Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng bảo an với Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2016-03-06
Nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng bảo an với Bắc Triều Tiên

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hôm 2/3 (theo giờ địa phương) đã biểu quyết thông qua nghị quyết trừng phạt mới có mức độ quyết liệt hơn bao giờ hết đối với Bắc Triều Tiên. Nghị quyết lần này có nội dung ngăn chặn toàn bộ việc Bắc Triều Tiên sử dụng đô-la Mỹ và nhập các vật phẩm liên quan đến phát triển hạt nhân hay tên lửa. Về điều này, Chính phủ Hàn Quốc đã ra tuyên bố bày tỏ sự hoan nghênh và lập trường ủng hộ với nghị quyết của Hội đồng bảo an. Seoul cũng nhấn mạnh sẽ nỗ lực để nghị quyết được thực thi một cách triệt để.

Nghị quyết của Hội đồng bảo an
Toàn bộ 15 nước thành viên của Hội đồng bảo an đã tham gia phiên họp toàn thể và bỏ phiếu thông qua nghị quyết số 2270 trừng phạt Bắc Triều Tiên. Nghị quyết lần này nhằm đáp trả vụ miền Bắc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư vào hôm 6/1 và phóng tên lửa tầm xa hôm 7/2 vừa qua. Đây là nghị quyết lần thứ tư của cộng đồng quốc tế liên quan tới các vụ thử nghiệm hạt nhân của miền Bắc. Ba lần trước đó là vào các năm 2006, 2009 và 2013. Nội dung của nghị quyết bao gồm các biện pháp trừng phạt như cắt đứt nguồn tiền của miền Bắc thông qua siết chặt cấm vận về tài chính và phong tỏa hoàn toàn các đường giao dịch. Nghị quyết được đánh giá là cứng rắn và thực chất nhất ở khía cạnh phi quân sự trong lịch sử hơn 70 năm qua của Liên hợp quốc.

Siết chặt cấm vận
Theo nghị quyết mới, các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc có nghĩa vụ phải kiểm tra mọi hàng hóa ra vào Bắc Triều Tiên, không được cho phép máy bay của miền Bắc bị nghi ngờ chở hàng hóa cấm đi ngang qua không phận của nước mình, cấm miền Bắc xuất khẩu khoáng sản, nguồn thu ngoại tệ chính của nước này. Đặc biệt, nghị quyết lần này cũng có nội dung đóng băng tài sản ở nước ngoài của Bắc Triều Tiên có liên quan tới vũ khí hủy diệt hàng loạt và lần đầu tiên chỉ định đảng Lao động Bắc Triều Tiên và chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào danh sách trừng phạt. Ngoài ra, Cục 39, cơ quan chuyên trách về quản lý và kiểm soát ngoại hối của miền Bắc, cũng bị đưa vào danh sách đen cấm vận. Về tài chính, Bắc Triều Tiên bị buộc phải đóng cửa các chi nhánh ngân hàng tại nước ngoài trong vòng 90 ngày. Ngoài Cục 39 còn có 12 cơ quan của miền Bắc như Viện khoa học quốc phòng, Tổng cục trinh sát Bắc Triều Tiên, những cơ quan Nhà nước có liên quan trực tiếp tới việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và huy động tiền, cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt. Bên cạnh đó, 16 cá nhân như Viện trưởng Viện khoa học tự nhiên thứ hai Bắc Triều Tiên Choe Chun-sik, Bộ trưởng Công nghiệp quân nhu Ri Man-gon cũng nằm trong danh sách này. Như vậy là đối tượng miền Bắc bị cộng đồng quốc tế trừng phạt đã tăng lên thành 32 tổ chức và 28 cá nhân. Ngoài ra, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc quyết định cấm bán, cung cấp dầu máy bay, trong đó có cả nhiên liệu tên lửa, cho Bắc Triều Tiên, cấm miền Bắc nhập khẩu đồng hồ cao cấp, các thiết bị thể thao trên mặt nước, xe chạy trên tuyết (snowmobile), pha lê chì (Lead Crystal). Như vậy, số lượng đồ xa xỉ phẩm bị đưa vào danh sách cấm đã tăng từ 7 loại lên thành 12 loại. Nếu như trước đây, trong số các loại vũ khí thông thường, miền Bắc vẫn có thể nhập khẩu vũ khí loại nhỏ, thì lần này, Hội đồng bảo an đã đưa ra lệnh cấm nước này nhập khẩu toàn bộ các loại vũ khí. Ngoài ra, nếu quan chức ngoại giao của miền Bắc vi phạm nội dung trừng phạt hoặc liên quan tới việc lẩn tránh cấm vận sẽ không được hưởng đặc quyền ngoại giao mà bị trục xuất về nước. Các nước thành viên của Liên hợp quốc sẽ phải trục xuất cả những người nước ngoài giúp đỡ các hành vi phi pháp của Bắc Triều Tiên.

Ý nghĩa và triển vọng
Nghị quyết cấm vận lần này được đánh giá là một đòn mạnh giáng vào ba điểm trọng yếu của Bắc Triều Tiên, đó là ba mặt đất liền, trên biển và trên không, xuất khẩu tài nguyên và về tài chính. Nếu tất cả các nước thành viên của Liên hợp quốc đều hợp tác một cách toàn diện, thực thi triệt để nội dung nghị quyết thì sẽ khiến miền Bắc phải gánh chịu những thiệt hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, nghị quyết lần này được cho là vẫn còn những kẽ hở. Ví dụ như xuất khẩu khoáng sản của Bắc Triều Tiên đã bắt đầu cho thấy xu hướng giảm từ năm 2013. Với trường hợp than đá thì nghị quyết đưa ra trường hợp ngoại lệ là miền Bắc vẫn có thể xuất khẩu “với mục đích sinh kế” và cho phép “than đá của nước ngoài” được xuất qua cảng của nước này. Ngoài ra, nghị quyết không có điều khoản nào liên quan tới lực lượng lao động miền Bắc đang làm việc tại nước ngoài, những người đang mang về mỗi năm cho nước này từ 200 triệu tới 300 triệu USD. Như vậy là vẫn còn con đường cho ngoại tệ chảy vào túi tầng lớp lãnh đạo miền Bắc. Giờ đây, mối lo ngại trước tiên chính là việc miền Bắc có thể sẽ có động thái khiêu khích nhằm phản đối nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Và trên thực tế thì sau khi nghị quyết vừa được thông qua chưa được một ngày thì vào sáng hôm 3/3, Bình Nhưỡng đã cho phóng tên lửa tầm ngắn trên biển Đông.

Tin mới nhất