Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Chính giới Hàn Quốc dấy lên quan điểm vũ trang hạt nhân

Tin nổi bật trong tuần2016-09-18
Chính giới Hàn Quốc dấy lên quan điểm vũ trang hạt nhân

Sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm của Bắc Triều Tiên, nhiều ý kiến trong nội bộ phe cầm quyền Hàn Quốc đề xuất Seoul cũng cần phải tự vũ trang hạt nhân để đối phó với nguy cơ hạt nhân từ Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng quan điểm này là không thực tế vì Seoul sẽ ngay lập tức bị cộng đồng quốc tế trừng phạt nếu lao vào cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Quan điểm vũ trang hạt nhân
Chủ tịch đảng Thế giới mới Lee Jung-hyun khi tới thăm Bảo tàng chiến tranh ở quận Yongsan, Seoul, vào hôm 11/9 đã tuyên bố Hàn Quốc cần phải có biện pháp mạnh tay hơn nữa để đáp trả lại khiêu khích từ Bắc Triều Tiên. Để làm được điều đó, Seoul phải thảo luận về một biện pháp vẫn luôn bị xem là “không thể” từ trước tới nay do vấp phải nhiều tranh cãi. Phát biểu này của ông Lee được cho là đã thể hiện rõ ràng chủ trương vũ trang hạt nhân. Trong thời gian tới, vấn đề này dự kiến sẽ trở thành chủ đề nổi cộm nhất trong chính giới.
Một trong số các nghị sĩ đảng Thế giới mới ủng hộ tích cực “thuyết vũ trang hạt nhân” là nghị sĩ Won Yoo-chul, cựu Đại diện đảng cầm quyền tại Quốc hội. Ông Won cho rằng Hàn Quốc trước mắt cần phải tái triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ, đạt được thế cân bằng về sức mạnh quân sự với miền Bắc. Về lâu dài, Seoul phải tự phát triển được vũ khí hạt nhân ở quy mô tối thiểu là gấp hai lần so với Bình Nhưỡng.

Một tổ chức nghiên cứu dân sự mang tên “Hội nghiên cứu hạt nhân Hàn Quốc” gồm hơn 10 chuyên gia ở các lĩnh vực an ninh, hạt nhân và Bắc Triều Tiên đã ra mắt vào đầu tháng 9 vừa qua. Một trong số các chuyên gia thuộc tổ chức này là ông Jung Sung-jang, Trưởng Phòng nghiên cứu chiến lược thống nhất, thuộc Viện nghiên cứu Sejong. Ông Jung cho biết các thành viên của tổ chức này sẽ tiến hành thảo luận chặt chẽ, tìm ra phương án để Seoul tự vũ trang hạt nhân.

<>“Vũ trang hạt nhân là điều bất khả thi”
Cũng có không ít ý kiến cho rằng việc Hàn Quốc tự vũ trang hạt nhân là điều bất khả thi. Đó là bởi vũ trang hạt nhân đồng nghĩa với việc Seoul thừa nhận tính chính đáng của việc Bình Nhưỡng phát triển hạt nhân, hứng chịu sự trừng phạt từ cộng đồng quốc tế. Một khi tiến hành vũ trang hạt nhân, Hàn Quốc sẽ phải rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), bị áp đặt cấm vận về kinh tế. Điều này cũng đẩy Seoul vào tình thế phá vỡ Hiệp định năng lượng nguyên tử Hàn-Mỹ, gây rạn nứt quan hệ đồng minh với Washington.

Bắc Triều Tiên đang bị cộng đồng quốc tế cô lập nhưng mức độ phụ thuộc vào bên ngoài của nước này thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc. Nếu bị cấm vận, Seoul sẽ khó lòng vượt qua được khó khăn. Đặc biệt, Hàn Quốc sẽ không thể tiếp tục mua được uranium làm giàu từ thị trường quốc tế, gây trở ngại lớn tới quá trình sản xuất điện năng. Uranium là một nhiên liệu cần thiết cho hoạt động của các nhà máy điện nguyên tử. Việc Seoul chạy đua vũ trang hạt nhân sẽ khiến các quốc gia láng giềng như Đài Loan, Nhật Bản có cớ chính đáng để bắt chước theo, đẩy toàn bộ khu vực Đông Á vào cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân khốc liệt.

Lập trường của Chính phủ và dự đoán
Chính phủ Hàn Quốc vẫn giữ vững lập trường phản đối vũ trang hạt nhân vì cho rằng điều này sẽ phá vỡ nguyên tắc phi hạt nhân hóa, gây tổn hại tới sự phối hợp của Hàn Quốc với cộng đồng quốc tế trong cấm vận Bắc Triều Tiên. Chính phủ cho rằng cần phải giải quyết uy hiếp hạt nhân và tên lửa miền Bắc dựa trên nền tảng quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ vững chắc, duy trì khả năng răn đe cứng rắn đối với các khiêu khích của Bình Nhưỡng. Cho tới nay, dư luận hiện vẫn nghiêng theo hướng cho rằng vũ trang hạt nhân là điều không thể. Tuy nhiên, có thể phương án tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc nhằm tạo được thế cân bằng về sức mạnh quân sự với miền Bắc sẽ được đề cập nhiều trong thời gian tới.

Tin mới nhất