Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Dấu hiệu thay đổi trong chính sách đối với miền Bắc của Hàn Quốc

Tin nổi bật trong tuần2016-08-28
Dấu hiệu thay đổi trong chính sách đối với miền Bắc của Hàn Quốc

Gần đây, dư luận đang đặc biệt quan tâm tới những dấu hiệu thay đổi trong chính sách đối với Bắc Triều Tiên của Chính phủ Tổng thống đương nhiệm Park Geun-hye. Trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 71 năm Quốc khánh Hàn Quốc (15/8/1945-15/8/2016), bà Park đã phân biệt rạch ròi bộ máy cai trị miền Bắc và người dân nước này, thậm chí còn nhắc tới các cụm từ như “thể chế bị lung lay” hay “tự diệt vong”.

Dấu hiệu thay đổi
Tổng thống Park Geun-hye hôm 22/8 đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) liên quan tới cuộc tập trận Ulchi. Tại đây, Tổng thống đánh giá rằng nội bộ chính quyền Bắc Triều Tiên đang cho thấy dấu hiệu rạn nứt nghiêm trọng và khả năng thể chế nước này bị lung lay đang lớn dần. Trước đó, trong bài phát biểu nhân dịp Quốc khánh 15/8, Tổng thống Park đã kêu gọi cán bộ và người dân Bắc Triều Tiên cùng nỗ lực hướng tới thời đại thống nhất mới trên bán đảo Hàn Quốc, cho thấy bà có sự phân biệt rõ ràng giữa tầng lớp cai trị với người dân thường miền Bắc. Dựa vào những phát ngôn trên của Tổng thống, có ý kiến cho rằng trên thực tế, Chính phủ đương nhiệm đã từ bỏ chính sách đối với miền Bắc trước đây là “Lộ trình xây dựng niềm tin trên bán đảo Hàn Quốc”. Đây là một chính sách thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho miền Bắc và hợp tác kinh tế liên Triều ở mức độ thấp nếu Bắc Triều Tiên chọn đi theo “con đường đúng đắn”, giải trừ vũ khí hạt nhân. Sau khi hai miền Nam-Bắc đã bắt đầu xây dựng được niềm tin ở nhau thì các hoạt động viện trợ sẽ được diễn ra trên quy mô quốc tế. Trong quá trình này, Chính phủ Hàn Quốc sẽ theo đuổi đối thoại và hợp tác với miền Bắc, nhưng cũng đồng thời đối phó một cách cứng rắn với các động thái khiêu khích. Tuy nhiên, kể từ sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư vào tháng 1 và phóng tên lửa tầm xa vào tháng 2, Hàn Quốc đã chuyển sang xu hướng cấm vận và gây sức ép. Giờ đây, đích thân Tổng thống Hàn Quốc đã nhắc tới khả năng chính quyền miền Bắc sẽ bị sụp đổ.

Ý nghĩa
Một số ý kiến cho rằng việc Tổng thống Park Geun-hye ngày càng có những phát ngôn cứng rắn hơn là bởi bà đã tính đến khả năng sẽ có một sự thay đổi thể chế ở Bắc Triều Tiên. Dư luận đặc biệt chú ý tới cụm từ “đất nước Hàn Quốc thống nhất” trong bài phát biểu của bà. Trên thực tế, đây là một thuật ngữ chỉ việc thống nhất hai miền Nam-Bắc sau khi chính quyền Bắc Triều Tiên đã sụp đổ. Một quan chức Chính phủ Hàn Quốc cho biết phát biểu này của Tổng thống đã được cân nhắc một cách toàn diện về các xu hướng chính trị và tình hình hiện nay của Bắc Triều Tiên. Bà Park đã xét tới các yếu tố như khó khăn trong nội bộ miền Bắc do sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế, chiến dịch thi đua thành tích 200 ngày gây phẫn nộ trong dân chúng, vụ bỏ trốn của tầng lớp tinh hoa trong xã hội, đặc biệt là vụ bỏ trốn của Công sứ miền Bắc tại Anh Thae Yong-ho gần đây.

Trong khi đó, Luật nhân quyền Bắc Triều Tiên sẽ được chính thức thi hành từ ngày 4/9 tới đây. Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ hơn nữa đối với miền Bắc. Dự kiến luật này sẽ trở thành một bước ngoặt trong chính sách với Bình Nhưỡng của Chính phủ đương nhiệm. Luật nhân quyền Bắc Triều Tiên ra đời nhằm mục đích cải thiện vấn đề nhân quyền của người dân miền Bắc. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ đứng về phía người dân miền Bắc để gây sức ép lên chính quyền nước này. Việc thực thi Luật này cũng thể hiện sự tách biệt riêng giữa bộ máy cai trị của miền Bắc với người dân nước này trong bài phát biểu kỷ niệm Quốc khánh của Tổng thống Park Geun-hye.

Phân tích và triển vọng
Giới chuyên gia có nhiều ý kiến trái chiều về khả năng bất ổn của miền Bắc. Tuy nhiên, tất cả đều có chung nhận định rằng nội bộ nước này đang ngày càng trở nên lục đục hơn do các biện pháp cấm vận của quốc tế. Cũng có ý kiến lo ngại Bắc Triều Tiên sẽ có động thái khiêu khích để tăng cường đoàn kết nội bộ. Tuy nhiên, tình thế hiện tại của nước này sẽ khó có thể xoay chuyển trong một sớm một chiều. Quân đội Hàn Quốc hiện vẫn đang tiếp tục theo dõi sát sao mọi động thái của quân đội Bắc Triều Tiên, đồng thời rà soát lại Kế hoạch tác chiến 5029 về đối phó với tình huống khẩn cấp tại miền Bắc.

Tin mới nhất