Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung

Tin nổi bật trong tuần2017-04-16
Kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 7/4 (theo giờ địa phương) đã có cuộc gặp thượng đỉnh tại bang Florida, Mỹ. Hai bên nhất trí quan điểm về tính nghiêm trọng của vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng, quyết tâm thực thi triệt để nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, cuộc họp đã không đi tới nhất trí về những biện pháp cụ thể nhằm gia tăng sức ép với miền Bắc, và hai bên được cho là đã thất bại trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chung cho vấn đề Bình Nhưỡng. Trước tình hình này, dư luận hiện hết sức quan tâm tới “hành động đơn phương” của Mỹ về vấn đề Bắc Triều Tiên trong thời gian tới.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung đã diễn ra trong hai ngày 6/4 và 7/4 tại khu nghỉ dưỡng riêng của Tổng thống Donald Trump ở bang Florida, Mỹ. Lãnh đạo hai nước đã thảo luận về nhiều vấn đề, từ thương mại cho tới vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, ở hội nghị lần này, hai bên chỉ dừng ở việc “thăm dò” lập trường của đối phương. Lãnh đạo hai cường quốc đã đạt được một thành quả nhất định là nhất trí xây dựng “Kế hoạch 100 ngày” nhằm khắc phục sự bất cân bằng trong thương mại song phương. Tuy nhiên, hai bên đã không tổ chức họp báo chung, cũng như không đưa ra một tuyên bố chung nào sau hội nghị. Trong một buổi họp báo thường kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đề cập đến kết quả cuôc họp thượng đỉnh và một lần nữa khẳng định Washington sẽ “hành động đơn phương” trong vấn đề hạt nhân, tên lửa miền Bắc. Ông này bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ hợp tác với Mỹ trong giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, nhưng cũng để ngỏ khả năng Washington có thể sẽ “hành động đơn phương” nếu không đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh. Trước đó, vào hôm 2/4, Tổng thống Donald Trump cũng từng phát biểu rằng Mỹ sẽ tự đứng ra giải quyết vấn đề miền Bắc nếu Trung Quốc không có những hành động cụ thể.

Hành động đơn phương của Mỹ?
“Hành động đơn phương” ở đây được cho là việc Washington sẽ áp đặt biện pháp “tẩy chay liên đới”, cấm vận các doanh nghiệp Trung Quốc có giao dịch với miền Bắc. Ngoài ra, Washington cũng để ngỏ khả năng tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Hàn Quốc hoặc có biện pháp quân sự với miền Bắc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/4 đã ra lệnh tấn công vào căn cứ không quân của Syria để đáp trả vụ nước này sử dụng vũ khí hóa học. Vụ tấn công diễn ra ngay sau bữa tiệc chiêu đãi của lãnh đạo Mỹ-Trung. Hành động này của Mỹ được cho là đã truyền đi thông điệp rõ ràng với Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, hàm ý rằng Washington có thể sẽ sử dụng “lá bài” quân sự để giải quyết vấn đề miền Bắc, tương tự như với Syria. Ngoài ra, Mỹ còn đột ngột đổi hướng di chuyển của tàu sân bay hạt nhân Carl Vinson, vốn dự định tới Úc, quay lại hải phận gần bán đảo Hàn Quốc. Tàu Carl Vinson đảm nhận trọng trách dẫn đầu cuộc chiến, có thể đồng thời tấn công chiến lược và áp đảo trên không, tiêu diệt các căn cứ quân sự trọng tâm của quân địch. Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Herbert Raymond McMaster cũng phát biểu rằng Tổng thống Donald Trump đã ra chỉ thị sẵn sàng mọi biện pháp để loại bỏ mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Đối phó của Chính phủ Hàn Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm trao đổi về kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung với Quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đánh giá hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung đã đạt được những kết quả “có ý nghĩa” khi lãnh đạo hai cường quốc thế giới thảo luận cụ thể về các vấn đề liên quan tới lợi ích của Hàn Quốc như vấn đề hạt nhân miền Bắc và quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ. Trong thời gian tới, tình hình bán đảo Hàn Quốc sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Trung Quốc trước “tối hậu thư” từ Mỹ, cũng như các bước đi tiếp theo của Bắc Kinh. Trong trường hợp Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu, Bắc Kinh sẽ có ít lựa chọn hơn trong vấn đề miền Bắc. Phần lớn ý kiến hiện cho rằng việc Trung Quốc có quyết định ngăn Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân hay không sẽ trở thành bước ngoặt trong tiến trình giải quyết vấn đề miền Bắc.

Tin mới nhất