Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Ảnh hưởng sau vụ Bắc Triều Tiên phóng tên lửa

Tin nổi bật trong tuần2016-02-14
Ảnh hưởng sau vụ Bắc Triều Tiên phóng tên lửa

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thông qua tuyên bố Chủ tịch cho biết sẽ sớm áp đặt biện pháp trừng phạt quyết liệt đối với Bắc Triều Tiên sau vụ nước này thử nghiệm tên lửa tầm xa vào hôm 7/2. Những ảnh hưởng từ vụ việc này đang lớn dần, trong đó có việc Seoul và Washington nhất trí thảo luận chính thức về việc triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) của Mỹ trên bán đảo Hàn Quốc.

Theo đó, nhiều ý kiến lo ngại sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa liên minh Hàn-Mỹ-Nhật với Triều-Trung-Nga, khiến Hàn Quốc đối mặt với thách thức lớn về chiến lược ngoại giao với bốn cường quốc trên thế giới.

Tuyên bố Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hợp quốc
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hôm 7/2 (theo giờ địa phương) đã nhóm họp khẩn và thông qua tuyên bố Chủ tịch có nội dung lên án mạnh mẽ động thái phóng tên lửa tầm xa của Bắc Triều Tiên. Trước đó, vào sáng hôm 7/2, Bình Nhưỡng đã cho phóng tên lửa và tuyên bố vệ tinh Gwangmyongsong-4, một vệ tinh quan trắc Trái đất, đã được đưa vào quỹ đạo thành công.

Trong nội dung tuyên bố được thông qua, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí sẽ sớm áp đặt các biện pháp cấm vận ý nghĩa để trừng phạt thích đáng động thái khiêu khích lần này của miền Bắc.

Hội đồng bảo an cho rằng mặc dù chính quyền miền Bắc ngụy biện vụ phóng tên lửa này là phóng vệ tinh nhưng rõ ràng nước này đã sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo nhằm phát triển tên lửa vận chuyển vũ khí hạt nhân. Đây là lần thứ tư nước này vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

“Biện pháp ý nghĩa” ở đây được phân tích là trừng phạt quyết liệt, vượt ra ngoài phạm vi cấm vận hiện nay đối với Bắc Triều Tiên, vốn chỉ giới hạn ở lĩnh vực liên quan tới vũ khí. Trên thực tế, nội bộ Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng có ý kiến rằng các biện pháp trừng phạt hiện tại còn nhiều hạn chế trong việc kìm hãm Bình Nhưỡng khiêu khích. Do đó, Hội đồng bảo an cần phải thiết lập thêm các hình thức cấm vận khác có mức độ răn đe cao hơn nữa.

Thảo luận công khai việc triển khai THAAD
Sau hàng loạt các động thái khiêu khích triền miên của miền Bắc như thử nghiệm hạt nhân rồi phóng tên lửa tầm xa, Seoul tuyên bố sẽ thảo luận chính thức với Washington về việc triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc. Một số ý kiến nhận định rằng trên thực tế vấn đề này đã được nội bộ hai nước quyết định.

Hiện Nga và Trung Quốc đều đang phản đối việc bố trí THAAD trên bán đảo Hàn Quốc, bởi điều này sẽ có thể gây ra một cú sốc lớn làm thay đổi cục diện hiện nay ở khu vực Đông Bắc Á. Tầm đánh chặn của THAAD vươn tới cả lãnh thổ của Trung Quốc và Nga nên việc triển khai hệ thống này trên bán đảo Hàn Quốc sẽ làm phá vỡ sự cân bằng về năng lực chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga.

Quân đội Hàn Quốc hiện đang được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD), có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo ở tầng cao thấp dưới 40 km và “Kill Chain”, hệ thống thăm dò, phân tích, phán đoán bằng vệ tinh trinh sát, từ đó tấn công mục tiêu tên lửa của Bắc Triều Tiên. Có ý kiến cho rằng chỉ với hai hệ thống này thì quân đội miền Nam sẽ khó có thể ngăn chặn hoàn toàn những đe dọa tên lửa miền Bắc, nên Hàn Quốc cần phải củng cố hệ thống phòng thủ bằng THAAD, tổ hợp tên lửa đánh chặn có tầm cao trên 100 km.

Thách thức ngoại giao với bốn cường quốc
Việc Bắc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa mang ý nghĩa nước này có năng lực phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân tới tận lãnh thổ nước Mỹ. Do đó, Wasington dự kiến sẽ đẩy nhanh việc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa thông qua bố trí THAAD trên bán đảo Hàn Quốc. Còn Nhật Bản có thể cũng sẽ nhân cơ hội này để gấp rút tăng cường quân bị.

Bối cảnh này sẽ khiến Nga cảm thấy bị uy hiếp. Theo đó, thế giới có thể lại rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa khối Hàn-Mỹ-Nhật và khối Trung-Triều-Nga. Điều này sẽ cản trở hợp tác giữa Hàn Quốc với Trung Quốc và Nga trong vấn đề hạt nhân, khiến khó có thể đưa ra được một biện pháp trừng phạt mạnh mẽ trên phương diện cộng đồng quốc tế với Bắc Triều Tiên. Đây sẽ là thách thức lớn của Hàn Quốc trong chiến lược ngoại giao với bốn cường quốc này.

Tin mới nhất