Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Mỹ tái chỉ định Bắc Triều Tiên là quốc gia tài trợ khủng bố

Tin nổi bật trong tuần2017-11-26
Mỹ tái chỉ định Bắc Triều Tiên là quốc gia tài trợ khủng bố

Bắc Triều Tiên bị liệt vào danh sách đen của Mỹ sau chín năm
Chủ trì cuộc họp nội các hôm 20/11 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tái chỉ định Bắc Triều Tiên là quốc gia tài trợ cho khủng bố. Ông Trump quy kết Bình Nhưỡng đang uy hiếp cả nhân loại bằng vũ khí hạt nhân, liên tục có các hoạt động hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố thế giới, trong đó bao gồm cả vụ ám sát ở lãnh thổ nước ngoài. Ông Trump nhấn mạnh quyết định này là một biện pháp nhằm gia tăng thêm áp lực cho chính quyền miền Bắc cũng như với các cá nhân, tổ chức có liên quan, đồng thời hỗ trợ cho chiến lược gây sức ép tối đa của Washington với Bình Nhưỡng, cô lập “chính quyền sát nhân” Bắc Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên từng lần đầu bị Mỹ liệt vào danh sách quốc gia tài trợ cho khủng bố vào năm 1988, sau vụ nước này đánh bom một chiếc máy bay của hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air vào tháng 11 năm 1987. Tuy nhiên, tới năm 2008, Mỹ đã xóa tên miền Bắc khỏi danh sách đen này căn cứ theo thỏa thuận thanh sát hạt nhân đạt được với Bình Nhưỡng.

Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu chỉ định quốc gia tài trợ cho khủng bố vào năm 1978 nhằm mục đích ngăn chặn sự lan rộng của khủng bố. Đối tượng bị liệt vào danh sách đen này là các nước hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố hoặc có dính líu tới hoạt động khủng bố. Quốc gia nằm trong danh sách này sẽ bị Washington áp đặt cấm vận căn cứ theo năm đạo luật liên quan, là Đạo luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí, Đạo luật quản lý xuất khẩu, Đạo luật tổ chức tài chính quốc tế, Đạo luật viện trợ nước ngoài và Đạo luật thương mại với kẻ thù. Lần này, Bắc Triều Tiên một lần nữa bị Mỹ “đóng dấu” là “quốc gia bất hảo”, cô lập khỏi cộng đồng quốc tế về chính trị, kinh tế. Ngoài miền Bắc, các quốc gia khác trong danh sách tài trợ cho khủng bố còn có I-ran, Xy-ri và Xu-đăng.

Cấm vận
Một ngày sau khi chỉ định Bắc Triều Tiên là quốc gia tài trợ khủng bố, vào hôm 21/11, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục công bố danh sách cấm vận bổ sung với miền Bắc, tập trung vào các công ty vận tải biển của nước này. Trong danh sách cấm vận có 9 tổ chức của miền Bắc, gồm các cơ quan Chính phủ nước này như Cục Quản lý hàng hải (Maritime Administration), Bộ Vận tải đường bộ và đường biển (Ministry of Land and Maritime Transportation), và các công ty ở lĩnh vực thương mại, tàu thuyền, vận tải, xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Đặc biệt, trong danh sách cấm vận này của Washington còn lần đầu bao gồm 20 tàu cỡ lớn mang quốc tịch Bắc Triều Tiên. Cả chín tổ chức bị cấm vận ở trên đều là những công ty sở hữu, hay cơ quan quản lý các tàu này.

Ngoài ra, danh sách cấm vận của Mỹ còn bao gồm bốn công ty thương mại Trung Quốc và một cá nhân người Trung Quốc, tên tiếng Anh là Sun Sidong, Tổng giám đốc công ty công nghiệp Dongyuan có trụ sở tại thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Công ty này từ lâu đã bị các cơ quan nghiên cứu an ninh của Mỹ chỉ ra là cung cấp máy móc và phụ tùng liên quan tới phát triển bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo cho miền Bắc. Bộ Tài chính Mỹ cho biết biện pháp cấm vận bổ sung lần này chủ yếu nhắm tới những cá nhân ở nước thứ ba có giao dịch thương mại trong thời gian dài với miền Bắc và mạng lưới giao dịch thương mại trái phép giúp Bắc Triều Tiên thu lời một cách dễ dàng.

Ý nghĩa và triển vọng
Việc Mỹ liên tiếp áp đặt cấm vận bổ sung với Bình Nhưỡng sau khi tái chỉ định nước này là quốc gia tài trợ khủng bố cho thấy chính sách đối phó với Bình Nhưỡng của Washington đã chuyển từ việc tìm kiếm giải pháp đối thoại sang gây sức ép và cấm vận với miền Bắc. Các biện pháp này của Washington dự kiến sẽ khiến Bình Nhưỡng phản đối quyết liệt và khiêu khích trở lại. Đặc biệt, biện pháp cấm vận lần này của Mỹ tập trung vào việc phong tỏa thương mại đường biển, một trong những nguồn thu quan trọng của chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Mỹ kỳ vọng biện pháp lần này sẽ mang lại hiệu quả lớn, bởi Bắc Triều Tiên phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế qua đường biển. Bên cạnh đó, các biện pháp này thể hiện quyết tâm của Washington trong việc tiếp tục cô lập, gây sức ép và cấm vận quyết liệt với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, sự phản đối của Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ khiến Mỹ khó tìm kiếm được giải pháp đối thoại với miền Bắc trong thời gian tới.

Tin mới nhất