Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Seoul, Washington nhất trí lập Nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng

Tin nổi bật trong tuần2016-10-23
Seoul, Washington nhất trí lập Nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng

Hàn Quốc và Mỹ hôm 19/10 (theo giờ địa phương) đã nhất trí sẽ thành lập Nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng (EDSCG: Extended Deterrence Strategy and Consultation Group) do Thứ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng mỗi bên đứng đầu. Nhóm này sẽ phụ trách thảo luận về chiến lược và chính sách mang tầm vĩ mô liên quan tới khả năng răn đe mở rộng của Washington.

Nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng
Cùng ngày, hai nước đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng Hàn-Mỹ (2+2) tại thủ đô Washington, Mỹ, nhất trí sẽ thành lập một cơ chế thảo luận ngoại giao, quốc phòng mới nhằm răn đe một cách hiệu quả hơn đối với uy hiếp hạt nhân và tên lửa miền Bắc. Nếu được thành lập, Nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng Hàn-Mỹ sẽ là một cơ chế thảo luận cấp cao hơn so với Ủy ban chiến lược răn đe Hàn-Mỹ (DSC), được thành lập trước đó trong khuôn khổ Đối thoại quốc phòng tích hợp Hàn-Mỹ (KIDD). Về điều này, một quan chức ngoại giao Hàn Quốc nhận định rằng nội dung nhất trí giữa hai nước là cơ hội giúp hai bên có thể nâng cao hiệu quả tiến hành đồng thời các biện pháp răn đe quân sự, gây sức ép ngoại giao với Bắc Triều Tiên. Một quan chức khác thuộc Bộ Quốc phòng đánh giá trong thời gian tới, hai bên sẽ tăng cường thảo luận song phương nhằm triển khai nhanh chóng và hiệu quả các vũ khí chiến lược của Mỹ tới Hàn Quốc trong những tình huống nguy cấp.

Chức năng của nhóm EDSCG
Nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng Hàn-Mỹ sẽ tiến hành thảo luận về chiến lược, chính sách ở tầm vĩ mô về khả năng răn đe mở rộng của Washington. Trong trường hợp Bắc Triều Tiên uy hiếp hạt nhân và tên lửa, nhóm này sẽ ngay lập tức trao đổi qua điện thoại, hoặc triệu tập cuộc họp để quyết định về loại hình và thời điểm áp dụng chiến lược răn đe mở rộng đối phó với Bắc Triều Tiên, sau đó đề xuất lên Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng hai nước. Khi đó, các Bộ trưởng và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng hai bên sẽ đưa ra quyết định, sau đó xúc tiến triển khai chiến lược. Liên quan đến nội dung quan trọng như việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhóm tư vấn sẽ phải báo cáo lên Tổng thống hai nước phê duyệt.

Ý nghĩa và dự đoán
Nội dung nhất trí đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng Hàn-Mỹ lần này mang ý nghĩa lớn trong việc xóa bỏ lỗ hổng về khả năng răn đe đối với Bắc Triều Tiên của liên quân Hàn-Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ mới lên nắm quyền. Ngoài ra, việc nhất trí thành lập một cơ chế thảo luận mới còn mang ý nghĩa tạo ra “khung cơ bản” cho chiến lược răn đe mở rộng cứng rắn hơn với miền Bắc. Trên thực tế, trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, Mỹ đã khẳng định một cách cụ thể và quyết liệt về cam kết duy trì khả năng răn đe của Mỹ trên bán đảo Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Washington nhấn mạnh sẽ đảm bảo sức mạnh quân sự một cách toàn diện cho Seoul, bao gồm chiến lược “chiếc ô hạt nhân”, năng lực tấn công bằng các vũ khí thông thường, khả năng phòng thủ tên lửa. Tuyên bố còn cảnh cáo rằng liên quân Hàn-Mỹ sẽ đối phó một cách hiệu quả và quyết liệt nếu Bắc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân.

So với Ủy ban chiến lược răn đe Hàn-Mỹ, Nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng được cho là sẽ có thể phản ánh nhiều hơn lập trường của phía Hàn Quốc. Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ ra điểm hạn chế của Nhóm tư vấn này là hiện cả hai bên vẫn chưa đề cập tới các biện pháp cụ thể, hay trao quyền quyết định cuối cùng cho Nhóm này. Do đó, nội dung nhất trí thành lập nhóm này chưa thể được coi là một bước tiến mới trong chiến lược răn đe mở rộng của Washington tại bán đảo Hàn Quốc. Bên cạnh đó, một số phân tích cho rằng những nội dung cụ thể còn lại đối với hoạt động của Nhóm tư vấn nói trên đang được “để dành” cho Chính phủ Mỹ nhiệm kỳ mới. Theo đó, Seoul và Washington mới chỉ lập ra “khung cơ bản”, còn các nội dung, biện pháp cụ thể đối với Nhóm sẽ là bài toán dành cho Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới. Về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng Nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng sẽ phải “học” theo mô hình Nhóm lập kế hoạch hạt nhân (NPG), một cơ chế thảo luận thường trực gồm Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ và các nước châu Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tin mới nhất