Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Ba nước Đông Bắc Á tìm tiếng nói chung về Hội nghị thượng đỉnh ba bên

Tin nổi bật trong tuần2015-03-29
Ba nước Đông Bắc Á tìm tiếng nói chung về Hội nghị thượng đỉnh ba bên

Ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản có nối lại được hội đàm thượng đỉnh trong năm 2015 hay không đang trở thành một vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Đặc biệt, mới đây cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Đông Bắc Á diễn ra tại Seoul sau ba năm gián đoạn đã nhất trí nỗ lực để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ba bên trong tương lai gần. Ngay sau đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng có lời phát biểu nhấn mạnh khôi phục khung hợp tác ba bên, mở ra khả năng tháo gỡ tình trạng bế tắc hiện nay.

Hàn-Trung-Nhật nhất trí sớm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ba bên

Phát biểu hôm 21/3 khi gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nói năm 2015 vừa là kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Hàn Quốc, 70 năm kết thúc Thế chiến II vừa đánh dấu tròn 50 năm Hàn Quốc và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Theo đó, bà Park bày tỏ hy vọng đây sẽ là năm bản lề để xây dựng khung hợp tác chung ba nước Đông Bắc Á.

Cùng ngày 21/3, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se và hai người đồng cấp Trung Quốc và Nhật Bản là Vương Nghị và Fumio Kishida đã nhóm họp lần đầu tiên sau ba năm gián đoạn do mâu thuẫn về vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quan điểm lịch sử. Kết thúc cuộc gặp, ba bên đã ra thông cáo chung khẳng định sẽ cùng nỗ lực để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật trong tương lai gần thuận tiện với các bên. Thông cáo chung này còn có nội dung bày tỏ hy vọng của quan chức ngoại giao các nước về một tương lai khôi phục và phát triển cơ cấu hợp tác ba nước Đông Bắc Á vì sự ổn định và thịnh vượng chung trong khu vực.

Ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật

Tiếp xúc thượng đỉnh giữa ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã bị đình trệ từ sau tháng 5 năm 2012 do các mâu thuẫn về quan điểm lịch sử và tranh chấp lãnh thổ giữa các bên.

Tương tự, hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba nước cũng đã bị gián đoạn ba năm nay. Cuộc họp này từng được tổ chức năm 2012 nhưng do bất đồng ý kiến nên các bên đã không ra được tuyên bố chung. Tuy nhiên, với việc nối lại thành công cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao lần này, thêm vào đó là một tuyên bố chung được đưa ra, đây có thể coi là một thành quả tương đối trong cải thiện quan hệ ba bên vốn đang bế tắc. Theo đó, nếu năm 2015 ba nước có thể tiến đến tổ chức tiếp Hội nghị thượng đỉnh thì đương nhiên sẽ là khôi phục hoàn toàn cơ cấu hợp tác ba bên.

Dự đoán

Seoul, Bắc Kinh và Tokyo cùng nhất trí quan điểm rằng cơ cấu hợp tác chặt chẽ giữa ba nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự thịnh vượng và phát triển chung của châu Á. Tuy nhiên, những vướng mắc về quan điểm lịch sử đang kìm hãm khả năng ba bên tổ chức hội nghị thượng đỉnh trong năm nay. Trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản tỏ ra khá tích cực trên vấn đề này thì thái độ của Trung Quốc có phần thận trọng hơn trong bối cảnh cùng quan điểm với Hàn Quốc về lịch sử, tức đối chọi với quan điểm của Nhật Bản. Chính vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng chìa khóa giải quyết vấn đề đang nằm trong tay Tokyo hay nói cách khác tùy thuộc vào sự thay đổi trong thái độ của nước này. Về điểm này, nhiều ý kiến cho rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang đứng trước hai cơ hội. Thứ nhất là chuyến thăm Mỹ và phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào tháng 4 tới và thứ hai là tuyên bố ngày 15/8 nhân 70 năm nước Nhật bại trận trong Thế chiến II. Nếu ông Abe bày tỏ thái độ kiểm điểm và nhận thức đúng về lịch sử Nhật Bản từng là nước đế quốc khơi mào chiến tranh, đi xâm lược gây đau thương cho các nước khác, thì vấn đề sẽ có thể dễ dàng được giải quyết. Còn nếu ngược lại, mâu thuẫn giữa các bên sẽ càng bị đào sâu hơn.

Về phát biểu của Tổng thống Park Geun-hye kêu gọi khôi phục cơ cấu hợp tác Hàn-Trung-Nhật, nhiều ý kiến cho rằng đây là động thái thể hiện Seoul đang đặt lên hàng đầu quan hệ hợp tác thực tế ba bên, tạm bỏ qua những vấn đề nhạy cảm khác. Liệu rằng động thái này của Seoul có mang đến được kết quả cuối cùng là một hội nghị thượng đỉnh ba bên trong năm nay hay không là điều mà dư luận quốc tế đang rất quan tâm.

Tin mới nhất