Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Kế hoạch tổ chức hội đàm quân sự liên Triều không thành

Tin nổi bật trong tuần2017-07-23
Kế hoạch tổ chức hội đàm quân sự liên Triều không thành

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 21/7 một lần nữa hối thúc Bắc Triều Tiên đáp lại đề xuất đối thoại của Chính phủ Hàn Quốc. Trước đó, vào hôm 17/7, Bộ Quốc phòng đã đề xuất miền Bắc tổ chức hội đàm quân sự liên Triều vào hôm 21/7 tại Lầu gác Tongilgak thuộc ngôi làng đình chiến Bàn Môn Điếm phía miền Bắc, nhưng nước này đã không hề hồi đáp, khiến kế hoạch này không thể thực hiện.

Lập trường của Bộ Quốc phòng
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-kyun trong buổi họp báo thường kỳ hôm 21/7 đã công bố lập trường của Bộ Quốc phòng liên quan tới đề xuất tổ chức hội đàm quân sự liên Triều. Ông Moon cho biết Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục không đưa ra bất cứ câu trả lời nào về đề xuất đối thoại của Hàn Quốc, khiến việc tổ chức hội đàm quân sự Nam-Bắc vào cùng ngày là không thể thực hiện. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng nhấn mạnh việc hai miền giải tỏa căng thẳng quân sự, khôi phục lại kênh đối thoại ở lĩnh vực quân sự là một bài toán vô cùng cấp thiết để hướng tới hòa bình và ổn định trên bán đảo Hàn Quốc. Seoul một lần nữa hối thúc Bình Nhưỡng đáp lại đề xuất đối thoại.

Đề xuất đối thoại
Khi đưa ra đề xuất đối thoại với miền Bắc, Bộ Quốc phòng kêu gọi hai bên cùng dừng cách hành vi thù địch đẩy cao căng thẳng quân sự tại biên giới quân sự liên Triều. Mặc dù Bộ Quốc phòng không đề cập cụ thể tới những “hành vi thù địch”, một số phân tích cho rằng các hành vi này bao gồm việc phát loa phóng thanh tuyên truyền tại khu vực biên giới, hay việc các tổ chức dân sự của Hàn Quốc rải truyền đơn sang phía miền Bắc. Đây vốn là những vấn đề mà Bắc Triều Tiên phản ứng hết sức gay gắt trong thời gian qua, và liên tục yêu cầu Seoul phải dừng các hành vi này. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng miền Bắc nhiều khả năng sẽ đồng ý với đề xuất đối thoại của Chính phủ miền Nam.

Mặt khác, cũng trong ngày 17/7, Hội chữ thập đỏ Hàn Quốc đã đề xuất miền Bắc tổ chức hội đàm chữ thập đỏ liên Triều nhằm tiến tới tổ chức chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) nhân dịp Tết Trung thu sắp tới. Trái với sự kỳ vọng của Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên hoàn toàn im lặng trước cả hai đề xuất nói trên. Vào hôm 20/7, thông qua báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, chính quyền nước này chỉ trích việc miền Nam “dối trá”, khi một mặt tiến hành các hành vi đối đầu thù địch, mặt khác lại kêu gọi cải thiện quan hệ, gián tiếp từ chối đề xuất đối thoại của Hàn Quốc. Đề xuất tổ chức hội đàm chữ thập đỏ liên Triều vào hôm 1/8 của Seoul nhiều khả năng cũng sẽ bị phá sản do miền Bắc đã từ chối đề xuất tổ chức hội đàm quân sự. Trước đó, Seoul đề nghị Bình Nhưỡng đưa ra câu trả lời về đề xuất tổ chức hội đàm quân sự thông qua đường dây liên lạc quân sự trên biển Tây, và đề xuất tổ chức hội đàm chữ thập đỏ liên Triều thông qua Văn phòng liên lạc Bàn Môn Điếm, kỳ vọng nối lại các kênh liên lạc giữa hai bên. Các kênh liên lạc giữa hai miền Nam-Bắc đã bị cắt đứt hoàn toàn sau khi Chính phủ Hàn Quốc quyết định dừng toàn bộ hoạt động của khu công nghiệp liên Triều Gaesung vào tháng 2 năm ngoái.

Ý nghĩa và triển vọng
Đề xuất đối thoại lần này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Tổng thống Moon Jae-in trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân, tên lửa miền Bắc qua đối thoại, ổn định hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Đặc biệt, đích thân Tổng thống Moon Jae-in kêu gọi miền Bắc cùng dừng các hành vi thù địch làm gia tăng căng thẳng tại khu vực biên giới quân sự liên Triều nhân kỷ niệm 64 năm Hiệp định đình chiến (27/7/1953). Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên đã từ chối đề xuất này bằng cách im lặng, không đưa ra câu trả lời, khiến những nỗ lực đầu tiên của Tổng thống Moon gặp thất bại. Dư luận đưa ra phân tích khác nhau về những tính toán của Bắc Triều Tiên vào thời điểm này. Một số ý kiến cho rằng kết quả Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ và Sáng kiến hòa bình bán đảo Hàn Quốc (còn gọi là Sáng kiến Berlin) của Tổng thống Moon Jae-in gồm cả những yếu tố có lợi và bất lợi cho miền Bắc, và nước này vẫn đang trong thời gian suy xét. Có thể miền Bắc thấy sẽ không đạt được điều gì thông qua cuộc hội đàm quân sự liên Triều, đề xuất ngược lại về việc tổ chức một buổi hội đàm cấp cao hơn. Ngoài ra, nước này cũng có thể muốn theo dõi thêm các biện pháp đối phó của miền Nam trước khi đưa ra quyết định chấp thuận hay từ chối đối thoại. Mặt khác, không ít phân tích lại cho rằng miền Bắc đang coi thường đề xuất đối thoại của Chính phủ miền Nam, thể hiện ý định tiếp tục tập trung hoàn thiện tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và phát triển hạt nhân trong thời gian tới.

Tin mới nhất