việc ngừng cấp dầu thô cho miền Bắc. Một số ý kiến trong nội bộ Hàn Quốc cho rằng cần phải tái triển khai vũ khí chiến thuật cho lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Tin mới nhất