Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Đề xuất tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại Hàn Quốc

Tin nổi bật trong tuần2016-10-16
Đề xuất tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại Hàn Quốc

Hội đồng tư vấn thống nhất hòa bình dân chủ (NUAC), một cơ quan dưới quyền Tổng thống, đã đề xuất Chính phủ tìm kiếm phương án tái bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ trên bán đảo Hàn Quốc, nhằm đối phó với uy hiếp hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên. Nội dung này được NUAC đăng tải trên trang chủ vào hôm 13/10, trong "Báo cáo đề xuất chính sách thống nhất lần thứ hai năm 2016".

Đề xuất của NUEC
Trong báo cáo trên, Hội đồng tư vấn thống nhất hòa bình dân chủ nhận định việc tìm kiếm phương án tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật và các vũ khí chiến lược tối tân của Mỹ tại Hàn Quốc không chỉ góp phần gây áp lực đối với Bắc Triều Tiên mà còn có thể gia tăng sức ép với Trung Quốc trong nỗ lực cấm vận miền Bắc. Báo cáo này chỉ ra rằng, trong quá khứ, Mỹ đã từng bố trí tên lửa hạt nhân tầm trung Pershing II tại châu Âu để đối phó với tên lửa hạt nhân chiến lược SS của Liên Xô. Chính điều này đã giúp Mỹ giành được ưu thế trong cuộc chạy đua vũ khí giữa hai bên khi đó. Qua đây, Hội đồng tư vấn thống nhất hòa bình dân chủ muốn đưa ra một luận cứ nữa để chứng tỏ về tính cần thiết của việc tái triển khai vũ khí chiến thuật của Washington trên bán đảo Hàn Quốc.

Hội đồng tư vấn thống nhất hòa bình dân chủ là một cơ quan được thành lập dựa theo Hiến pháp Hàn Quốc, do đích thân Tổng thống làm Chủ tịch. Vai trò của cơ quan này là tư vấn, đề xuất toàn bộ chính sách thống nhất cho Tổng thống, kêu gọi sự đồng lòng của người dân về vấn đề thống nhất, nuôi dưỡng nền tảng thống nhất. Các ủy viên tư vấn gồm cả chuyên gia trong nước và nước ngoài. Hàng quý, các chuyên gia sẽ lập báo cáo đề xuất chính sách, trình lên tiểu ban thuộc Hội đồng để thẩm định. Báo cáo đề xuất chính sách quý II năm 2016 đã được báo cáo lên Phủ Tổng thống vào cuối tháng 9 vừa qua.

Tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật
Tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật là việc Washington bố trí lại các vũ khí hạt nhân chiến thuật không phải cho quân đội Hàn Quốc mà là cho lực lượng quân đội đồn trú của nước này tại Hàn Quốc. Vào năm 1991, sau khi cựu Tổng thống Mỹ George Bush tuyên bố cắt giảm vũ khí hạt nhân, quân đội Mỹ đã rút các vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Hàn Quốc về nước. Các vũ khí này bao gồm bom hạt nhân thả từ máy bay chiến đấu, pháo bắn đầu đạn nguyên tử (AFAP) phóng từ khẩu pháo cỡ nòng 155 mm và 8 inch, đầu đạn hạt nhân dùng cho tên lửa đất đối đất Lance, ba lô hạt nhân, mìn hạt nhân.

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ được đề cập. Mỗi lần Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân hoặc phóng tên lửa tầm xa, một số ý kiến trong dư luận Hàn-Mỹ lại đề xuất vấn đề này. Tuy nhiên, sự quan tâm của dư luận lần này đã lớn hơn trước, bởi giờ đây mối uy hiếp hạt nhân và tên lửa miền Bắc đang trở nên hết sức rõ ràng. Đặc biệt, gần đây, nhiều ý kiến cho rằng Seoul cũng cần phải tự vũ trang hạt nhân để đối phó với Bình Nhưỡng.

Ý nghĩa và dự đoán
Đề xuất của Hội đồng tư vấn thống nhất hòa bình dân chủ về việc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ, đối phó với uy hiếp hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên đang nhận được sự ủng hộ lớn trong dư luận. Đó là bởi phương án này thiết thực hơn là ý kiến tự vũ trang hạt nhân. Dù có đủ trình độ công nghệ để vũ trang hạt nhân, Hàn Quốc sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề nan giải trên thực tế nếu xúc tiến vũ trang hạt nhân. Tham gia chạy đua hạt nhân sẽ khiến Seoul vi phạm tuyên bố phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc và Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), đối diện với sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Thêm vào đó, động thái này hoàn toàn có thể kích động các nước láng giềng như Nga, Trung Quốc lao vào một cuộc chạy đua sức mạnh hạt nhân.

Ngược lại, việc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể giúp Hàn Quốc vừa tiết kiệm thời gian, vừa tránh được tất cả những rủi ro nói trên. Hiện tại Chính phủ Hàn Quốc và Mỹ đều bác bỏ phương án này, cho rằng chỉ cần Washington tiếp tục duy trì khả năng răn đe hạt nhân là đủ để đối phó với Bình Nhưỡng. Washington cam kết sẽ nhanh chóng triển khai vũ khí chiến lược và quân tăng viện để giúp Hàn Quốc phòng thủ khi xảy ra tình huống nguy cấp.


Tin mới nhất