Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

KBS khảo sát nhận thức của người dân về thống nhất

Tin nổi bật trong tuần2021-08-21

ⓒKBS News

Nhân dịp Quốc khánh Hàn Quốc 15/8, Đài Phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS) đã tiến hành một cuộc khảo sát nhận thức của người dân về thống nhất.


Nội dung khảo sát

Cuộc khảo sát được đài KBS tiến hành thông qua trang khảo sát trực tuyến (https://survey.kbs.co.kr/) trong vòng 5 ngày từ ngày 30/7, với 1.628 người trưởng thành trên toàn quốc. Tỷ lệ tham gia khảo sát là 9,4%, kết quả có độ tin cậy đạt 95%, sai số trong khoảng ±2,4. Có 71,4% người dân trả lời cảm thấy ác cảm với Bắc Triều Tiên, đặc biệt 38,8% trả lời “rất ác cảm”, xu hướng tăng liên tục trong ba năm trở lại đây. Mức độ quan tâm tới thống nhất giảm xuống 67,5%, thấp nhất trong vòng ba năm. Tuy nhiên, vẫn có 65,2% người dân đồng tình rằng cần thiết thống nhất hai miền Nam-Bắc. Điều này cho thấy bất chấp tỷ lệ người dân có ác cảm với Bắc Triều Tiên gia tăng, nhưng cứ ba người lại có hai người nhận thức rằng phải thống nhất dân tộc.

53,1% người dân phản đối chính sách với miền Bắc của Tổng thống Moon Jae-in, hai năm liên tiếp vượt quá 50%. Về việc hỗ trợ vắc-xin COVID-19 cho Bắc Triều Tiên, có 67% người dân trả lời chỉ nên hỗ trợ sau khi đã hình thành miễn dịch cộng đồng trong nước, 19,1% cho rằng không nên hỗ trợ. Hơn một nửa người dân đồng tình “nối lại có điều kiện” việc viện trợ lương thực cho miền Bắc và các dự án hợp tác liên Triều, như khu du lịch núi Geumgang hay khu công nghiệp liên Triều Gaesung. 72,6% người dân tham gia khảo sát cho rằng phải tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều nhằm giải quyết các vấn đề nổi cộm giữa hai miền, cho thấy người dân vẫn kỳ vọng lớn vào đối thoại với miền Bắc.

 

Phân tích và triển vọng

Đài KBS phân tích cục diện quan hệ liên Triều liên tục xấu đi trong vòng vài năm trở lại đây, khiến người dân giảm bớt thiện cảm cũng như sự quan tâm với Bắc Triều Tiên. Nhiều người dân nhận thức về vấn đề quan hệ liên Triều xét trên khía cạnh kinh tế và hòa bình bán đảo Hàn Quốc. Trên thực tế, quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc đã rơi vào bế tắc kéo dài kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tại Singapore tháng 6/2018. Gần đây, giữa hai miền xuất hiện một số tín hiệu đáng hy vọng, như việc hai bên khôi phục đường dây liên lạc liên Triều sau hơn một năm bị cắt đứt. Tuy nhiên, trước thềm tập trận chung liên quân Hàn-Mỹ nửa cuối năm 2021, Bắc Triều Tiên đã ra tuyên bố dưới danh nghĩa Phó Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, chỉ trích gay gắt Seoul và Washington, đẩy cao căng thẳng. Việc miền Bắc yêu cầu dừng tập trận chung Hàn-Mỹ được phân tích là mang ý đồ kích động sự ác cảm và mâu thuẫn trong nội bộ miền Nam về cuộc tập trận chung.

Sau khi hai miền khôi phục lại các kênh liên lạc, trong đó có đường dây liên lạc quân sự, dư luận đã hết sức chú ý tới khả năng diễn ra Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Đó là bởi việc khôi phục đường dây liên lạc có thể coi là tín hiệu cho thấy hai bên chính thức xúc tiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh sau quá trình thảo luận ngầm. Tuy nhiên, xét tới tình hình Bắc Triều Tiên đang phong tỏa quyết liệt để phòng dịch COVID-19, sự phản đối gay gắt của nước này với cuộc tập trận chung của liên quân Hàn-Mỹ, thì có lẽ phải sau khi cuộc tập trận chung kết thúc mới có thể dự đoán tiếp về khả năng khôi phục đối thoại liên Triều.

Tin mới nhất