Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Mỹ lo ngại Bắc Triều Tiên tiến hành rửa tiền trên toàn thế giới

Tin nổi bật trong tuần2016-06-05
Mỹ lo ngại Bắc Triều Tiên tiến hành rửa tiền trên toàn thế giới

Bộ Tài chính Mỹ hôm 1/6 đã đưa Bắc Triều Tiên vào danh sách quốc gia lo ngại rửa tiền trên thế giới. Cùng với đó, cơ quan này đã thúc giục cộng đồng quốc tế đưa ra biện pháp tương ứng để ngăn chặn các hoạt động tài chính đối với miền Bắc.

Quốc gia lo ngại về rửa tiền
Việc Mỹ xếp Bắc Triều Tiên vào danh sách quốc gia có lo ngại về rửa tiền là một bước đi tiếp theo của Luật cấm vận Bắc Triều Tiên có hiệu lực từ hôm 18/2 vừa qua, nhằm ngăn chặn dòng tiền của miền Bắc.

Luật cấm vận Bắc Triều Tiên quy định Chính phủ Mỹ phải xem xét đưa Miền Bắc vào danh sách quốc gia lo ngại về rửa tiền căn cứ theo điều 311 Đạo luật yêu nước (Patriot Act) của Mỹ trong vòng 180 ngày kể từ khi Luật cấm vận Bắc Triều Tiên có hiệu lực. Washington đã đưa ra biện pháp trừng phạt trên chỉ 104 ngày sau khi Luật cấm vận Bắc Triều Tiên có hiệu lực, một lần nữa cho thấy quyết tâm trừng phạt Bình Nhưỡng một cách quyết liệt và cứng rắn.

Một quốc gia bị Mỹ đưa vào danh sách các nước có lo ngại về rửa tiền sẽ rất khó tiếp cận với mạng lưới tài chính quốc tế. Tất cả mọi giao dịch của quốc gia đó với Mỹ sẽ bị cấm, các tổ chức tài chính ở nước thứ ba sẽ tránh giao dịch với nước do lo sợ sẽ bị cấm giao dịch với Mỹ nếu bị phát hiện.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ ngừng giao dịch với bất cứ tổ chức tài chính ở nước thứ ba nào duy trì tài khoản đứng tên thật hoặc tên mượn của các tổ chức, cá nhân miền Bắc, tương tự như chính sách “tẩy chay liên đới”.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm 2/6 đã đánh giá cao quyết định lần này của Washington, cho rằng biện pháp này đã thể được quyết tâm cứng rắn của Washington trong cấm vận Bình Nhưỡng. Seoul cho rằng có thể Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng thêm biện pháp quyết liệt nhất trong Đạo luật yêu nước là điều số 311 về cấm duy trì những tài khoản đại lý (correspondent account) hoặc tài khoản chi trả qua trung gian (payable-through account) của miền Bắc.

Ý nghĩa và triển vọng
Biện pháp lần này của Mỹ dự kiến mang lại hiệu quả trực tiếp là ngăn chặn Bắc Triều Tiên tiếp cận với hệ thống tài chính của Mỹ và hiệu quả gián tiếp là chặn các giao dịch của các tổ chức tài chính nước ngoài với Bình Nhưỡng. Một số phân tích cho rằng biện pháp này nhằm tạo ra sức ép đối với Trung Quốc. Để tránh cấm vận của cộng đồng quốc tế, Bắc Triều Tiên đang lợi dụng những ngân hàng nhỏ của Trung Quốc. Do đó, biện pháp này nhằm nắm bắt và ngăn chặn dòng tiền của miền Bắc ở Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hiệu quả của biện pháp trừng phạt này của Washington còn phụ thuộc vào phản ứng của Chính phủ Trung Quốc bởi những ngân hàng nhỏ này của Trung Quốc sẽ không bị tác động lớn từ biện pháp cấm giao dịch tài chính của Mỹ.

Biện pháp lần này của Washington hi vọng sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều so với biện pháp trừng phạt Ngân hàng Banco Delta Asia (BDA) của Mỹ trước đó. Vào năm 2005, Chính phủ Mỹ đã chỉ định BDA là tổ chức tài chính có lo ngại rửa tiền liên quan tới Bắc Triều Tiên. Sau đó, các tổ chức tài chính trên thế giới đã tự động ngừng giao dịch với ngân hàng này hoặc đồng loạt rút tiền gửi. Điều này đã giúp phong toả được 25 triệu USD tài sản của chính quyền cố lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-il khi đó, gây thiệt hại lớn cho nước này.

Cũng có ý kiến chỉ ra rằng hiệu quả của biện pháp lần này là chưa rõ ràng. Sau vụ ngân hàng BDA, Bắc Triều Tiên đã tìm nhiều phương án khác nhau để tránh cấm vận như thanh toán khoản tiền nhỏ thông qua các tài khoản đứng tên giả hoặc tên đi mượn.

Trog khi đó, nhiều ý kiến hoài nghi về bối cảnh Mỹ công bố biện pháp trừng phạt này ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp với Phó Chủ tịch đảng Lao động Bắc Triều Tiên Ri Su-yong. Động thái này của Washington được cho là nhằm mục đích gây sức ép với Bắc Kinh.

Tin mới nhất